Việt Nam tuy đã đẩy lùi và khống chế khá tốt dịch bệnh, nhưng cũng không ngoại lệ vì là nền kinh tế có độ mở khá lớn, hoạt động xuất nhập khẩu đình trệ, ách tắc. Lao động trong nền kinh tế giảm mạnh. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở nước ta là 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 6 tháng đầu năm ước tính là 2,26% (quý 1 là 2,02%; quý 2 là 2,51%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,62%; khu vực nông thôn là 1,59%.
Từ nay đến cuối năm, tình hình việc làm và thất nghiệp có thể cải thiện, nhưng sẽ rất chậm, vì dịch bệnh ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn khó lường. TPHCM là địa bàn có lực lượng lao động người tỉnh khác rất lớn nên lại càng có di biến động lớn. Ngoài số lao động phải thôi việc, số khác do tâm lý muốn “về quê tránh dịch” nên cũng rời khỏi thành phố. Hệ quả của tình trạng này là đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn, an sinh xã hội khó đảm bảo. Nhìn xa hơn, nếu kinh tế thế giới hồi phục, các doanh nghiệp cần có công nhân để thực hiện kịp thời các đơn hàng thì lại sẽ không tìm được lao động.
Chính vì thế, trước mắt, đây là khoảng thời gian mà các chủ sử dụng và người lao động cần có sự chia sẻ với nhau như: bố trí làm việc luân phiên và tranh thủ thời gian để đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Cũng rất tốt nếu doanh nghiệp có thể mở ra ngành nghề mới để tạo việc làm tạm thời, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, vừa là giữ được người lao động, vừa cải thiện được trình độ tay nghề của người lao động về lâu về dài. Nhà nước nên trích Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để cho doanh nghiệp đào tạo chuyển nghề cho người lao động, để họ gắn bó với doanh nghiệp.
Tất nhiên, khi đào tạo nghề phải tính đến những nhóm nghề thiết thực để đáp ứng đúng nhu cầu thị trường lúc này. Có một điểm thuận lợi là với 100 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam khá lớn, đủ để chúng ta “tự nuôi nhau”. Các hộ gia đình chính là những ví dụ tốt về chuyển đổi linh hoạt từ ngành nghề này sang ngành nghề kia để thích ứng với hoàn cảnh.
Về phía Nhà nước, BHTN là một giải pháp có tính bền vững và cần vận dụng tốt hơn để tạo ra tấm lưới an sinh xã hội dày dặn, chắc chắn hơn. Sử dụng Quỹ BHTN, chúng ta có nguồn lực chủ động, kịp thời để đảm bảo an sinh xã hội và đào tạo nghề để quay lại thị trường. Trên thực tế, Quỹ BHTN đang còn kết dư đến 80.000 tỷ đồng, nghĩa là mức hưởng có thể cao hơn.
Bên cạnh đó, thị trường lao động cần phải được tổ chức lại, đảm bảo tính linh hoạt, năng động hơn. Nếu người lao động chỉ biết một công việc giản đơn duy nhất thì trong bối cảnh kinh tế - xã hội nhiều rủi ro như hiện nay là rất bất lợi. “Tinh một nghề, biết nhiều nghề” là phương châm đúng đắn, để chia sẻ rủi ro kể cả đối với người lao động lẫn doanh nghiệp.
Các trung tâm dịch vụ việc làm cũng cần phát huy vai trò kết nối cung - cầu lao động tốt hơn nữa. Đây vốn là các đơn vị sự nghiệp công, có trách nhiệm dự báo, thống kê, điều tra, đánh giá số lượng, chất lượng lao động, đánh giá tình trạng việc làm để thiết kế chính sách phù hợp. Hiện nay mới chỉ có các báo cáo hàng quý với độ chính xác chưa như mong muốn. Ở nhiều nước, thị trường lao động được cập nhật hàng tuần. Không đánh giá chính xác được thị trường lao động thì không thể hoạch định chính sách đúng đắn.
Với TPHCM, nguy cơ thiếu lao động phù hợp đã hiện hữu. Để khắc phục, cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng: nhà ở, đường sá, nước sạch, thông tin truyền thông, giáo dục, y tế… để thu hút được lực lượng lao động có chất lượng yên tâm an cư lạc nghiệp. Vừa qua, một số cơ chế chính sách mà TPHCM đưa ra xin ý kiến Quốc hội và đã được phê chuẩn là một giải pháp đúng hướng, rất đáng ghi nhận, được đánh giá cao. Tuy nhiên, để không tạo ra những áp lực lên hạ tầng kinh tế - xã hội TPHCM, đồng thời tạo điều kiện phát triển lan tỏa, TPHCM rất cần có chính sách chọn lọc các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao, giảm dần quy mô của các doanh nghiệp thâm dụng lao động.