Chú trọng chất lượng tăng trưởng

(ĐTTCO)-Thực hiện chức năng của mình, tại kỳ họp cuối năm, nhiều vấn đề quan trọng của đất nước trong năm 2016 đã được Quốc hội thảo luận, bàn bạc và quyết định.

(ĐTTCO)-Thực hiện chức năng của mình, tại kỳ họp cuối năm, nhiều vấn đề quan trọng của đất nước trong năm 2016 đã được Quốc hội thảo luận, bàn bạc và quyết định.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015

Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm, qua 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, các đại biểu Quốc hội thống nhất đánh giá, trong năm 2015 trong bối cảnh tình hình khó khăn chung của thế giới, khu vực và riêng của đất nước, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Mục tiêu tổng quát đề ra năm 2015 cơ bản thực hiện được 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Kinh tế vĩ mô ổn định lạm phát thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản đảm bảo, tăng trưởng kinh tế phục hồi khá cao. Các đột phá chiến lược đạt kết quả tích cực, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt một số kết quả tích cực bước đầu. Thể chế kinh tế ngày càng được hoàn thiện. Văn hóa xã hội có bước tiến bộ. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quản lý tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, công việc cải cách hành chính đạt những kết quả tốt. Công tác phòng chống tham nhũng lãng phí tiếp tục được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bảo vệ chủ quyền quốc gia được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế chủ động và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

 

Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016. Theo đó, Quốc hội đặt ra mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Quốc hội cũng đặt mục tiêu phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo sự chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là hơn 1 triệu tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là gần 1,3 triệu tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 254.000 tỷ đồng. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 596.882 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 850.882 tỷ đồng, trong đó dự toán 220.278 tỷ đồng để bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Quốc hội quyết định từ ngày 1/1/2016, thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở. Từ ngày 1/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng; riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.

Tổ chức lại Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng thu gọn đầu mối

Trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã triển khai thực hiện 16 Chương trình mục tiêu quốc gia với tổng kinh phí được phê duyệt theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (chưa bao gồm Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới) là 168.009 tỷ đồng. Tổng kinh phí huy động thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 là khoảng 323.982 tỷ đồng.

Các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 và công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ hơn 14% năm 2010 dự kiến xuống còn dưới 5% năm 2015 (bình quân giảm 2%/năm). Tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 80% lên khoảng 86%; số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh ước đạt 65%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm từ 17,5% xuống còn 14,5%. Tỷ suất tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ hơn 23‰ và hơn 15‰ vào năm 2011 dự kiến xuống còn trên 22‰ và gần 15‰ vào năm 2015. Đã có 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức một và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Số lao động được tạo việc làm thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm ước đạt 552.300 người.

Tuy nhiên, do số lượng Chương trình nhiều, trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế, vì vậy, bên cạnh một số mục tiêu đạt kế hoạch dự kiến (như số xã đạt tiêu chí nông thôn mới dự kiến đạt 20%, tỷ lệ hộ nghèo cả nước dự kiến giảm bình quân 2%/năm) có một số mục tiêu đạt thấp so với dự kiến. Mục tiêu “Số làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường” và mục tiêu “Cải thiện và phục hồi môi trường cho những khu vực bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra” của Chương trình mục tiêu quóc gia Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường mới hoàn thành hơn 23% và 18% so với mục tiêu được phê duyệt đến năm 2015. Mục tiêu “Hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết cho các di tích quốc gia” của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa mới đạt 52%. Bên cạnh đó, một số mục tiêu, chỉ tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đánh giá được mức độ hoàn thành so với mục tiêu được phê duyệt.

Tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Quốc hội tán thành việc tổ chức lại chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng thu gọn đầu mối và quyết định trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đầu tư hai chương trình, gồm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Qua thảo luận tại hội trường trước khi quyết định vấn đề quan trọng này, các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự đồng tình, nhất trí rất cao việc cần thiết thu gọn đầu mối của các chương trình mục tiêu quốc gia để tăng tính hiệu quả.

Tán thành với với đề xuất của Chính phủ về danh mục chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2016-2020 chỉ có hai chương trình, tuy nhiên, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề nghị Chính phủ cần rà soát lại cụ thể một số nội dung có tính trùng lặp của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững. Cụ thể là "nội dung hỗ trợ phát triển hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế xã, nhà văn hóa ở xã, ở thôn trên địa bàn nông thôn, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cả hai chương trình đều có nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Quy định như vậy thì trên cùng một địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn, an toàn khu, biên giới, hải đảo sẽ có nội dung đầu tư hỗ trợ trùng. Nếu không phân định rõ cơ chế phối hợp giữa cơ quan thường trực của hai chương trình trong quản lý điều hành và cơ chế lồng ghép thực hiện trên cùng một địa bàn thì khó khắc phục được những hạn chế tồn tại như thực hiện các chương trình mục tiêu trong thời gian vừa qua."

Mục tiêu của các chương trình này nhằm tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh, trật tự được giữ vững. Phấn đấu đến năm 2020 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%, không còn xã đạt dưới năm tiêu chí.

Thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của người nghèo giai đoạn 2016-2020; giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1%-1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Các tin khác