Chu du đến thảo nguyên vô tận Mông Cổ

Chu du đến thảo nguyên vô tận Mông Cổ

Untitled-1.jpg

Hoang dã, kỳ bí của vùng thảo nguyên mênh mông lọt thỏm giữa sa mạc Gobi rộng lớn, cùng với nét văn hóa du mục có bề dày hơn 2.000 năm lịch sử, đất nước Mông Cổ quả thật là vùng đất thiên nhiên hùng vĩ, mãi không đến điểm dừng, bởi thảo nguyên vô tận trải rộng 1,2-1,5 triệu km².

Mông Cổ (Mongolia) nằm ở Trung Á, giữa Nga và Trung Quốc. Với địa hình đa dạng từ sa mạc khô cằn đến trùng điệp núi cao, từ thảo nguyên bát ngát đến hồ nước sâu lắng, khí hậu biến đổi từ siêu lạnh ở vùng Bắc trong mùa đông dai dẳng và mát mẻ khi mùa hè ngắn ngủi đến. Từ 2.000 năm trước, đã có những bộ lạc du mục và chăn nuôi gia súc trên thảo nguyên Mông Cổ rộng lớn.

hồ Khargiin Khar.jpg
hồ Khargiin Khar.

Lịch sử ghi dấu Đế chế Mông Cổ hùng mạnh ở thế kỷ 13, khi được thống nhất bởi Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan), nhà quân sự lỗi lạc và có tầm ảnh hưởng thế giới với câu nói, “vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu thì cỏ không mọc được ở đó”. Vượt thời gian từ quá khứ về hiện tại, văn hóa du mục vẫn được duy trì ở Mông Cổ như một nét đẹp của di sản văn hóa thế giới.

Khám phá Mông Cổ vô tận

Tiến vào sa mạc Gobi rộng lớn thứ 5 trên thế giới, băng qua những đụn cát trên lưng lạc đà giữa màu xanh bạt ngàn của thảo nguyên, Mông Cổ như là một phần sa mạc Gobi. Hoang sơ, cằn cỗi nhưng thiên nhiên rất đỗi kỳ vĩ. Sa mạc Gobi như ôm trọn trong lòng những cồn cát khổng lồ, với những ốc đảo đẹp mê hồn và núi đá đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động, quyến rũ bao bước chân tự do rong ruổi trên "Con đường tơ lụa" huyền thoại.

Lạc đà sa mạc Gobi.jpg
Lạc đà sa mạc Gobi.

Trên một chiếc xe lữ hành hay trên lưng một chú lạc đà chất lừ, chúng tôi từng bước được dẫn vào vùng đất sa mạc, băng băng qua những đụn cát, ngắm nhìn các kỳ quan thiên nhiên trên sa mạc, và ngắm hoàng hôn buông xuống hòa cùng bức tranh thảo nguyên xanh ngát.

Một khoảng trời xanh mở ra ngay trước mắt với cồn cát Elsen Tasarkhai trải dài 80km, bao quanh là những con suối, ngọn đồi, hàng cây liễu và bụi rậm... Khi đã tiến vào đủ sâu, sẽ khám phá lối sống du mục độc đáo, tìm hiểu người chăn nuôi lạc đà, thưởng thức các món ăn địa phương trong túp lều Ger.

Thật tình mà nói có những khoảng lặng quá đỗi vô thực trong chuyến hành trình, khiến tôi quên mất thế giới hiện đại cùng những lo toan rất đời thường hàng ngày…

Khám phá thủ đô Ulaanbaatar

Đó là sự pha trộn giữa nét hiện đại trong lòng thiên nhiên hoang dã. Vùng ngoại ô Ulaanbaatar thật kỳ lạ, trở thành điểm lý tưởng để cắm trại dưới bầu trời sao, chúng tôi được tận hưởng không khí trong lành và yên bình của thiên nhiên. Dưới ánh sáng của những vì tinh tú cùng mặt trăng khổng lồ, việc nhìn ngắm bầu trời đêm rực rỡ hẳn đã mang đến cho mình một trải nghiệm mà không nơi nào sánh bằng.

Ulaanbaatar.jpg
Thủ đô Ulaanbaatar.

Thủ đô Ulaanbaatar là một điểm đến ấn tượng mở ra một góc nhìn khác biệt về Mông Cổ. Đó là thành phố sầm uất, nhộn nhịp, cùng với các cao ốc hiện đại hoành tráng, song song được bao quanh bởi các dãy núi sừng sững, tạo nên một khung cảnh đẹp vừa hiện đại tươi mới, vừa hùng vĩ hoang sơ, thật vô cùng ấn tượng khi được chạm đến.

Karakorum.jpg
Thành cổ Karakorum.

Khi đến thủ đô này, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng tượng đài của Damdin Sukhbaatar, người anh hùng dân tộc nổi tiếng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tản bộ trên quảng trường Sukhbaatar, thăm thú khu chợ Black Market để mua sắm và thưởng thức những món ngon đặc sắc.

Trải nghiệm tự do trên lưng ngựa Mông Cổ

Làm quen với ngựa Mông Cổ, loài ngựa tạo nên "vó ngựa Mông Cổ" hào hùng của Thành Cát Tư Hãn khi xưa, hẳn là điều mình thích nhất. Đó là một loài ngựa nhỏ, nhưng thân hình cường tráng, tứ chi lực lưỡng, gân cốt phát triển vô cùng linh hoạt và nhanh nhẹn, hẳn là một thử thách được ghi lại trên văn vở: "Nhanh như một mũi tên rời khỏi sợi dây, tỏa sáng như một tia lửa, khí thế oai hùng.

Naadam Festival.jpg
Naadam Festival.

Vườn quốc gia Gorkhi Tereji nằm gần thủ đô Ulaanbaatar, chính là điểm đến thiên nhiên hoang sơ bậc nhất khi chưa bàn tay con người nào chạm đến được. Bức tranh hùng vĩ như được vẽ nên bởi thảo nguyên bát ngát, xa xa rừng thông cao ngút trên sườn núi hòa trong bầu trời xanh trong vắt. Và trên lưng ngựa như một mũi tên tự do bắn vào trong vô tận, và thế giới khác ngoài kia dường như cũng trôi vào đâu xa lắm lắm…

Sau một ngày dài rong ruổi, tôi dành thời gian thong thả tản bộ, đi qua Tảng Đá Rùa độc đáo giữa trùng điệp dãy núi xanh biếc, hồ Khargiin Khar xanh mướt mắt, suối nước nóng Yetii, Tảng đá Ông Già Đọc Sách nổi tiếng kỳ bí và dừng bước linh thiêng tại Tu viện Tereji.

Ở Tereji, tôi sẽ chẳng thể nào bỏ qua ngủ đêm tại những túp lều Ger trắng tinh khôi giữa thảo nguyên, kiểu nhà ở truyền thống bao đời của dân du mục. Bên trong những túp lều đơn sơ, nhưng tiện nghi và ấm cúng, du khách sẽ được chào đón bằng tiếng Mông Cổ và thưởng thức các món đặc sản như trà sữa (Suutei tsai), rượu sữa ngựa lên men (Airag). Các món ăn được chế biến từ thịt cừu và thịt dê, mang lại sự dinh dưỡng và hương vị đặc trưng của vùng miền này.

Thành phố cổ Karakorum và di tích lịch sử của đế quốc Mông Cổ

Karakorum ra đời khoảng năm 1220, khi Thành Cát Tư Hãn cắm trại ở thung lũng sông Orkhon, gần vùng đồng bằng phẳng, là thủ đô lịch sử lưu trữ hoàn toàn dấu tích thịnh trị của đế quốc Mông Cổ trải khắp Á - Âu.

Các cuộc khai quật xung quanh Karakorum phát hiện ra nhiều di tích quan trọng, như con đường trải nhựa, tàn tích của các tòa nhà bằng gạch, hệ thống sưởi sàn, bếp lò, cũng như các bằng chứng về quá trình chế biến các loại kim loại và vật liệu khác. Những khám phá này, cùng với những giai thoại đã tái hiện về thời đại huy hoàng trong lịch sử, sẽ dễ dàng tìm thấy những di chỉ, chứng tích được trưng bày cẩn thận tại Bảo tàng Karakorum, một điểm tham quan hiện đại và lôi cuốn ở trung tâm thành phố.

Món ăn Buuz.jpg
Naadam Festival.

Tuy nhiên, không có di tích nào thu hút sự chú ý như Cây Bạc. Được truyền thuyết kể lại là một vòi nước hình cây được đúc nên từ bạc, ôm sát vào thân cây, cành lá và quả ngọt tạo thành một “vòi nước lạ mắt và huy hoàng”, từ đó đổ ra bốn loại nước lành khác nhau: rượu nho, sữa ngựa lên men, rượu gạo và rượu mật ong tươi rói phục vụ cho các hậu huệ của Thành Cát Tư Hãn.

Trong thực tế, Cây Bạc chưa bao giờ được khai quật, dù vậy câu chuyện về nó vẫn gợi lên sự tò mò về quá khứ rực rỡ của hoàng gia Mông Cổ.

Một điểm đến không thể bỏ qua là Tu viện Erdene Zuu, hay gọi là Chùa Ngọc, được xây dựng từ năm 1585 đến năm 1586, là tu viện lâu đời nhất của Mông Cổ và là một trong những di sản thế giới được UNESCO công nhận. Được xây dựng từ tàn tích của Karakorum, Erdene Zuu chứng kiến Phật giáo Tây Tạng tuyên bố là tôn giáo chính thức của Mông Cổ.

Kiến trúc của Tu viện Erdene Zuu phản ánh sự kết hợp nghệ thuật của Mông Cổ, Tây Tạng và Trung Quốc, thể hiện sự đa dạng văn hóa của Mông Cổ. Ngôi đền trung tâm bao quanh bởi một bức tường có 108 bảo tháp, đại diện cho 108 tập của Kangyur - kinh điển Phật giáo Tây Tạng.

Văn hóa và ẩm thực đặc sắc của Mông Cổ

Văn hoá truyền thống của Mông Cổ cũng độc đáo và một chút gì đó khép kín như vùng đất hoang sơ này vậy, qua những lễ hội và lễ nghi, chúng tôi như lần nữa khám phá ra một thế giới mới.

Naadam Festival: là một trong những lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất của Mông Cổ. Diễn ra hàng năm vào tháng 7, Naadam kỷ niệm ngày lịch sử quốc gia và bao gồm các sự kiện thể thao truyền thống như đua ngựa, đấu vật và bắn cung.

Tsagaan Sar (Tết Mông Cổ): là lễ hội truyền thống của Mông Cổ để chào đón năm mới theo lịch Mông Cổ. Trong dịp này, người dân thường tham gia các nghi lễ tôn kính tổ tiên, gặp gỡ gia đình và bạn bè, cùng thưởng thức các món ăn truyền thống.

Shamanistic Rituals: nghi lễ thần bí của dân tộc Shamanistic vẫn được duy trì và tổ chức trong một số cộng đồng dân cư ở Mông Cổ. Những buổi lễ này thường bao gồm các nghi thức, lễ cúng và múa lửa, nhằm hòa mình với thiên nhiên và các linh hồn.

Ger Festival: là một sự kiện thú vị tại Mông Cổ, tập trung vào văn hóa và truyền thống xung quanh việc sống trong những túp lều truyền thống của Mông Cổ, được gọi là Ger. Du khách có cơ hội tham gia các hoạt động như thi xem túp lều đẹp và trang trí, cuộc thi nấu ăn và văn hóa nghệ thuật.

Tượng Genghis Khan.jpg
Tượng Thành Cát Tư Hãn.

Lễ hội Eagle Hunting: được tổ chức ở vùng núi cao Altai, lễ hội săn chim đại bàng là một phần quan trọng của văn hóa truyền thống của Mông Cổ. Tại đây, người săn bắt chim đại bàng (Eagle Hunters) trình diễn kỹ năng của mình và thể hiện lòng tôn kính với chim đại bàng và nghệ thuật săn bắt truyền thống.

Một điểm rất riêng ở người Mông Cổ là ít dùng nước để tắm, với quan niệm việc tiếp xúc với nước khi tắm có thể làm đụng chạm đến long mạch và các thần linh. Vậy nên mùi cơ thể càng mạnh mẽ sẽ càng mang lại nhiều may mắn hơn!

Khám phá ẩm thực Mông Cổ: tưởng chừng như “khó nuốt" nhưng lại là một ngạc nhiên. Đó là sự kết hợp độc đáo giữa các nguyên liệu tự nhiên và phong cách nấu ăn truyền thống, món ăn phổ biến nhất là "Buuz", loại bánh xếp hấp chín, thường được làm từ thịt cừu hoặc bò cắt nhỏ.

"Khorkhog" là một món thịt cừu hoặc bò được nướng trong một ấm đất cùng với các loại rau củ. "Tsagaan idee" là một món chính truyền thống, bao gồm thịt cừu, khoai tây, hành và cà rốt, tất cả đều được nấu cùng với gạo. Các loại súp nồi như "Borts", là sự kết hợp giữa thịt, bột mỳ và rau củ. Một món tráng miệng phổ biến là "Boortsog", là loại bánh tròn có vị ngọt, được chiên giòn.

Kết thúc cuộc hành trình khám phá “nét đẹp hoang sơ độc nhất còn sót lại” của Mông Cổ, chúng tôi chẳng thể nào quên được trải nghiệm tự do tột cùng trên thảo nguyên vô tận, đêm về đầy sao trên sa mạc, hay những dấu ấn của quá khứ trên những di tích ngàn năm hào hùng.

Để những trải nghiệm này là nguồn cảm hứng vô tận, khơi dậy sự tò mò và khám phá sâu hơn về vẻ đẹp đa dạng của Mông Cổ và dân tộc Mông Cổ.

Các tin khác