Mùa báo cáo thu nhập bắt đầu
Khép phiên, chỉ số S&P 500 tăng 0,09%, đóng cửa ở mức 4.154,87, trong khi chỉ số Dow Jones giảm 10,55 điểm, tương đương 0,03%, còn 33.976,63. Nasdaq Composite nhích nhẹ 0,04% xuống 12.153,41.
Các chỉ số chính dao động khi nhà đầu tư đánh giá loạt báo cáo thu nhập quan trọng mới nhất. Bất chấp môi trường kinh tế khó khăn, Bank of America đã vượt qua kỳ vọng trong quý đầu tiên về doanh thu và lợi nhuận khi lãi suất tăng. Cổ phiếu của Johnson & Johnson đã sụt 2,8% ngay cả sau khi công ty dược phẩm này báo cáo lợi nhuận vượt kỳ vọng và nâng triển vọng cho năm 2023.
Mặt khác, cổ phiếu của Goldman Sachs rớt 1,7% sau khi gã khổng lồ ngân hàng này báo cáo doanh thu thấp hơn dự kiến, do khoản lỗ 470 triệu USD từ các khoản vay của Marcus.
Bất chấp những động thái của ngày thứ Ba và những kỳ vọng về lợi nhuận giảm trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và lãi suất tăng, mùa báo cáo thu nhập cho đến nay vẫn chứng tỏ khả năng phục hồi của nền kinh tế. Cả 3 chỉ số chính đều tăng kể từ khi mùa báo cáo bắt đầu.
Nhưng các nhà đầu tư cảnh báo rằng lợi nhuận cao hơn mức kỳ vọng vốn đã thấp sẽ không thành vấn đề đối với một thị trường đang nhìn chằm chằm vào việc Fed vẫn tiếp tục thắt chặt trước nguy cơ suy thoái.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, ngay cả sau khi 2 ngân hàng sụp đổ vào tháng trước đã gây ra làn sóng chấn động khắp lĩnh vực tài chính, hơn 8/10 nhà giao dịch dự đoán mức tăng 25 điểm cơ bản vào tháng tới. Nó đánh dấu một sự tương phản hoàn toàn với những lời kêu gọi tạm dừng nâng lãi suất vào tháng Ba.
Khi một cuộc họp chính sách khác của Fed sắp diễn ra, Chủ tịch Fed khu vực Atlanta, Raphael Bostic, cho biết rằng ông dự đoán một đợt tăng 25 điểm cơ bản nữa, sau đó sẽ giữ ở mức đó “trong một thời gian dài. ”
Ông nói: “Thêm một động thái nữa là đủ để chúng tôi lùi lại một bước và xem chính sách của chúng tôi đang vận hành như thế nào trong nền kinh tế, để hiểu được mức độ mà lạm phát đang quay trở lại mức mục tiêu của chúng tôi.”
Dữ liệu mạnh mẽ của Trung Quốc bù đắp lo lắng về lãi suất của Mỹ
Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô Brent tiến 1 cent, tương đương 0,01%, kết phiên ở mức 85,25 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Hoa Kỳ đóng cửa cộng 3 cent, tương đương 0,04% đạt 80,86 USD.
Dữ liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến 4,5% trong quý 1 trong khi sản lượng lọc dầu tăng lên mức kỷ lục trong tháng 3.
Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, nhận định: “Bức tranh toàn cảnh về sự tăng trưởng của Trung Quốc vẫn cho thấy thị trường đang thiếu nguồn cung.”
Nhưng triển vọng về một đợt tăng lãi suất khác của Mỹ vẫn là một lực cản đối với tâm lý thị trường. Các thương nhân kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 5.
Raphael Bostic, chủ tịch Fed khu vực Atlanta cho hay, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ rất có thể sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa để chống lạm phát.
Chuyên gia Craig Erlam của công ty môi giới OANDA nhấn mạnh về triển vọng giá dầu: “Bước tiếp theo có thể phụ thuộc vào tăng trưởng toàn cầu và liệu nền kinh tế có thể vượt qua cơn bão gần đây hay không, đặc biệt là ở Mỹ, nơi tín dụng thắt chặt hơn có thể ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm.”
Dầu thô cũng chịu áp lực bởi chính phủ liên bang Iraq và Chính quyền khu vực Kurdistan đang từng bước hướng tới nối lại xuất khẩu dầu phía bắc từ cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bị tạm dừng hồi tháng trước.
Đồng đô la giảm vào thứ ba sau dữ liệu lạc quan của Trung Quốc. Đồng đô la mạnh hơn làm cho hàng hóa được định giá bằng đồng tiền của Hoa Kỳ đắt hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà giao dịch tin rằng đợt tăng giá dầu thô gần đây cần được điều chỉnh. Giá dầu thô đã tăng trong bốn tuần qua, một kỷ lục chưa từng thấy kể từ tháng 6/2022.