LTS: Chứng chỉ hành nghề y dược là văn bằng bắt buộc của một bác sĩ hay dược sĩ hành nghề và được quản lý bởi các cơ quan chuyên môn. Để được cấp chứng chỉ hành nghề, người học phải trải qua thời gian đào tạo khắt khe với quy trình thủ tục chặt chẽ. Thế nhưng, hiện nay việc mua, thuê các loại bằng cấp, chứng chỉ hành nghề y dược lại trở nên quá dễ dàng. Đây là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân, nhưng việc xử lý các đối tượng này đến nay chưa có hiệu quả.
Mua bản chính, tặng bản công chứng
Sử dụng một chứng minh nhân dân đã hết hạn, chúng tôi “đặt hàng” hai tài khoản trên mạng xã hội Facebook làm CCHN bác sĩ da liễu và bác sĩ y học cổ truyền. Sau khi cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu, chúng tôi được một bên báo giá 2 triệu đồng, một bên báo giá 1,8 triệu đồng. Hai ngày sau lịch hẹn, một số điện thoại gọi đến tự xưng là người giao hàng CCHN, địa điểm nhận là cổng số 1, Bệnh viện Từ Dũ. Người giao hàng cảnh giác và sốt ruột yêu cầu giao dịch nhanh để còn giao hàng cho khách hàng khác.
Giấy CCHN mà chúng tôi nhận được là một giấy CCHN khám bệnh, chữa bệnh có số 005173/HCM-CCHN, văn bằng chuyên môn là y học cổ truyền, được một nguyên lãnh đạo Sở Y tế TPHCM ký tên và đóng dấu cấp ngày 25-9-2020. Chứng chỉ có giá 2 triệu đồng này được thực hiện mà chúng tôi không cần cung cấp văn bằng, chỉ cần gửi thông tin cá nhân và một tấm hình.
Qua rà soát với kho lưu trữ CCHN của ngành y tế, chúng tôi nhận thấy giống y như thật khi so sánh đối chiếu với CCHN thật do Sở Y tế TPHCM cấp cùng năm. Để tạo niềm tin với người mua, đối tượng còn làm sao y 2 bản công chứng được ký bởi ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND phường 13, quận Tân Bình vào ngày 13-7-2023 và tặng miễn phí.
Tương tự, sau khi đặt hàng 2 ngày, ngày 20-7, một thanh niên xưng là shipper (người giao hàng) hẹn chúng tôi tại một quán cà phê trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức) để giao CCHN. Chứng chỉ giá 1,8 triệu đồng này có số 004679/HCM-CCHN do một nguyên lãnh đạo Sở Y tế TPHCM ký cấp vào ngày 29-8-2020, phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa da liễu.
Đối tượng cũng “tặng” kèm 2 bản sao y do văn phòng công chứng Nguyễn Văn Nam (quận Tân Bình) thực hiện. Tuy nhiên, khi chúng tôi bày tỏ sự lo lắng vì sợ... phát hiện giả mạo thì người này trấn an: “Anh yên tâm, em đã gửi giấy tờ dạng này cho rất nhiều người, không ai lo lắng hay thắc mắc gì cả. Thậm chí, có người đặt xong thấy hài lòng còn đặt thêm”.
Một điều lạ, chứng thực văn bằng được để trống số, quyển số và khi phóng viên đặt câu hỏi về tính pháp lý của bản công chứng, người này liền gọi cho bên làm chứng chỉ để xác minh. Qua điện thoại, người làm chứng chỉ cho biết, đây không phải giấy tờ phạm pháp, cứ yên tâm 100%. “Anh làm loại giấy này rất nhiều, nếu đặt lên bàn cân phải tính bằng tấn. Những giấy tờ này chỉ bổ sung hồ sơ, hợp thức hóa chứ không phạm pháp như cầm đi lừa đảo hay vay tiền, chủ yếu dành cho những người lên chức vụ”, anh này khẳng định.
Anh ta tiếp tục khoe khoang: “Nhiều bác sĩ, trưởng khoa ở bệnh viện khi muốn mở phòng khám đều nhờ bên anh làm giấy này để bổ sung hồ sơ. Nếu muốn công chứng thêm thì tốt nhất ra văn phòng công chứng bên ngoài. Giá trị cũng giống công chứng ở UBND phường, nhưng nhiều lúc UBND phường sẽ kiểm tra kỹ lại loằng ngoằng, còn văn phòng công chứng là cộp phát một luôn”.
Khó phân biệt thật, giả
Đem văn bằng “giả” liên hệ một số văn phòng công chứng trên địa bàn TPHCM để sao y, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy tất cả đều được thực hiện nhanh và thành công. Lý giải vấn đề này, đại diện một phòng công chứng trên địa bàn quận Tân Bình cho rằng, hiện không có thiết bị để phân biệt, nhận biết bằng cấp giả hay thật. Khi sao y bản chính, công chứng các giấy tờ liên quan, nhân viên chỉ kiểm tra bằng… cảm quan và kinh nghiệm. Nếu văn bản, giấy tờ không có dấu hiệu giả sẽ được chứng nhận bình thường. Muốn kiểm tra, chỉ xác minh ở nơi cấp mới biết.
Còn tại UBND một phường trên địa bàn quận 8, lãnh đạo đơn vị cho biết, hiện nay, các loại bằng cấp, giấy tờ giả được làm rất tinh vi, nhìn giống y như thật, rất khó để phát hiện. Chỉ có cái nào làm… cẩu thả thì nhìn mới phát hiện được. Hơn nữa, cán bộ phường chỉ nhìn bằng mắt, chứ không có thiết bị gì hỗ trợ, nên việc phân biệt rất khó.
Luật sư Phạm Hoài Nam, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bến Nghé - Sài Gòn, nhìn nhận, hiện tượng làm giả các CCHN nói chung và CCHN liên quan đến y, dược nói riêng rất phức tạp và đáng lo ngại. Lợi dụng nhu cầu của nhiều người, các đối tượng đã lập ra rất nhiều đường dây làm giả chứng chỉ chuyên nghiệp với nhiều thủ đoạn tinh vi, độ chính xác cao và mua bán ẩn danh… gây khó khăn cho việc phát hiện và điều tra của cơ quan chức năng, ảnh hưởng xấu tới uy tín của các cơ sở đào tạo, gây bức xúc trong dư luận và còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.
Theo quy định tại khoản 3 điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP thì hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu cơ quan tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Mạo danh Chủ tịch UBND phường 13, quận Tân Bình
Qua xác thực bản sao y chứng thực có con dấu do ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND phường 13, quận Tân Bình (TPHCM) ký vào ngày 13-7-2023 mà phóng viên Báo SGGP cung cấp, ông Võ Văn Hưởng, Văn phòng UBND phường 13, quận Tân Bình cho biết, Chủ tịch UBND phường hiện tại là ông Nguyễn Khắc Nguyên, không phải ông Nguyễn Văn Thanh như bản sao y chứng thực mà phóng viên đưa ra. “Bản gốc CCHN là giả và bản sao y công chứng cũng là giả và không phải do phường chứng thực”, ông Võ Văn Hưởng khẳng định và cho biết, phường thường xuyên gặp các trường hợp mang văn bằng, chứng chỉ giả đến công chứng, nhưng việc phát hiện rất khó và chỉ có những người vững về chuyên môn, nghiệp vụ mới có thể phát hiện.
Mua, bán CCHN có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo luật sư Phạm Hoài Nam, với hành vi làm giả CCHN, các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Cụ thể: phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm tội làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật.