Sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã làm mới lại câu chuyện chưa bao giờ cũ, đó chính là câu chuyện về chủ quyền kinh tế. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM.
PHÓNG VIÊN: - Theo ông, vấn đề chủ quyền kinh tế trong bối cảnh hiện nay nên được nhìn nhận như thế nào?
Ông PHẠM NGỌC HƯNG: - Với một nền kinh tế có độ mở rộng như Việt Nam hiện nay, vấn đề cán cân thương mại giữa nước ta và bất cứ quốc gia nào cũng rất cần được quan tâm. Chúng ta chỉ có thể ổn định nếu không lệ thuộc vào nền kinh tế nào quá lớn.
![]() |
Tuy nhiên, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc lại đang có mức chênh khá lớn. Chỉ riêng trong năm 2013, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 36,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 28,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước và tăng mạnh so với năm 2012 (khoảng 28,4%). Như vậy, chỉ tính riêng năm 2013 chúng ta đã nhập siêu 23,6 tỷ USD từ Trung Quốc. Điều này gây ra nhiều vấn đề.
Lâu nay chúng ta chỉ làm hàng gia công nên rất khó hưởng được nhiều giá trị gia tăng. Ngoài ra, việc xuất khẩu lên tới hơn 10 tỷ USD cũng khiến chúng ta bị lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều. Đó là chưa kể nhiều dự án năng lượng của Việt Nam do Trung Quốc làm tổng thầu nên phải nhập máy móc từ Trung Quốc.
Thực tế này cho thấy nếu có kịch bản xấu xảy ra chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Chủ quyền kinh tế nói thì dễ nhưng thực hiện là một quá trình. Các DN phải có những sự dịch chuyển. Nếu không có sự chủ động, không có ngành công nghiệp phụ trợ riêng cho mình, không chỉ DN trong nước gặp khó mà nhà đầu tư nước ngoài cũng ngại. Song nếu nhìn tổng thể, thời điểm hiện nay chúng ta đang có nhiều cơ hội cho bước chuyển này.
- Ông có thể nói rõ hơn về những cơ hội mà chúng ta đang có?
- Thứ nhất, việc Việt Nam đang tham gia đàm phán nhiều hiệp định như TPP hay FTA Việt Nam-EU, sắp gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN… sẽ mang đến cơ hội được hưởng nhiều ưu đãi về thuế. Tất nhiên, đi kèm với những ưu đãi này là những yêu cầu về xuất xứ hàng hóa.
Đây là cơ hội để chúng ta tìm kiếm những nguồn nguyên, phụ liệu thích hợp khác. Chẳng hạn, riêng ngành dệt may, một ngành được đánh giá hưởng lợi nhiều từ TPP, thay vì nhập khẩu quá nhiều nguyên phụ liệu chúng ta có thể kêu gọi đầu tư từ các nước vào Việt Nam.
Và ngay trong nước DN cũng có thể liên kết cùng làm. Phía Hiệp hội DN TPHCM đã làm việc với UBND TPHCM đề nghị giao cho hiệp hội một khu đất để một số DN tham gia sản xuất nguyên phụ liệu ngành may…
Thứ hai, sau sự kiện vừa qua với Trung Quốc, bản thân các DN cũng mong muốn nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc. Với những quyết tâm này, tôi nghĩ sự chuyển hướng của chúng ta sẽ nhanh hơn. Chúng ta sẽ từng bước dứt dần, cái nào có thể thay thế được thì thay thế.
Ngay cả hướng xuất khẩu cũng như thế, DN cũng đang tìm hướng chuyển dịch thị trường. Trong chuyến công tác xuống Bến Tre, gặp gỡ một DN sản xuất kẹo dừa xuất đi Trung Quốc, tôi có hỏi nếu không xuất được đi Trung Quốc nữa thì sao. Phía DN này cho hay thời gian qua đã làm việc với một vài đối tác Ấn Độ và đang chuẩn bị xuất sang thị trường này. Điều đó cho thấy, ngay cả DN nhỏ cũng đã có những tính toán cho riêng mình.
- Giả sử kịch bản xấu nhất xảy ra, liệu DN có kịp trở tay kịp hay không?
- Theo tôi, các DN có thể đối phó được. Bởi mua nguyên vật liệu ở đâu cũng có tiền, nếu trường hợp không còn mua được nguyên liệu từ Trung Quốc chúng ta sẽ phải mua từ các thị trường khác như Thái Lan… Giá cả sẽ cao hơn nhưng chất lượng chắc chắn tốt hơn.
Thời gian đầu, thị trường có thể chựng lại nhưng sau đó sẽ tiếp tục chuyển động vì không thể đứng yên một chỗ mãi được. Tất nhiên, sẽ có không ít DN trăn trở, bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí có thể chết do không có tiền đầu tư máy móc, nguyên liệu chất lượng cao hơn.
Nhưng nhìn chung vào bức tranh sẽ thấy lợi nhiều hơn vì không phải lệ thuộc. Còn về phía xuất khẩu, các DN sẽ buộc phải chuyển thị trường vì không còn cách nào khác. Thực tế, cho đến nay, theo những con số thống kê chính thức, tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-Trung Quốc thời gian gần đây vẫn bình thường. Chưa có DN nào của chúng ta quá khó khăn trong thời điểm này.
- Trở lại câu chuyện thu hút nhà đầu tư nước ngoài, sau những sự cố đáng tiếc vừa qua ở Bình Dương, Đồng Nai… việc này liệu có bị ảnh hưởng?
- Theo thông tin tôi được biết, chỉ vài ngày nữa 2 công ty đến từ Hồng Công sẽ đầu tư tại khu công nghiệp Việt Hương (Bình Dương) với số vốn khoảng 14 triệu USD. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất tin tưởng vào thị trường Việt Nam.
Nhìn lại sự cố vừa qua có thể thấy Chính phủ cũng như các địa phương đã vào cuộc rất tích cực, kịp thời và chính điều đó đã giúp khôi phục lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài đã, đang và sẽ tham gia vào thị trường Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông.