Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra sáng 26-9, Chủ tịch VCCI ông Phạm Tấn Công cho biết kết quả khảo sát về sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh, của giãn cách xã hội, cho thấy một một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng, trong đó thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).
Đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái zero Covid, do đó nếu giãn cách xã hội mãi thì các doanh nghiệp sẽ sụp đổ", ông nói.
Tập trung cả mặt trận kinh tế
Chủ tịch VCCI cho rằng Việt Nam cần có tư duy duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch. Với cách tiếp cận này, đại diện VCCI đề xuất 2 chủ trương. Thứ nhất, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp.
Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch.
Để triển khai công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, cộng đồng doanh nghiệp nhất trí cao với 6 nguyên tắc mà Thủ tướng đã nêu trong kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 ngày 23-9.
Chủ tịch VCCI xin đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc số 5 và 6. Đó là, vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết. Hay nói ngắn gọn, vaccine là chìa khóa, việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vaccine.
Ngoài ra, sản xuất phải an toàn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ 2 nguyên tắc này, thì hậu quả là khó lường.
Vấn đề thực thi chính sách
Đối với các giải pháp cấp bách, cần thực hiện ngay, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới; đề nghị ban hành một văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19… với nội dung phù hợp tình hình mới, chiến lược chống dịch mới và quan điểm “sống chung lâu dài với dịch bệnh”.
Đối với các giải pháp đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh an toàn, theo VCCI, cần duy trì sản xuất kinh doanh an toàn trong bối cảnh sống chung lâu dài với dịch bệnh, chính là điều kiện bình thường mới mà nhiều chính sách, quy định không còn phù hợp.
Còn đối với các chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn.
Về các giải pháp trung và dài hạn, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công đề xuất bên cạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, cần xây dựng ngay các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững như cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư công, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, đẩy mạnh cải cách thủ tục xuất nhập khẩu và tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định FTAs...