Chứng khoán Mỹ rực đỏ; Giá dầu nối dài đà giảm do lo ngại dai dẳng về nhu cầu của Trung Quốc

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 giảm điểm hôm thứ Ba (22/8), do lo ngại về sự gia tăng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ trước bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Fed Jerome Powell, cũng như sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng và bán lẻ. 
Chứng khoán Mỹ rực đỏ; Giá dầu nối dài đà giảm do lo ngại dai dẳng về nhu cầu của Trung Quốc

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và bán lẻ trượt dốc

Khép phiên, chỉ số S&P 500 giảm 0,3% xuống 4.387,55, trong khi chỉ số Dow Jones lao dốc 174,86 điểm, tương đương 0,5% xuống 34.288,83. Trong khi đó, Nasdaq Composite đạt được một mức tăng nhỏ, tiến lên 13.505,87. Cổ phiếu Nvidia, dự kiến ​​sẽ báo cáo doanh thu vào thứ Tư, đã kết thúc phiên với mức giảm 2,9% - xóa sạch đà tăng trước đó.

Một số cổ phiếu ngân hàng khu vực và ngân hàng lớn hơn đã giảm sau khi S&P Global hạ xếp hạng tín dụng và điều chỉnh triển vọng đối với nhiều ngân hàng Hoa Kỳ vào thứ Hai, với lý do điều kiện hoạt động “khó khăn”. Lĩnh vực tài chính kết thúc ngày thứ Ba mất 0,9%, trở thành lĩnh vực hoạt động kém nhất trong S&P 500. Cổ phiếu KeyCorp và Comerica đều sụt 4,1%. Cổ phiếu ngân hàng lớn JPMorgan Chase cũng rớt 2,1%.

Cổ phiếu Dick's Sporting Goods và Macy's lần lượt bốc hơi 24% và 14% do dự báo thận trọng cho cả năm, đồng thời khiến chứng chỉ quỹ SPDR S&P Retail ETF cũng giảm. Cổ phiếu Nike, thành viên của Dow, cũng giảm hơn 1% trong phiên thua lỗ thứ 9 liên tiếp

Phố Wall đã tập trung vào thị trường trái phiếu sau khi lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ năm 2007 trong tuần này. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã giảm nhẹ vào thứ Ba xuống mức 4,33%.

Adam Turnquist, Giám đốc chiến lược kỹ thuật tại LPL Financial cho rằng “Chúng ta đang trong giai đoạn thoái lui của một thị trường giá lên.” Tương tự, Giám đốc chiến lược thị trường Victoria Fernandez của Crossmark Global Investments cũng kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục giảm, điều mà bà cho rằng sẽ bị ảnh hưởng bởi lợi suất tăng và người tiêu dùng thận trọng hơn.

Các nhà đầu tư đang mong đợi bài phát biểu của ông Powell tại hội nghị chuyên đề kinh tế hàng năm của Fed ở thành phố Kansas, Jackson Hole, Wyoming vào thứ Sáu tuần này.

Lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc vẫn tiếp diễn

Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô Brent lùi 43 cent, tương đương 0,5%, xuống mức 84,03 USD/thùng trong khi hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ West Texas Middle của Mỹ hạ 48 cent xuống 79,64 USD.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được xem là có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ trong thời gian còn lại của năm. Hoạt động kinh tế trì trệ của nước này đã khiến thị trường thất vọng, vì các biện pháp kích thích được cam kết không đạt được kỳ vọng, bao gồm cả việc hạ tiêu chuẩn cho vay thấp hơn dự kiến vào thứ Hai.

Làm tăng thêm mối lo ngại về nhu cầu, các quan chức ngân hàng trung ương Hoa Kỳ không loại trừ khả năng tăng lãi suất thêm để kiềm chế lạm phát.

Mỹ được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm lượng dầu dự trữ. Một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy tồn kho dầu thô và xăng tại Mỹ được dự đoán ​​sẽ giảm vào tuần trước.

Hãng thông tấn Nhà nước Iraq đưa tin, các Bộ trưởng dầu mỏ của Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận về tầm quan trọng của việc nối lại đường ống dẫn dầu sau khi hoàn tất việc bảo trì đường ống, một diễn biến có thể thúc đẩy nguồn cung toàn cầu.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng xuất khẩu 450.000 thùng mỗi ngày của dầu Iraq - khoảng 0,5% nguồn cung toàn cầu - thông qua đường ống phía bắc Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3 sau phán quyết của trọng tài Phòng Thương mại Quốc tế.

Riêng hôm thứ Hai, Shell cho biết họ đang điều tra khả năng rò rỉ trên đường ống dẫn dầu Trans Niger 180.000 thùng/ngày, mặc dù không có trường hợp bất khả kháng nào được công bố.

Các tin khác