Kể từ khi gia nhập WTO, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã phải đối mặt với gần 100 vụ kiện thương mại quốc tế, trong đó có tới 52 vụ kiện về bán phá giá. ĐTTC trao đổi với Ths. Vũ Duy Cương, giảng viên môn Luật Thương mại quốc tế, trường Đại học Luật TPHCM.
PHÓNG VIÊN: - Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ra phán quyết cuối cùng giữ nguyên mức áp thuế chống phá giá đối với 32 DN xuất khẩu tôm của Việt Nam. Ông nhận định thế nào về quyết định này?
-Ths. VŨ DUY CƯƠNG: - Vụ áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với sản phẩm tôm nhập khẩu Việt Nam đã được tiến hành từ năm 2006. Từ đó đến nay DOC đã tiến hành các đợt rà soát hành chính hàng năm (POR) nhưng đều đưa ra kết luận cuối cùng sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp thuế chống bán phá giá.
Quyết định chính thức ngày 19-9-2014 của DOC đã được đưa ra sau một tiến trình dài và phức tạp của đợt rà soát lần thứ 8 (POR 8). Phán quyết này đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ phía DN Việt Nam vì sự vô lý của nó. Thứ nhất, quy định của WTO và Hoa Kỳ đều ghi nhận thời hạn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và chống bán phá giá không muộn hơn 5 năm, đồng thời cho phép quốc gia nhập khẩu trước khi hết thời hạn 5 năm được tiến hành rà soát cuối kỳ để quyết định có gia hạn thêm thời hạn 5 năm nữa hay không.
Thế nhưng trong các đợt rà soát cuối kỳ, Hoa Kỳ đều có quyết định tiếp tục gia hạn việc áp thuế chống bán phá giá thêm 5 năm. Điều này đã làm biện pháp chống bán phá giá có thời hạn trở nên “không bao giờ kết thúc”.
Ngoài ra, Hoa Kỳ còn áp dụng các POR giữa kỳ để xem xét điều chỉnh mức thuế chống bán phá giá. Thí dụ, trong vụ việc liên quan đến sản phẩm tôm, qua POR 7 năm 2013, DOC đã kết luận tôm Việt Nam không bán phá giá, không gây thiệt hại DN Hoa Kỳ. Nhưng năm nay, bằng POR 8, Hoa Kỳ lại áp một mức thuế chống bán phá giá rất cao. Bởi lẽ, trong vòng 1 năm rất khó có biến động về thị trường để cho rằng DN Hoa Kỳ bị thiệt hại.
Thứ hai, tùy ý lựa chọn nước thứ 3. Theo đó, Hoa Kỳ đã sử dụng các số liệu ở nước thứ 3 thay thế là Bangladesh - nước có nền kinh tế phi thị trường - đã gây bất lợi rất lớn DN xuất khẩu nước ta vì sự khác biệt của các thị trường.
- Nếu không đồng ý với phán quyết của DOC, DN Việt Nam có thể kiện ra cơ quan nào và chúng ta cần chuẩn bị những gì?
- Thông qua Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), DN có thể khởi kiện quyết định của DOC lên Tòa án thương mại Quốc tế Hoa Kỳ. Nếu thua kiện, bên thua có thể tiếp tục kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Tòa án liên bang Hoa Kỳ. Lưu ý nếu kiện theo con đường này, DN Việt Nam cần tiến hành nhanh chóng vì chỉ có thời hạn 30 ngày từ ngày DOC quyết định áp thuế chống bán phá giá để thực hiện thủ tục.
DN cũng có thể đưa vụ việc ra cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO. Năm 2009 chúng ta cũng đã đưa vụ tranh chấp DS 404 liên quan đến sản phẩm tôm nhập khẩu Việt Nam ra WTO. Dù lựa chọn con đường nào, DN Việt Nam cần chuẩn bị bộ hồ sơ pháp lý đầy đủ, lập luận và minh chứng chặt chẽ, thuyết phục; theo sát diễn biến vụ tranh chấp, sự hợp tác hiệu quả với các cơ quan có thẩm quyền; cần tư vấn pháp lý của các văn phòng luật sư có uy tín, hỗ trợ của cơ quan chuyên ngành.
Cụ thể, mỗi khi bị áp thuế chống phá giá, DN ngoài lên tiếng phản đối, cần đeo đuổi vụ việc đến cùng. Sự quyết tâm này phải được thể hiện ngay từ khi có những biện pháp phòng ngừa việc điều tra của cơ quan có thẩm quyền ở quốc gia nhập khẩu, sự hợp tác tích cực và hiệu quả trong quá trình bị điều tra, thể hiện trong sự kháng cự quyết liệt và hợp luật khi bị áp thuế một cách bất công. Ngoài ra là các yếu tố khác như am hiểu các quy định pháp lý, sự hỗ trợ hiệu quả của cơ quan nhà nước, vai trò của hiệp hội…
Thí dụ, vụ giày mũ da bị áp thuế chống bán phá giá ở châu Âu, sự phản ứng quyết liệt và cần thiết của Việt Nam đã dẫn đến kết quả Ủy ban Châu Âu ra thông báo ngừng áp đặt biện pháp chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam kể từ ngày 1-4-2011. Với vụ tôm này, Việt Nam đã quyết tâm kiện ra WTO và đang thu được những kết quả rất khả quan có lợi cho Việt Nam theo quy định của WTO.
- Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quan hệ hợp tác kinh tế vượt ra khỏi biên giới quốc gia, DN Việt Nam cần chuẩn bị những gì để ngăn ngừa các vụ kiện tranh chấp thương mại quốc tế trong tương lai?
- “Phòng bệnh không bằng chữa bệnh” - câu nói quen thuộc trong ngành y - cũng đúng trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Để tránh tình trạng có bệnh (tranh chấp) rồi mới tìm mọi cách để chạy chữa, DN xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề để phòng ngừa các tranh chấp thương mại quốc tế như sau: “Biết mình biết ta - trăm trận trăm thắng”. Biết ở đây là hiểu biết về đối tác, hiểu biết về thị trường, quy định pháp luật và những xu hướng bảo hộ của thị trường đó. Hợp tác hiệu quả với DN trong nước xuất khẩu sản phẩm tương tự, cũng như với DN nhập khẩu tại quốc gia nhập khẩu. Từ bỏ thói quen xuất khẩu vào một thị trường cố định. Theo đó, đa dạng hóa thị trường, tập trung vào các thị trường mới, ít có khuynh hướng bảo hộ như thị trường Nga, các nước Đông Âu, châu Phi…
- Xin cảm ơn ông.