Chứng khoán đón sóng báo cáo tài chính quý II

(ĐTTCO) - Phục hồi hơn 140 điểm kể từ đáy, nhịp tăng đang diễn ra vẫn chưa thể giúp nhà đầu tư (NĐT) lấy lại sự tự tin. Đơn giản là do phần lớn NĐT vẫn đang trong trạng thái “hoàn lỗ” và nguồn lực trong mỗi tài khoản đã bị bào mòn đáng kể. 
Tâm lý “chim sợ cành cong” là điều rất hay xảy ra sau những nhịp lao dốc biên độ lớn, nhưng chính trong giai đoạn bấp bênh này, dòng tiền thông minh mới dễ tìm thấy cơ hội lớn nhất.
“Mua tháng 5” đang có lợi thế
Trên thị trường có câu thành ngữ rất quen thuộc “Bán tháng 5 và đi chơi” (Sell in May and go away). Thực ra câu này lúc đúng lúc sai và tính xác suất không rõ ràng. Thị trường đã lao dốc mạnh từ đầu tháng 4 tới nửa đầu tháng 5 vừa qua, và nếu bán sớm NĐT đang có lợi thế lớn về nguồn lực.
Vì vậy tháng 5 hay thậm chí là cả tháng 6 lại là “mùa săn” cổ phiếu (CP). Khi phần lớn NĐT chán nản và sợ hãi chưa dám giải ngân nhiều - kết quả là thanh khoản đang rất thấp - thì dòng tiền thông minh có khả năng chịu rủi ro cao lại đang hoạt động tích cực.
Sự khác biệt trong quan niệm về rủi ro đang phân biệt các NĐT thành hai nhóm: Nhóm thứ nhất coi những biến động hàng ngày, hàng tuần là rủi ro, thì bất kỳ phiên điều chỉnh nào trong 3 tuần phục hồi vừa qua đều là tín hiệu cảnh báo.
Lo lắng này là có cơ sở, khi rất có thể CP vừa mua về đã lỗ, hoặc thị trường vẫn còn giảm sâu hơn mức đáy 1.156 điểm của VN Index (thậm chí đã có quan điểm sẽ giảm về 900). Nhóm thứ hai coi rủi ro giảm giá ngày mai hay tuần tới là điều bình thường so với khả năng tăng giá vài tháng tới, thì rõ ràng thị trường càng giảm càng là cơ hội.
Lực cầu trên thị trường trong 3 tuần tạo đáy và phục hồi vừa qua rất thấp. Thanh khoản bình quân của sàn HoSE từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5-2022 (nhịp giảm chính) vào khoảng 18.900 tỷ đồng khớp lệnh mỗi ngày. Trong 12 phiên tạo đáy và phục hồi vừa qua (tính đến ngày 1-6), giá trị khớp lệnh bình quân chỉ còn chưa tới 13.200 tỷ đồng mỗi ngày.
Mức giảm lên tới 30% tại vùng đáy là điều bình thường, vì chỉ có một phần vốn nhỏ của các nhà đầu cơ chuyên nghiệp mua bán, cộng với dòng tiền dài hạn tích lũy chậm chạp theo chiều giá giảm hoặc các nhịp điều chỉnh.
Dù thanh khoản không cao được xem là một biểu hiện “bấp bênh” của xu hướng phục hồi, nhưng rõ ràng việc mua vào trong tháng 5 - kể cả mua sớm từ đầu tháng - vẫn đang cho thấy lợi thế của quan điểm đầu tư dài hạn.
Tuy VN Index mới phục hồi hơn 140 điểm từ đáy thấp nhất tương đương khoảng 13%, nhưng một nửa số CP trong rổ chỉ số này đã tăng trưởng mạnh hơn chỉ số đại diện (210 mã). Dĩ nhiên không ai có thể lên một kế hoạch để mua một lần đúng giá đáy, nhưng một chiến lược mua tích lũy hợp lý vẫn có thể mua được quanh vùng đáy.
Diễn biến thị trường nửa sau tháng 5 đang cho thấy, trong khi những NĐT thua lỗ chỉ mong được “về bờ” thì những người mua thận trọng nhất cũng đã có lời. Khả năng chấp nhận rủi ro đang đem lại lợi thế.

Đến thời của yếu tố cơ bản
Lợi thế của việc chấp nhận rủi ro mua sớm trong tháng 5 đang giúp nhiều NĐT có được “vùng đệm” là biên lợi nhuận ngắn hạn khoảng 10% trở lên. Tuy vậy kết quả đó không phải là do chấp nhận rủi ro một cách mù quáng. Giữa cơn lốc bán tháo và sợ hãi lan tràn, phải có điểm tựa đủ tin cậy mới có thể giúp các NĐT ra quyết định được.
Điểm tựa đó là mức định giá dựa trên các yếu tố cơ bản chứ không phải giá thị trường. Trường phái đầu cơ ngắn hạn luôn “thượng tôn” yếu tố thị trường, coi bảng điện luôn luôn đúng, kể cả khi giá CP được định giá quá cao so với yếu tố cơ bản.
Ở khía cạnh ngắn hạn, điều này không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Đơn cử, nếu bảng điện luôn luôn đúng, thì ngay trước khi giá CP đạt đỉnh, mức giá hàng ngày đó đúng hay sai? Nếu đúng, tại sao giá lại quay đầu lao dốc không phanh?
Trong những tuần phục hồi mong manh vừa qua, yếu tố cơ bản được quan tâm trở lại, vì ngược với chiều tăng, lúc này các yếu tố thị trường lại sai. Bảng điện đã không còn “luôn luôn đúng” nữa khi nhiều CP bị bán quá đà, đẩy mức định giá xuống ngưỡng hấp dẫn trong mối tương quan với khả năng sinh lời của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thậm chí, không ít CP đã giảm giá đến mức tỷ suất cổ tức bằng tiền mặt cao tương đương, thậm chí gấp đôi lãi suất tiết kiệm hàng năm. Có những CP mà giá trị vốn hóa chỉ nhỉnh hơn khoản tiền mặt mà doanh nghiệp đang nắm giữ.
Có lẽ nên hiểu bảng điện luôn luôn đúng trong việc phản ánh tâm lý NĐT, hơn là luôn luôn đúng trong quyết định của NĐT. Bảng điện thể hiện giá CP lao dốc, bị bán tháo tức là đang phản ánh trung thực sự sợ hãi, chứ không có nghĩa rằng hành động bán tháo đó là đúng.
Ngược lại, khi giá kịch trần liên tục, bảng điện thể hiện sự hưng phấn điên rồ, chứ không phải hành động tranh mua bất chấp giá là đúng. 
Không phải ngẫu nhiên mà các CP phục hồi tốt nhất, thu hút thanh khoản ổn định những tuần qua lại là các mã có yếu tố cơ bản đáng chú ý, mà cụ thể là lợi nhuận quý I-2022 đã được chứng minh là rất tốt và triển vọng duy trì tốc độ tăng trưởng cho quý II và nhiều quý sau đó.
Yếu tố cơ bản sẽ thu hút dòng tiền đầu tư, trong khi dòng tiền đầu cơ chỉ quan tâm tới con số xanh đỏ hàng ngày. Vì thế có những CP vẫn liên tục tăng hàng tuần lễ vừa qua bất chấp các đợt chốt lời ngắn hạn, trong khi có nhiều CP vừa tăng được 1-2 vòng T+3 đã lại quay đầu giảm, thậm chí là thủng đáy.
Diễn biến thị trường nửa sau tháng 5 đang cho thấy, trong khi những NĐT thua lỗ chỉ mong được “về bờ” thì những người mua thận trọng nhất cũng đã có lời. Khả năng chấp nhận rủi ro đang đem lại lợi thế.  

Các tin khác