Covid-19 tác động đến sản xuất kinh doanh
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Lê Thị Huỳnh Mai thông tin tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng ước đạt 112.770 tỷ đồng (tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ).
Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) lại giảm gần 4% (cùng kỳ tăng hơn 5%). Một số ngành có chỉ số giảm so với cùng kỳ, như: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm gần 25%; sản xuất kim loại giảm gần 40%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm gần 21%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 15%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm gần 14%...
“Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm là do doanh nghiệp có số ngày làm việc ít hơn và các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất trong tháng 12-2019 để phục vụ tết, tháng 1-2020 chủ yếu sản xuất cầm chừng để giữ lượng hàng chuẩn bị cho các tháng tiếp theo”, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai phân tích.
Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tương tự, 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) ước giảm hơn 2,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,13%). Đặc biệt, do tác động của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia nên dù ở giai đoạn cao điểm phục vụ tết, ngành sản xuất đồ uống tăng ở mức thấp (gần 4%, trong khi cùng kỳ tăng 7,2%). Dự báo, sản lượng đồ uống có thể giảm sâu ở các tháng tiếp theo.
Các ngành khác cũng giảm, trong đó hóa chất - cao su - nhựa giảm 0,99% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,37%); cơ khí giảm 7,37% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,55%). Trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu chỉ duy nhất sản xuất hàng điện tử tăng (ở mức 2,8% so cùng kỳ, cùng kỳ tăng 17,73%), do có thị trường tiêu thụ ổn định và các doanh nghiệp thường xuyên ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại.
Trong đó, nổi bật là những loại sản phẩm điện tử sử dụng chip thương hiệu Việt và một số sản phẩm đầu cuối đã đưa vào sản xuất đại trà được các doanh nghiệp thuộc Khu Công nghệ Cao thực hiện. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tháng 1 ước đạt 1.591,2 triệu USD, tăng 92,6% so cùng kỳ.
Quang cảnh hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và triển khai công tác năm 2020 trên địa bàn TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cũng đánh giá, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và hoạt động chuyển nhượng bất động sản, đầu tư vốn cá nhân sụt giảm đã tác động đến tình hình kinh tế lẫn tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhìn chung các khoản thu giảm hoặc có mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ.
Điển hình, thuế tiêu thụ đặc biệt tháng đầu năm 2020 giảm hơn 6% so với cùng kỳ. Thuế thu nhập cá nhân tăng 7,92% nhưng vẫn tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, do sụt giảm hoạt động chuyển nhượng bất động sản và đầu tư vốn của cá nhân.
Tương tự, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 1,25% so với cùng kỳ (là loại thu có tốc độ tăng cao nhất trong 2 loại thu chính) nhưng vẫn mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Trong khi đó, thuế giá trị gia tăng (VAT) thì chỉ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng cao nhất (là 5%) và các khu vực còn lại đều giảm (khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương giảm 10,8%, khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương giảm 6%, khu vực ngoài quốc doanh giảm 3,13%). Tính chung, thuế VAT giảm 1,46% so với cùng kỳ.
Không để tồn đọng ở các dự án đầu tư
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu ngành công thương tập trung thực hiện những biện pháp không để giảm sút chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp, nhất là 4 ngành công nghiệp trọng yếu trong những tháng tiếp theo.
Ngành công thương cũng cần chú ý Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được phê chuẩn và Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua vào kỳ họp sắp tới. Đây là cơ hội nâng cao sản xuất, chất lượng hàng hóa.
Cụ thể, đồng thời yêu cầu Sở Công thương rà soát lại các chính sách, giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, chuẩn bị cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm của hàng hóa Việt Nam, năng lực cạnh tranh của kinh tế TPHCM.
“Không đợi Quốc hội thông qua, TPHCM mới chuẩn bị. Đây là cơ hội đẩy mạnh giao lưu doanh nghiệp, giao lưu hàng hóa giữa TPHCM với các nơi. Vì thế, chúng ta cần phải chủ động”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Cùng với đó, Giám đốc Sở Công thương lưu ý thành lập Hội đồng phát triển ngành, trước hết là công nghệ thông tin, cơ khí, hóa nhựa… Sắp tới, TPHCM sẽ tiếp đối thoại với doanh nghiệp theo từng lĩnh vực cụ thể. Trước mắt, trong tháng 2-2020, lãnh đạo TPHCM sẽ gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản.
Do đó, các sở - ngành tham mưu chính sách, giải pháp tập trung tháo gỡ một số dự án hiện nay mà đã được Chính phủ, bộ - ngành cho ý kiến, đặc biệt là các dự án đã được Thanh tra cho ý kiến, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Theo đồng chí, để kêu gọi đầu tư một dự án, TPHCM phải làm rất nhiều thủ tục. Có dự án đầu tư chưa tới 1 tỷ USD nhưng mất rất nhiều thời gian hoàn tất thủ tục. Trong khi đó, nguồn kiều hối về TPHCM hơn 5 tỷ USD/năm là số tiền rất lớn, mà không phải mất thời gian, thủ tục gì. Vì thế, TPHCM cần trân trọng, có đề án phát huy để lượng kiều hối chảy vào đầu tư sản xuất cho hiệu quả nhất.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định, TPHCM tiếp tục thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc chính sách tái định cư ở Khu công nghệ cao (quận 9), khu 4,3ha ở Thủ Thiêm (quận 2). TPHCM tiếp tục xây dựng Khu đô thị mới Thủ thiêm đúng như đề án đã được phê duyệt.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu duy trì đều đặn cuộc họp của tổ công tác đầu tư trên địa bàn TP, thậm chí tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật nhằm kịp thời giải quyết các đề xuất của doanh nghệp, tháo gỡ vướng mắc ở các dự án đầu tư. Đồng thời, xác lập rõ quy trình, trách nhiệm từng đơn vị trả lời, không để các tồn đọng quá nhiều ở các dự án đầu tư. |
Liên quan đến lượng kiều hối mà TPHCM tiếp nhận vào hàng năm hơn 5 tỷ USD (trong đó 72% chảy vào đầu tư), Chủ tịch UBND TPHCM giao Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo xây dựng đề án định hướng, phát huy nguồn lực kiều hối.
Sẵn sàng nơi điều trị, cách ly phòng chống dịch Covid-19 Để phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, TPHCM đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và các cơ sở khám bệnh chữa bệnh công lập, ngoài công lập trên địa bàn tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid-19. Một trong các giải pháp là tăng cường kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện nhập cảnh, quá cảnh và hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Đặc biệt, giám sát chặt chẽ (bằng máy đo thân nhiệt từ xa) và quan sát tình trạng sức khỏe tất cả các hành khách nhập cảnh từ vùng dịch. Song song đó là việc rà soát và sẵn sàng cơ sở điều trị, cách ly, đảm bảo thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ khám, chữa bệnh, trang bị phòng hộ cá nhân để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Trước tác động của dịch Covid-19 tới ngành du lịch, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Du lịch tham mưu cho lãnh đạo TPHCM để kiến nghị Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, cũng như hộ kinh doanh nhỏ lẻ. |