Dow Jones và S&P 500 gần như đi ngang
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 nhích 0,02% lên 5,985.38 điểm. Chỉ số Dow Jones thêm 47.21 điểm, tương đương 0,11%, lên 43,958.19 điểm, chỉ số này đã tăng tới 230 điểm vào đầu phiên ngày thứ Tư. Chỉ số Nasdaq Composite tiến 0,26% lên 19,230.74 điểm.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 10 tăng cao hơn một chút lên 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trùng khớp với dự báo từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. CPI cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 3,3% trong tháng trước, cùng phù hợp với dự báo. Sau báo cáo lạm phát, thị trường dự báo khả năng cao ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất một lần nữa vào tháng 12/2024, theo công cụ CME FedWatch.
David Russell, Trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu tại TradeStation cho rằng: “Đã đến lúc ngừng lo lắng về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và lạm phát. Chứng khoán Mỹ đã tự động lái kể từ cuộc bầu cử và các số liệu ngày hôm nay không làm ảnh hưởng đến xu hướng này.”
Các chỉ số chính đã giảm điểm vào thứ Ba (12/11), khi thị trường tạm nghỉ sau đợt leo dốc hậu bầu cử.
Những động thái này diễn ra sau đợt tăng giá trên Phố Wall hậu cuộc bầu cử của Donald Trump vào tuần trước đã đưa cổ phiếu tăng lên các mức cao kỷ lục. Dow Jones khép phiên trên mốc 44,000 điểm lần đầu tiên hôm11/11, trong khi cả S&P 500 và Nasdaq Composite cũng đạt kỷ lục mới. Đà leo dốc cũng nới rộng sang tiền điện tử, đưa Bitcoin lên trên 93,000 USD vào ngày 13/11 với hy vọng rằng ông Trump sẽ thực hiện một loạt lời hứa với ngành công nghiệp.
Dầu phục hồi sau khi giảm xuống gần mức đáy 2 tuần
Khép phiên, hợp đồng dầu Brent nhích 39 xu, tương đương 0,54%, lên 72.28 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI thêm 31 xu, tương đương 0,46%, lên 68.43 USD/thùng.
Các hợp đồng dầu đã khép phiên ngày thứ Ba (12/11) tại mức thấp nhất trong gần 2 tuần, sau khi OPEC hạ triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 và năm 2025 trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc.
OPEC nếu lí do sự suy yếu ở Trung Quốc, Ấn Độ và các khu vực khác, đánh dấu lần điều chỉnh giảm thứ 4 liên tiếp của Tổ chức này trong năm 2024.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), có dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thấp hơn nhiều so với OPEC, sẽ công bố dự báo cập nhập vào ngày 14/11.
Thị trường đã cố gắng phục hồi khi một số nhà đầu tư đầu cơ cố gắng thu hồi khoản lỗ mà họ đã gánh chịu.
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục “phối hợp chặt chẽ” trong nhóm OPEC+ trong một cuộc điện đàm vào thứ Tư.
Về mặt nguồn cung, thị trường vẫn có thể phải đối mặt với sự gián đoạn từ Iran hoặc xung đột tiếp theo giữa Iran và Israel.
Người được ông Trump dự kiến chọn làm ngoại trưởng, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, có thể thúc đẩy giá dầu tăng vì quan điểm “diều hâu” của ông đối với Iran có thể khiến các lệnh trừng phạt được thực thi, qua đó có thể loại bỏ 1,3 triệu thùng/ngày khỏi nguồn cung toàn cầu.
Ngoài ra, góp phần hạn chế đà tăng giá dầu, đồng USD đã tăng lên gần mức cao nhất trong 7 tháng sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ trong tháng 10 tăng trùng khớp với dự báo, cho thấy Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất.
Đồng USD mạnh hơn là dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác, điều này có thể làm giảm nhu cầu dầu.