Áp lực từ những biến động lãi suất, tiền tệ?
Phiên giao dịch ngày 7-9 vừa qua TTCK chứng kiến một ngày lao dốc tới 2,7% ở chỉ số VN Index, quét sạch gần một nửa mức tăng trưởng của cả tháng 8 (tăng 6,1%). Thị trường đã phản ứng khá tiêu cực trước sức ép mới từ những biến động tiền tệ, lãi suất trong nước khi căng thẳng tín dụng trong hệ thống ngân hàng có tín hiệu gia tăng.
Nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng là một trong những tác nhân khiến TTCK lao dốc mạnh như vậy. Hàng loạt CP ngân hàng từ lớn đến nhỏ bốc hơi từ 3% tới gần 6% giá trị như BID của Ngân hàng TMCP BIDV, SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội, NVB của Ngân hàng Quốc Dân, SGB của Ngân hàng Sài Gòn Công Thương, VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, VCB của Ngân hàng Ngoại Thương...
Theo thống kê, chỉ 5 CP có ảnh hưởng nhất là VCB, BID, VPB, CTG và TCB đã khiến chỉ số VN Index mất tới gần 10 điểm trong tổng số hơn 34 điểm, đó là chưa kể ảnh hưởng từ cả chục CP ngân hàng khác. Ngày 7-9, trong tổng số 27 CP ngân hàng đang giao dịch trên sàn chứng khoán, có tới 25 CP rớt giá, với 18 CP giảm từ 2% trở lên.
Lãi suất qua đêm (ON) và kỳ hạn 3 tháng (3M) tăng vọt trên thị trường liên ngân hàng, phản ánh tình trạng căng thẳng thanh khoản ngắn hạn. Nguồn: Wichart
Phản ứng rất tiêu cực từ khối CP ngân hàng không phải là ngẫu nhiên. Bởi trước khi TTCK điều chỉnh mạnh, những biểu hiện rủi ro trên thị trường tiền tệ đã có. Cụ thể, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng ngày 6-9 đột ngột tăng mạnh lên mức 5,71%/năm, cao nhất kể từ năm 2016. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng thậm chí lên mức 6,13%/năm.
Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt thể hiện nhu cầu vay mượn lẫn nhau gia tăng và là một biểu hiện của căng thẳng thanh khoản trong hệ thống.
Nguyên nhân của việc thiếu thanh khoản ngắn hạn có liên quan đến biến động tăng mạnh ở tỷ giá USD đối với VNĐ. Đồng USD đã tăng giá liên tục từ cuối tháng 1-2022. Chỉ từ đầu tháng 6 tới ngày 6-9, giá bán ra của Vietcombank từ khoảng 23.340 đồng/1 USD tới 23.680 đồng/1 USD, tương đương tăng khoảng 1,5% (so với thời điểm đầu tháng 2-2022 tăng gần 4%).
Trong khi đó tỷ giá của NHNN bán ra chỉ có 1 lần tăng từ 23.250 đồng lên 23.400 đồng. Mức này được giữ suốt từ đầu tháng 7-2022. Áp lực tỷ giá đã khiến NHNN phải bán ngoại tệ để bình ổn, cộng thêm việc hút VNĐ về qua thị trường mở (hỗ trợ tỷ giá) khiến thanh khoản hệ thống căng thẳng.
“Điểm nổ” của áp lực này là quyết định tăng khá mạnh giá bán USD vào chiều ngày 7-9 của NHNN, lên 23.700 đồng/1 USD. Động thái này làm giảm áp lực phải can thiệp bình ổn, nghĩa là giảm hút VNĐ về. Tuy vậy, xu hướng tăng giá của đồng USD vẫn tiếp tục trên toàn cầu dưới áp lực tăng lãi suất rất nhanh của Fed.
Theo thống kê của CTCK Bản Việt, chỉ số US Dollar Index đã tăng 15,3% so với thời điểm cuối năm 2021, và các đồng tiền của đối tác thương mại của Việt Nam đều mất giá rất mạnh như CNY giảm 8,9%, EUR giảm 12,8%, JPY giảm 20,1%, trong khi VNĐ mới giảm 3,4%.
Hiện cả thế giới đang trông đợi vào kỳ họp tháng 9 của Fed (ngày 20 đến 21-9) với khả năng tăng tiếp 0,75 điểm phần trăm nữa. Do vậy động thái tăng tỷ giá của NHNN cuối tuần qua có thể là bước đi sớm, nhưng vẫn chưa thể chắc chắn đã đủ để dừng lại.
Lý do để chứng khoán hạ nhiệt
Lý do để chứng khoán hạ nhiệt
Phiên sụt giảm mạnh đột biến khi thị trường phản ứng với những áp lực mới trên thị trường tiền tệ, lãi suất không phải là điều bất ngờ. Bởi rủi ro kết thúc chu kỳ tiền rẻ trên toàn cầu đã được nêu lên từ khá lâu, cùng với xu hướng tăng lãi suất rất nhanh và mạnh của các NHTW, đặc biệt là Fed. Tuy vậy, TTCK Việt Nam vẫn có sóng tăng tích cực từ giữa tháng 7 tới đầu tháng 9.
Theo đó, thị trường phản ứng tích cực với kết quả kinh doanh quý II-2022, nhưng đó cũng chưa phải là động lực đủ mạnh để thoát khỏi ảnh hướng lớn từ xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu.
Có thể thấy, căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, tỷ giá tăng, áp lực tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thời gian qua bị lãng quên, và được gợi nhớ lại trong ngày 7-9. Đó là sau một sóng tăng tích cực, nhiều CP tăng giá 20-30%, nên thị trường cần một lý do để thay đổi quan điểm và đã tìm thấy.
Đặc biệt, tháng 9 dự kiến sẽ còn gây xáo trộn hơn nữa khi các số liệu lạm phát của Mỹ có thể tạo sức ép khiến Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất cơ bản, ảnh hưởng đến tỷ giá và mặt bằng lãi suất toàn cầu.
Nhóm CP ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trên TTCK Việt Nam và những căng thẳng nói trên có ảnh hưởng trực tiếp. Room tín dụng chung cho toàn hệ thống vẫn giữ mức 14%, nghĩa là dù có “san sẻ” cho nhau thì các ngân hàng cũng không thể tăng mạnh tín dụng những tháng cuối năm. Điều này có rủi ro tới lợi nhuận quý III, quý IV.
Việc thị trường chiết khấu những rủi ro mới trong giai đoạn nhạy cảm từ nay đến cuối tháng 9 là điều kiện thuận lợi để định giá lại CP sau một nhịp tăng trưởng tốt.
Phản ứng rất tiêu cực từ CP ngân hàng không phải là ngẫu nhiên. Minh chứng là những biểu hiện rủi ro trên thị trường tiền tệ như lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng ngày 6-9 đột ngột tăng mạnh lên mức 5,71%/năm, cao nhất kể từ năm 2016. Điều này thể hiện nhu cầu vay mượn lẫn nhau gia tăng và là một biểu hiện của căng thẳng thanh khoản trong hệ thống. |