Ngày 22-6, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).Theo đó, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung các loại hình chữ ký điện tử khác ngoài chữ ký số đáp ứng đủ các điều kiện để bảo đảm chữ ký an toàn, giá trị pháp lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy. Ảnh: QUANG PHÚC |
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chữ ký điện tử được sử dụng để xác nhận chủ thể ký và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông tin trong thông điệp dữ liệu được ký và phải được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu thì lúc đó mới được coi là chữ ký điện tử.
Hiện nay, các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử như chữ ký scan, chữ ký hình ảnh, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), tin nhắn (SMS),… không phải là chữ ký điện tử.
Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn triển khai nghiệp vụ trong ngành ngân hàng, hải quan… và nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, dự thảo luật đã quy định việc sử dụng các hình thức xác nhận này được thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan.
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Giao dịch điện tử. Ảnh: QUANG PHÚC |
Về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể, chi tiết hơn dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu để tránh trùng lặp chức năng, nhiệm vụ của Bộ TT-TT với Bộ Tư pháp, UBND cấp tỉnh (về chứng thực).
Trước ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu được quy định dự thảo luật là việc bảo đảm thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ mà không bị chỉnh sửa, xoá trên môi trường điện tử.
Trong khi đó pháp luật về chứng thực, công chứng hiện hành quy định các hoạt động chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký trong giấy tờ; chứng thực hợp đồng, giao dịch (về thời gian, địa điểm, năng lực hành vi dân sự); công chứng, chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng trên môi trường thực.
Do đó, 2 loại dịch vụ này là khác nhau và quy định trong dự thảo luật về chức năng, nhiệm vụ của Bộ TT-TT liên quan đến nội dung này sẽ không chồng lấn chức năng, nhiệm vụ với Bộ Tư pháp, UBND cấp tỉnh về hoạt động chứng thực. Ngoài ra, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội.
Để xây dựng và duy trì các cơ sở dữ liệu này đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy doanh nghiệp đóng góp một phần kinh phí đáng kể trong việc xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu.
Do đó, quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí một phần hoặc toàn bộ kinh phí xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, cơ quan khác của Nhà nước là phù hợp.
Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo luật này.
Cùng ngày, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia.