Với việc chỉ còn quá ít các trung tâm đăng kiểm mở cửa, nhiều chủ phương tiện tại thành phố Hà Nội tỏ ra ngao ngán và “đau đầu” tìm kiếm trạm để đăng kiểm xe cơ giới.
Mệt mỏi khi đi đăng kiểm xe
Tính đến ngày 7/3, cập nhật từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy thành phố Hà Nội chỉ còn 7/31 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động. Với thực tế này, vài ngày qua, người dân Thủ đô đang phải xếp hàng dài từ tối hôm trước ở cổng các trung tâm đăng kiểm để chờ đến hôm sau nhằm sớm đến lượt xe vào kiểm định.
Với 10 dây chuyền kiểm định ở 7 trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội hiện nay, mỗi ngày chỉ kiểm định được khoảng 500 xe. Trong khi đó, chưa tính số lượng xe bị ùn ứ từ những ngày trước, tại thời điểm tháng Ba, mỗi ngày nhu cầu của người dân và doanh nghiệp cần phải được kiểm định hơn 3.500 xe/1 ngày. Như vậy, các trung tâm đăng kiểm cũng chỉ đáp ứng được 1/7 nhu cầu đăng kiểm xe của nhân dân.
Vài ngày qua, anh Phạm Văn Hòa (quận Thanh Xuân) lòng vòng đi qua 3 trạm đăng kiểm nhưng vẫn chưa thể kiểm định xong được cho phương tiện của mình.
Anh Hòa kể, rạng sáng 7/3, vội vàng cho xe đến Trung tâm đăng kiểm 29-03V (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) nhưng khi đến nơi, anh Hòa ngỡ ngàng khi thấy hàng chục xe đã “xếp lốt” ngan ngắn thành 2 hàng trước cổng. Đánh xe vào theo thứ tự, nhích từng mét, đến gần 11 giờ còn cách 3 hàng nữa thì trung tâm đăng kiểm cũng phát loa thông báo đơn vị này tạm ngừng hoạt động và đề nghị khách hàng quay lại sau nhưng không thông báo thời điểm cụ thể sẽ tiếp nhận lại.
Trước đó, lần đầu anh Hòa đi đăng kiểm ở Trung tâm Đăng kiểm 29-10D (Đền Lừ, Hoàng Mai) cũng đã phải xếp hàng từ sáng thì đến chiều nhận được thông báo lãnh đạo trung tâm này bị khởi tố và buộc tạm dừng hoạt động. Anh vội vàng quay sang Trung tâm đăng kiểm 29-21D (xã An Khánh, Hoài Đức) nhưng đến nơi đã thấy dán giấy “tạm ngừng hoạt động.”
“Hiện nay, khi đi đăng kiểm, chủ phương tiện phải ăn bánh mỳ, uống nước lọc và ngủ trên xe vì không túc trực là sẽ mất ngay chỗ xếp hàng chờ vào kiểm định xe cơ giới. Chưa khi nào đi đăng kiểm xe lại mệt mỏi thế này,” anh Hòa than thở.
Chỉ tay vào tem kiểm định dán trên xe, anh Nguyễn Thành Công (Cầu Giấy, Hà Nội) bảo chiếc xe này hạn đăng kiểm chỉ còn đến ngày 11/3. Hà Nội chỉ còn 7 trung tâm đăng kiểm mà chỗ nào cũng “ken cứng” xe kiểm định, mất tới vài ngày.
“Đọc qua thông tin truyền thông phản ánh thì cũng thấy các trung tâm đăng kiểm ở một số tỉnh thành lân cận gần Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Nguyên… cũng đang bị dồn ứ, vẫn phải xếp hàng chờ, thậm chí đến ngày hôm sau may ra đến lượt. Có chủ xe đi đăng kiểm đúng hạn nhưng không thể kiểm định được nên giờ thành quá hạn. Nếu lái ra ngoại thành hay các tỉnh bây giờ đều lo lắng vì có thể bị lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra bất cứ lúc nào,” anh Công lắc đầu ngao ngán.
Một số chủ xe cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế không xử phạt các xe quá hạn đăng kiểm trên đường đi kiểm định tại các thành phố đang quá tải đăng kiểm như hiện nay để tạo điều kiện, thuận lợi cho người dân.
Sớm gỡ khó đăng kiểm
Trên thực tế Cục Đăng kiểm Việt Nam đã dự đoán, cảnh báo từ trước về việc ùn tắc, quá tải đăng kiểm diễn ra trong tháng 3-4/2023 bởi theo chu kỳ kiểm định thì nhu cầu đăng kiểm của người dân sẽ tăng cao trở lại trong khi nhân sự đăng kiểm viên đang thiếu hụt nghiêm trọng và hàng loạt các trung tâm đăng kiểm đã đóng cửa.
Xác định việc bổ sung nhân sự để các đơn vị duy trì hoạt động là rất cấp bách, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được ký hợp đồng lao động với người lao động tại một số vị trí công việc của đơn vị, cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ của Chính phủ, việc ký hợp đồng lao động chỉ ở những vị trí không làm công việc chuyên môn như lái xe, tạp vụ,… nên đến nay vẫn chưa được hướng dẫn thực hiện sao cho phù hợp.
Nhu cầu đăng kiểm của người dân tăng cao trở lại trong khi nhân sự đăng kiểm viên đang thiếu hụt nghiêm trọng và hàng loạt các trung tâm đăng kiểm đã đóng cửa khiến quá tải tại các trung tâm đăng kiểm. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
Trước tình hình đó, Cục Đăng kiểm đang cố gắng vận động các đăng kiểm viên xin nghỉ vì lý do sức khỏe quay trở lại để làm việc, vì trách nhiệm và tinh thần nỗ lực phục vụ nhân dân đồng thời vận động, trưng dụng các đăng kiểm viên nghỉ hưu có thể quay lại làm việc nhưng việc triển khai còn gặp vướng mắc do không có cơ chế ký hợp đồng tuyển dụng, trả lương.
Đưa ra giải pháp nhanh nhất để các trung tâm đăng kiểm đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu quá cao hiện nay, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng đó là sửa đổi quy định và cho phép hai đăng kiểm viên vận hành một dây chuyền thay vì tối thiểu ba đăng kiểm viên như hiện nay để tăng năng suất vận hành ở các dây chuyền khác.
Trong buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an để xử lý dứt điểm tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các Trung tâm Đăng kiểm vào chiều ngày 8/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước là cung cấp dịch vụ công cho người dân. Những sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, một số trung tâm đăng kiểm là hết sức nhức nhối, ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của người dân. Vì vậy, trong khi giải quyết, xử lý những yếu kém của cơ quản lý Nhà nước, phải tìm giải pháp tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải có phương án, giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ đăng kiểm cho người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sớm đưa ra hướng dẫn cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe ôtô đủ điều kiện được tham gia thực hiện kiểm định xe; thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu đối với ôtô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng.
Bộ Giao thông Vận tải tập trung huy động, điều phối nhân lực đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác "chi viện" cho các Trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân.