Chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng điểm; Dầu tăng giá trước mối lo kinh tế toàn cầu

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 tăng nhẹ vào thứ Ba (6/6, giờ Mỹ) lên mức kết phiên cao nhất kể từ đầu năm 2023, khi Phố Wall ghi nhận đợt phục hồi gần đây đã đưa chỉ số này lên mức đỉnh trong 9 tháng. 
Chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng điểm; Dầu tăng giá trước mối lo kinh tế toàn cầu

S&P 500 ghi nhận đà tăng tích cực

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tăng 0.24%, dao động gần mức đỉnh trong 9 tháng, lên 4,283.85 điểm. Đây cũng là mức đóng cửa cao nhất của chỉ số này kể từ tháng 8/2022. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 0.36% lên 13,276.42 điểm, khép phiên tại mức cao nhất trong năm 2023. Chỉ số Dow Jones cộng 10.42 điểm, tương đương 0.03%, đạt 33,573.28 điểm, do đà giảm hơn 2% của cổ phiếu Merck và UnitedHealth gây áp lực lên chỉ số này.

Cổ phiếu Coinbase sụt hơn 12% sau khi Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đâm đơn kiện công ty tiền điện tử với cáo buộc Coinbase đã hoạt động như một nhà môi giới và sàn giao dịch chưa được đăng ký. Giá Bitcoin vọt hơn 6%, theo CoinMetrics.

Cổ phiếu Apple sụt 0.2%, một ngày sau khi gã khổng lồ ngành công nghệ ra mắt tai nghe thực tế ảo được nhiều mong đợi cũng như phần mềm mới tại Hội nghị Nhà phát triển Toàn cầu thường niên. Trong phiên trước đó, cổ phiếu này đã leo lên mức cao mọi thời đại trước khi có thông báo về sản phẩm mới.

Jeff Kilburg, CEO của KKM Financial, nhận định các thị trường có thể tránh được những biến động lớn khi nhà đầu tư sẵn sàng cho cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới. Tuy nhiên, ông Kilburg cho biết điều đáng chú ý là thị trường đã duy trì cao hơn phạm vi đã thấy trong những tháng gần đây.

Lo ngại kinh tế làm lu mờ việc cắt giảm sản lượng của Saudi

Khép phiên, dầu Brent hạ 42 xu, tương đương 0.6%, xuống 76.29 USD/thùng. Dầu WTI giảm 41 xu, tương đương 0.6%, còn 71.74 USD/thùng.

Giá dầu tăng hồi thứ Hai (05/06) sau khi Ả-rập Xê-út cho biết vào cuối tuần trước rằng sẽ cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7.

Ả-rập Xê-út, quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, cũng bất ngờ nâng giá bán dầu thô chính thức cho khách hàng châu Á.

Tuy nhiên, việc cắt giảm nguồn cung của Ả-rập Xê-út khó có thể đạt được “mức tăng giá bền vững” từ 80 – 90 USD/thùng do nhu cầu suy yếu, nguồn cung ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) mạnh hơn, tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc và lo ngại suy thoái kinh tế ở Mỹ cùng với châu Âu, chuyên gia phân tích của Citi lưu ý.

Đồng đô la Mỹ đã tiến lên mức cao nhất kể từ ngày 31/05, khi nhà đầu tư chờ đợi những tín hiệu mới về việc Fed sẽ nâng hay giữ nguyên lãi suất vào tháng 6.

Đồng bạc xanh mạnh hơn có thể gây áp lực lên nhu cầu dầu bằng cách làm cho nhiên liệu trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.

Một trong những tín hiệu đó đến từ lĩnh vực dịch vụ của Mỹ, hầu như không tăng trưởng trong tháng 5 khi số đơn đặt hàng mới chững lại.

Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, cho biết: “Giá dầu thô suy giảm khi những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu tiếp tục cho thấy triển vọng nhu cầu dầu thô yếu hơn.”

Tâm lý nhà đầu tư càng thêm căng thẳng khi dữ liệu cho thấy số đơn đặt hàng công nghiệp của Đức bất ngờ giảm trong tháng 4.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 khi Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn so với dụ báo, nhưng, cho biết lãi suất cao hơn và tín dụng thắt chặt hơn sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho kết quả của năm tới.

Lãi suất cao làm tăng chi phí đi vay, điều này có thể làm trì trệ nền kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nhu cầu xăng dầu của Mỹ sẽ tăng từ 20.3 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 20.4 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 20.7 triệu thùng/ngày trong năm 2024, vẫn thấp hơn so với mức cao kỷ lục 20.8 triệu thùng/ngày trong năm 2005, theo dữ liệu của EIA từ năm 1973.

Các tin khác