Chung cư bị thay đổi kết cấu chịu lực

Mới đưa vào sử dụng chưa đến 4 năm nhưng chung cư Nguyễn Ngọc Phương (phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM) đã nhanh chóng xuống cấp. Cùng với chất lượng xây dựng kém, còn có nguyên nhân các hộ ở đây đã tự ý sửa chữa, thay đổi kết cấu chịu lực, làm ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng chung cư.

Mới đưa vào sử dụng chưa đến 4 năm nhưng chung cư Nguyễn Ngọc Phương (phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM) đã nhanh chóng xuống cấp. Cùng với chất lượng xây dựng kém, còn có nguyên nhân các hộ ở đây đã tự ý sửa chữa, thay đổi kết cấu chịu lực, làm ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng chung cư.

Xây tường không cần đà chịu lực

Công trình chung cư Nguyễn Ngọc Phương do Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh làm chủ đầu tư, quy mô 18 tầng, gồm 340 căn hộ. Trong đó, phân nửa số căn hộ phục vụ tái định cư, số còn lại được bán ra thị trường.

Hiện nay chỉ cần nhìn từ bên ngoài có thể thấy tòa cao ốc này xuất hiện hàng trăm vết nứt khắp nơi. Nhiều gạch ốp tường và lát nền bong tróc từng mảng lớn. Riêng 4 căn penthouse ở tầng trên cùng đã bị bỏ dở dang nhiều năm, chỉ cần một cơn gió là cát bụi bay mù mịt.

Do không quản lý chặt chẽ, nhiều hộ tại chung cư này đã tùy tiện thay đổi kết cấu căn hộ. Bà Nguyễn Thị Thu, chủ căn hộ 16.03 (tầng 16) đã cho đập bỏ toàn bộ vách ngăn, kể cả vách ngoài nhà vệ sinh để dời các vị trí vách ngăn đến vị trí mới. Việc làm này rất nguy hiểm vì vách tường mới được xây ngay trên nền gạch, không theo khung chịu lực kỹ thuật của thiết kế xây dựng chung cư.

Bà Lâm Tuyền Lệ Chi, chủ căn hộ 15.15 nằm ngay dưới căn hộ đang sửa chữa than phiền: “Trong quá trình cải tạo căn hộ của bà Thu, chúng tôi bị tra tấn bởi tiếng ồn do đập phá, đục đẽo, khoan cắt tường và sàn bất kể giờ giấc. Nay vách tường ở nhà vệ sinh, phòng khách và phòng ngủ căn hộ của chúng tôi bị nứt toác, trần nhà cũng bị nứt và thấm dột ngay vị trí vách ngăn phòng ngủ mà chủ căn hộ phía trên mới xây”.

Cũng như nhiều hộ khác tại đây, sau khi mua căn hộ 14.16, bà Phạm Thị Hằng đã tự ý thay đổi không gian, kiến trúc bên trong căn nhà.

Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM đã đồng ý cho sửa chữa nhưng buộc phải đảm bảo các nội dung: “Lót sàn gỗ (lót trên nền gạch cũ, không được đục phá), thay cửa nhôm và cửa sắt bằng cửa gỗ (giữ nguyên vị trí), thay mặt đá và thay tủ gỗ phần bếp (giữ nguyên vị trí, ốp trên nền gạch cũ, không đục phá), xử lý chống thấm và ốp gạch tường nhà vệ sinh”. Thế nhưng bà Hằng đã cho đập bỏ bếp cũ, dời vách nhà vệ sinh và vách phòng khách sang vị trí khác…

Chính việc tùy tiện cải tạo, thay đổi kết cấu chịu lực ở nhiều căn hộ đã khiến các căn hộ bên dưới và lân cận như 8.12, 11.9, 11.20, 15.11… lãnh hậu quả thấm, nứt, và tòa cao ốc trở nên thiếu an toàn.

Buông lỏng quản lý, đùn đẩy trách nhiệm

Nhiều người thắc mắc không hiểu tại sao một chung cư được thiết kế, xây dựng đảm bảo các tiêu chuẩn về diện tích, không gian, kiến trúc chung nhưng đơn vị quản lý lại để các hộ dân tự ý thay đổi kết cấu chịu lực. Phải chăng do sự quản lý lỏng lẻo và đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị liên quan?

Bà Lâm Tuyền Lệ Chi bức xúc: “Khi chủ căn hộ 16.03 cải tạo căn hộ trái phép, tôi đã báo Ban quản lý chung cư, Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh, Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM và UBND quận Bình Thạnh…

Căn hộ 16.03 tự ý dời vách ngăn sang vị trí mới.

Căn hộ 16.03 tự ý dời vách ngăn sang vị trí mới.

Sau đó, Thanh tra Xây dựng quận Bình Thạnh đã ra quyết định cưỡng chế đối với căn hộ 16.03… Thế nhưng hơn 1 năm nay không ai giám sát nên chủ hộ cũng đã kịp làm xong việc cải tạo căn hộ trái phép. Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM và UBND phường 19 đến lập biên bản vi phạm, rồi thôi.

Còn Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh trả lời: Việc tranh chấp, khiếu nại của hộ 15.15 và hộ 16.3 thuộc trách nhiệm giải quyết của Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM”.

Trả lời về việc vì sao không xử lý ngăn chặn những trường hợp tự ý cải tạo căn hộ, phá vỡ kết cấu xây dựng chung cư Nguyễn Ngọc Phương, ông Ngô Tấn Phát, Phó Giám đốc Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM, cho rằng đơn vị mình không cấp phép sửa chữa căn hộ 16.03, nên nói trách nhiệm đó của Quỹ là thiếu căn cứ.

Còn đối với căn hộ 14.16, trước đó Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM đã thống nhất một số nội dung đề nghị sửa chữa của chủ hộ phù hợp với Nghị định 08/2008/QĐ-BXD về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư. Sau khi chủ hộ không thực hiện đúng, đại diện Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM đã phối hợp với Ban quản lý chung cư 2 lần lập biên bản vi phạm.

Tuy nhiên, sự việc chưa được giải quyết dứt điểm do Quỹ không có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các biện pháp chế tài xử phạt và xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời do chưa có sự chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý chung cư và chính quyền địa phương, dẫn tới sự việc vượt quá thẩm quyền xử lý của Quỹ.

Do đó, Quỹ đã chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ việc cho UBND phường 19 để xử lý hành chính theo đúng quy định.

Các cơ quan, đơn vị chức năng cứ buông lỏng quản lý và đùn đẩy trách nhiệm như thế, không chỉ chung cư Nguyễn Ngọc Phương mà nhiều chung cư khác khó sử dụng được lâu dài.

Các tin khác