Trong đó, đồng chí nhấn mạnh TPHCM thấu hiểu, tập trung hành động để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chiều 8-12, kỳ họp thứ tư HĐND TPHCM khóa X bước sang phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chủ tịch UBND TPHCM. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Nhiều nội dung chất vấn sát sườn
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Tô Thị Bích Châu đặt vấn đề: Hiện nay, việc tổ chức y tế cơ sở là các trạm y tế, trạm y tế lưu động. Có những trạm y tế lưu động do phó chủ tịch UBND phường làm trưởng trạm, có nơi giao cho y tế tư nhân làm trưởng trạm. ĐB đặt câu hỏi: Để có sự thống nhất và tạo điều kiện trong tình hình mới hiện nay, cơ chế quản lý tài chính và công tác quản lý ra sao?
Ngoài ra, ĐB cũng đặt câu hỏi liên quan đến cải cách hành chính, liên thông giữa các sở, ngành địa phương, đặc biệt là các văn bản do địa phương gửi đến để giải quyết các yêu cầu, kiến nghị bức thiết của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chờ đợi rất lâu mới được trả lời. Vậy UBND TPHCM có chỉ đạo ra sao hay chỉ nhắc nhở chung chung những trường hợp này?
ĐB Nguyễn Thị Việt Tú chất vấn sự hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đặc biệt khó khăn này ra sao? ĐB mong người đứng đầu chính quyền TPHCM có nhiều giải pháp đồng hành với doanh nghiệp. Bởi lúc này doanh nghiệp lao đao thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội chung của TPHCM.
Bên cạnh đó, ĐB cho biết, thời gian qua TPHCM đã có nhiều giải pháp phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn những vấn đề chưa được như mong muốn. ĐB chất vấn, qua đợt dịch vừa rồi, TPHCM rút ra bài học kinh nghiệm gì? Và giải pháp ra sao để nếu dịch trở lại thì có bước tránh những hậu quả như thời gian vừa qua?
Liên quan đến nguồn vốn giảm nghèo, ĐB Nguyễn Thị Việt Tú chất vấn: Năm 2021 TPHCM đã không thực hiện được, vậy năm tới ra sao? Đồng thời ĐB đặt vấn đề lãnh đạo UBND TPHCM thông tin, xem xét đến thời gian nào thì triển khai thực hiện? Vì hiện nay do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều người rơi vào cảnh khó khăn, hộ nghèo gia tăng.
Cùng quan tâm vấn đề trên, ĐB Thượng tọa Thích Minh Thành, Trưởng khoa Khoa Hoằng pháp, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM đặt vấn đề: TPHCM có giải pháp nào để người dân tiếp cận nguồn vốn, tránh xa tín dụng đen? Bên cạnh đó, TPHCM có giải pháp nào để hạn chế tối đa tội phạm trong thời gian tới? Đồng thời có giải pháp nào để vận động, tuyên truyền lan tỏa những cái hay, cái đẹp và xử lý những thông tin xấu, độc, tiêu cực?
Liên quan đến vấn đề nhà ở, ĐB Nguyễn Thị Như Ý chất vấn: TPHCM có những giải pháp nào để đào tạo nghề, kết nối nguồn lao động với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay? Bên cạnh đó, TPHCM có những giải pháp gì trong tương lai để phát triển nhà ở giá rẻ cho nhóm người dân sống tạm bợ trong những căn nhà trọ chật hẹp, nhà tạm bợ trên và ven kênh rạch?
Trong khi đó, ĐB Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, nêu tình trạng TPHCM đang thiếu nguồn lực cho đầu tư, nhất là cho các công trình cấp bách, phục vụ phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số, các công trình y tế, giáo dục…
“Nguồn đầu tư công không đủ, nếu không tìm được các nguồn vốn đầu tư khác thì chắc chắn TPHCM sẽ không có nguồn lực đầu tư cho giai đoạn sắp tới. Vậy TPHCM có giải pháp nào để huy động nguồn lực đầu tư tư nhân cho phát triển?”, ĐB Võ Thị Trung Trinh chất vấn.
TPHCM dành ngân sách đầu tư y tế cơ sở
Trả lời chất vấn của các ĐB, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trọng tâm là quan tâm, củng cố y tế cơ sở. Vừa qua, UBND TPHCM đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế và thống nhất triển khai đề án thí điểm, xây dựng và tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số. Như vậy, TPHCM sẽ giải quyết vấn đề rất nhiều người dân quan tâm, đó là nhân sự của các trạm y tế chưa đáp ứng được quy mô dân số trong điều kiện dịch bệnh bùng phát.
Về việc này, TPHCM đã có sự chủ động, nhìn ra bất cập và đã chuẩn bị. Và giờ đây với chủ trương của Bộ Y tế, thì TPHCM sẽ đẩy nhanh thực hiện đề án này.
Bên cạnh trạm y tế cơ hữu, giải pháp trước mắt của TPHCM là xây dựng các trạm y tế lưu động để có thể huy động lực lượng từ bên ngoài, quân y, y tế tư nhân, kể cả cán bộ y tế hưu trí… cùng chung sức trong vận hành trạm y tế lưu động. Việc bổ sung bằng các trạm y tế lưu động sẽ đáp ứng ngay nhu cầu phòng chống dịch và sẽ tùy theo quy mô dân số ở xã, phường, thị trấn mà có thể có nhiều trạm y tế lưu động, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, TPHCM sẽ dành một khoản ngân sách để đầu tư y tế cơ sở. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TPHCM cũng khẳng định, TPHCM sẽ dành một khoản ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng mới hoặc sửa chữa trạm y tế, mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Việc này là chính đáng. TPHCM sẽ cân nhắc nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Thấu hiểu, hành động kịp thời tháo gỡ khó khăn
Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM có 4 nhóm giải pháp, gồm: hỗ trợ về tín dụng; tổ chức lại sản xuất kinh doanh; gia nhập và mở rộng thị trường; tái cấu trúc lại doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số.
TPHCM đã tiếp xúc thường xuyên với các hiệp hội để lắng nghe ý kiến góp ý về các biện pháp phòng chống dịch cũng như phản ánh của các doanh nghiệp để kịp thời có những giải pháp hỗ trợ. Trong thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục phát huy những việc làm này để kịp thời lắng nghe những ý kiến góp ý để từ đó hiểu được những khó khăn, vướng mắc trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ, lúc này doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, về lao động, gia nhập và mở rộng thị trường… Một khó khăn nữa là các doanh nghiệp cần nhất ở chính quyền TPHCM là sự thấu hiểu, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Do đó, TPHCM tiếp tục tập trung hành động để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết thêm, UBND TPHCM đã làm việc với các hiệp hội và trao đổi với các tỉnh thành, nơi có nhiều lao động làm việc tại TPHCM để tổ chức đưa người lao động trở lại TPHCM. TPHCM sẽ tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 nếu người lao động chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ để họ an tâm làm việc; đồng thời sẽ hỗ trợ chỗ ở, việc làm cho người dân khi họ quay lại TPHCM.
Kết nối cung cầu lao động trong thời gian qua diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, UBND TPHCM và các sở, ban, ngành đã làm cầu nối với các địa phương để giải quyết vấn đề lao động cho các doanh nghiệp.
Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, TPHCM nhận thức nguồn lực đầu tư tư nhân là cực kỳ lớn và rất quan trọng đối với TPHCM. Do vậy, TPHCM cần cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính để khơi thông nguồn lực đầu tư. Đồng thời, tháo gỡ vướng mắc ở các dự án tồn đọng. Cùng với đó, TPHCM sẽ rà soát, phân loại lại các dự án, cái gì có thể kêu gọi đầu tư tư nhân, hoặc hợp tác công tư (PPP) thì sẽ mời gọi tư nhân tham gia.
“TPHCM tiếp tục cải cách hành chính, đồng hành với nhà đầu tư, để thu hút nhiều hơn nguồn lực từ xã hội”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Về cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, đây nội dung rất quan trọng và là vấn đề của TPHCM. Theo đồng chí, với tư cách là một trung tâm kinh tế năng động, nếu tháo gỡ được các vướng mắc trong cải cách hành chính thì sẽ thúc đẩy nguồn lực cho TPHCM phát triển. Việc này cũng liên quan mật thiết với chủ đề năm 2022.
Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận, thời gian qua, TPHCM có kế hoạch cải cách hành chính rất cụ thể về nhiệm vụ, trách nhiệm, cơ chế phối hợp. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đạt theo yêu cầu. Vấn đề là TPHCM cần thực hiện nghiêm, giữ nguyên kỷ cương, kỷ luật, có cơ chế kiểm tra, đánh giá, thưởng phạt nghiêm minh. TPHCM tiếp thu để thời gian tới tổ chức thực hiện tốt hơn.
Năm 2021, TPHCM đã hình thành các tổ công tác để giải quyết các nhóm công việc giống nhau, hoặc từng công việc cụ thể nhưng đó là việc lớn còn nhiều vướng mắc. TPHCM sẽ phát huy mô hình này để giải quyết các tồn đọng, khiếu nại của người dân và vướng mắc của doanh nghiệp.
Đồng thời, TPHCM ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng dữ liệu các vụ việc, các hồ sơ để theo dõi, không bị bỏ sót, không bị bỏ lọt các vụ việc lâu ngày. Qua đó, kịp thời theo dõi, đánh giá kết quả của từng cá nhân, từng cơ quan trong việc theo và xử lý các vụ việc, các hồ sơ.
“Đó là 3 nhóm giải pháp mà nếu tập trung thực hiện thì sẽ giải quyết vấn đề của người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Mong các đại biểu HĐND TPHCM tiếp tục giám sát để thúc đẩy các ngành, các cấp thực hiện chức trách, nhiệm vụ”, Chủ tịch UBND TPHCM mong mỏi.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, một trong những nội dung quan trọng của cải cách hành chính là tiếp tục phân cấp, ủy quyền. Làm sao để các ngành, các quận, huyện chủ động trong giải quyết công việc, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và các cơ quan, đơn vị phối hợp, xác định rõ thời gian thực hiện và đánh giá kết quả cụ thể.
Công tác an sinh xã hội chưa "tròn" Đối với vấn an sinh xã hội, Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá đây là vấn đề rất lớn. “TPHCM đã làm rất nhiều nhưng đến giờ này vẫn chưa tròn với bà con thành phố”, đồng chí Phan Văn Mãi nhìn nhận. Khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. TPHCM đã có những chính sách hỗ trợ từ rất sớm. Tuy nhiên, thực tế khi triển khai các chính sách thì số lượng người dân gặp khó khăn tăng lên rất nhiều do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Khi dịch ở đỉnh, TPHCM bị động, lúng túng trong quy trình thực hiện, quy định đối tượng nhận hỗ trợ, hình thức hỗ trợ chưa thống nhất… dẫn đến cách làm chưa được chặt chẽ. Trong thời gian tới, TPHCM sẽ bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ tiếp cho người dân chưa nhận được từ các gói hỗ trợ. Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thêm, các ngành chức năng của TPHCM, các địa phương tiếp tục rà soát lại danh sách để chi hỗ trợ cho người dân, đảm bảo chi hỗ trợ đúng người, từ đó giúp người dân giải quyết phần nào khó khăn do dịch Covid-19. |