Chứng khoán Mỹ nhuộm xanh 3 tuần liền; Dầu nối dài đà trượt giá

(ĐTTCO) - Chỉ số Dow Jones tiến lên mức cao kỷ lục mới vào 27/09, khi nhà đầu tư tiếp nhận dữ liệu mới cho thấy lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Trong khi đó, giá dầu giảm mạnh trong tuần, khi triển vọng nguồn cung dầu gia tăng từ Ả-rập Xê-út.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chứng khoán Mỹ nhuộm xanh 3 tuần liền; Dầu nối dài đà trượt giá

Lạm phát tiếp đà hạ nhiệt

Khép phiên, chỉ số Dow Jones tiến 137.89 điểm, tương đương 0.33%, lên 42,313.00 điểm. Chỉ số này đóng cửa ở mức cao kỷ lục và ghi nhận mức cao mọi thời đại trong phiên. Trong khi, chỉ số S&P 500 lùi 0.13% xuống 5,738.17 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite mất 0.39% còn 18,119.59 điểm. Cổ phiếu Nvidia bốc hơi 2% đã gây áp lực cho chỉ số Nasdaq Composite.

Các chỉ số chính đều nối dài đà leo dốc sang tuần thứ 3 liên tiếp, với S&P 500 và Dow Jones đều tăng 0.6% trong tuần. Nasdaq Composite tiến gần 1% trong giai đoạn này.

Nhà đầu tư đã nhận được dữ liệu lạm phát khả quan có thể cung cấp cho ngân hàng trung ương nhiều lí do hơn để tự tin hạ lãi suất hơn nữa. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 8 - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - nhích 0.1%, phù hợp với dự báo từ Dow Jones. PCE tăng 2.2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức dự báo tăng 2.3%.

Các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư đều hy vọng lạm phát hằng tháng sẽ hạ nhiệt liên tục, cho phép nới lỏng chi phí đi vay, qua đó làm giảm bớt căng thẳng cho bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp và hộ gia đình.

Phố Wall vừa trải qua một phiên thắng lợi trước đó, sau khi một loạt dữ liệu kinh tế đảm bảo cho nhà đầu tư về sức mạnh nền kinh tế Mỹ. Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ giảm mạnh hơn dự báo trong tuần trước, cho thấy thị trường lao động mạnh mẽ, trong khi số liệu cuối cùng về GDP quý 2 đạt ở mức 3%.

Dầu giảm mạnh trước khả năng tăng nguồn cung từ Ả-rập Xê-út

Dầu WTI sụt 5% trong tuần này, còn dầu Brent rớt gần 4%. Giá dầu giảm mạnh ngay cả khi xung đột tại Trung Đông leo thang, với việc Israel tiến hành một cuộc không kích ở Beirut nhằm vào thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah.

Dan Yergin, Phó Chủ tịch S&P Global, cho hay: “Thật kinh ngạc khi thấy rằng… chiến tranh không làm ảnh hưởng giá dầu, vì đó là vì không có sự gián đoạn nào.”

Kết phiên, hợp đồng dầu WTI lùi 51 xu, tương đương 0.75%, xuống 68.18 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent mất 38 xu, tương đương 0.53%, còn 71.98 USD/thùng.

Dầu bị bán tháo vào ngày 26/09 khi có báo cáo rằng Ả-rập Xê-út cam kết tăng sản lượng vào cuối năm nay, ngay cả khi điều đó dẫn đến việc giá dầu thấp hơn trong một thời gian dài.

OPEC+ gần đây đã hoãn kế hoạch nâng sản lượng từ tháng 10 qua tháng 12, nhưng các nhà phân tích đã suy đoán rằng nhóm này có thể hoãn lại việc tăng sản lượng một lần nữa vì giá dầu vẫn còn quá thấp.

Đợt bán tháo dầu đã xoá sạch mức tăng từ đầu tuần sau khi Trung Quốc công bố một loạt các biện pháp kích thích kinh tế mới. Nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc đã gây áp lực lên thị trường dầu trong nhiều tháng.

“Điều chi phối thị trường là sự suy yếu ở Trung Quốc. 50% tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong nhiều năm qua chỉ đơn giản là ở Trung Quốc và điều đó đã không xảy ra. Câu hỏi lớn là, liệu các biện pháp kích thích có giúp Trung Quốc phục hồi hay không. Đó là điều mà thị trường đang chật vật tìm kiếm câu trả lời,” ông Yergin nói.

Các tin khác