Tháng 7 báo hiệu rủi ro
Việc dỡ bỏ giãn cách xã hội và tái khởi động nền kinh tế, đặc biệt là sự bùng nổ du lịch nội địa đã đem lại nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế xã hội trong tháng 7. Đáng chú ý nhất là doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng 7 tăng 3,3% so với tháng 6 và tăng 4,3% so với cùng kỳ 2019.
Đây là tháng thứ 3 liên tiếp doanh số bán lẻ có sự phục hồi trở lại, trùng khớp với gần 100 ngày Việt Nam không phát hiện ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi hiệu ứng của việc dồn nén trong thời gian giãn cách xã hội là động lực chính của hiện tượng tăng chi tiêu nói trên.
Song làn sóng dịch tái nhiễm đang ảnh hưởng mạnh và trực tiếp đến sức mua tiêu dùng, doanh số hàng hóa và dịch vụ sẽ chậm lại trong quý III. Bởi với việc dịch bệnh Covid-19 quay trở lại Việt Nam trong những ngày cuối tháng 7 dẫn tới thực hiện lệnh giãn cách xã hội tại một số địa phương như Đà Nẵng, Hội An (đều là các điểm du lịch trọng điểm), sự phục hồi của doanh số bán lẻ trong tháng 8 sẽ chững lại, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ lữ hành có thể sẽ có mức sụt giảm lũy kế sâu hơn so với tháng 7.
Đối với hoạt động sản xuất, điều bất ngờ là chỉ số PMI tháng 7 lại giảm xuống vùng suy thoái, còn 47,6 điểm sau khi có mức phục hồi tốt lên 51,1 điểm trong tháng 6. Điều này thể hiện độ trễ với mức vận tải hàng hóa trong tháng 7 tăng 4% so với tháng 6.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán BSC, lượng đơn đặt hàng mới suy giảm, bởi lượng đặt hàng xuất khẩu giảm mạnh, khi các đối tác chủ chốt như Mỹ tiếp tục chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh trở lại. Dữ liệu mới nhất tiếp tục cho thấy ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh đối với các điều kiện sản xuất kinh doanh.
Tăng trưởng tín dụng tháng 7 tính đến ngày 28-7 chỉ tăng 3,45% so với cuối năm 2019, trong khi cùng kỳ tăng 7,13%. Tính đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng ghi nhận 3,26%. Điều đó có nghĩa mức tăng tín dụng trong tháng 7 cực thấp. Tình trạng bế tắc đầu ra cho dòng vốn vẫn được cho là do tình hình dịch bệnh khiến doanh nghiệp (DN) giảm, dừng hoạt động.
Chất lượng của DN xuống dưới chuẩn nên ngân hàng không giải ngân cho vay được. Tháng 7 là thời điểm các DN bung sản xuất tốt nhất sau giai đoạn giãn cách xã hội và gần 100 ngày kiểm soát được dịch bệnh, thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 3,6% so với tháng 6. Vì vậy nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục căng thẳng trong quý III, mức tăng trưởng tín dụng hứa hẹn sẽ vẫn tiếp tục rất thấp.
Chứng khoán có tiếp tục “phớt lờ” yếu tố cơ bản?
Chứng khoán có tiếp tục “phớt lờ” yếu tố cơ bản?
Thực tế các con số tăng trưởng vĩ mô đến tháng 7-2020 vẫn còn tích cực hơn đáng kể so với giai đoạn tháng 4, tháng 5 vừa qua. Vì vậy VNIndex đến ngày 5-8 vẫn đang cao hơn đáy tháng 3 – thời điểm khủng hoảng Covid trầm trọng nhất - khoảng 27% và thấp hơn thời điểm cuối năm 2019 khoảng 12,7%.
Mức định giá thị trường theo hệ số P/E tại đỉnh cao nhất ngày 10-6-2020 (VNIndex 900 điểm) là 14,9 lần. Sau khi có kết quả kinh doanh quý II-2020, mức định giá tại ngày 5-8 là P/E khoảng 14,1 lần dù VNIndex đang thấp hơn đỉnh khoảng 7%.
Mặc dù hiện tại vẫn còn một số DN chưa công bố lợi nhuận quý II, nhưng thống kê với các DN sẵn có (chiếm 91% vốn hóa 2 sàn), Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận xét lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của các DN trên sàn HSX giảm khoảng 15% so với cùng kỳ và lợi nhuận riêng quý II-2020 giảm 7%.
Đây là con số tích cực hơn kỳ vọng, đặc biệt là lợi nhuận của 26/30 công ty trong VN30 có lợi nhuận sau thuế quý II chỉ giảm 2%.
Tuy nhiên, khoảng mờ đáng kể trong con số tổng hợp mức tăng trưởng/thu hẹp lợi nhuận của DN là khối các ngân hàng. Chẳng hạn theo thống kê của FinnPro, CTG đạt mức tăng trưởng lợi nhuận quý II khoảng 37,7% và 6 tháng tăng 12,4%; HDB quý II tăng lợi nhuận 38,5%, 6 tháng tăng 26,3%; TPB quý II tăng 33,5%, 6 tháng tăng 25,7%, VPB quý II tăng 44%, 6 tháng tăng 51,7%...
Mức tăng lợi nhuận của các ngân hàng quá nhiều đã cải thiện mặt bằng chung của các DN niêm yết nên khi nhìn từ con số tổng thể, lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm nay không quá tệ.
Với tình hình dịch bệnh kéo dài sang quý III, khả năng phục hồi của nền kinh tế tiếp tục có những biến số khó đoán định. Thậm chí nếu dịch bệnh kéo dài hơn trong nước và các đối tác thương mại chính của Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, người dân sẽ tiếp tục nghèo hơn.
TTCK Việt Nam không có nguồn tài chính hỗ trợ trực tiếp như Mỹ (Fed mua trái phiếu, tặng tiền mặt cho cá nhân) nên không thể xuất hiện kỳ tích như S&P500 quay lại đỉnh cao trước dịch bệnh dù GDP của Mỹ sụt giảm mạnh chưa từng thấy trong hơn 70 năm.