Khối lượng giao dịch tăng, giá CP tăng đã tạo những ngày kỷ lục về giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vượt mốc 2 tỷ USD/ngày, cá biệt có ngày gần 2,5 tỷ USD.
Nhưng khi số lượng nhà đầu tư (NĐT) cá nhân tăng quá nhanh và nhiều doanh nghiệp phi tài chính lấy đầu tư CK làm lợi nhuận kinh doanh, thị trường không thể không bật chế độ cảnh giác cao.
Với nhiều người, rất khó để bình tâm khi thấy xung quanh mình, những người đầu tư CK chia sẻ lợi nhuận hàng chục phần trăm chỉ sau vài tháng, thậm chí vài tuần. Những người chỉ đơn giản đầu tư vào chỉ số VN Index hồi giữa năm 2020 đến nay đã có mức lợi nhuận gần 100%, mức sinh lợi đầy cám dỗ.
Xét về tỷ lệ người dân tham gia TTCK, Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn vì còn xa mức 5%, mức độ trưởng thành của thị trường hiện vẫn chỉ ở nhóm thị trường cận biên. Và như vậy việc phát triển của TTCK là tất yếu và đáng mừng, nhưng trong thời gian ngắn tăng trưởng nóng quá rất đáng ngại.
Bởi lẽ, đối với các nhà tạo lập thị trường và NĐT chuyên nghiệp, khi thị trường tăng đến mức độ nào đó sẽ tái cân bằng danh mục đồng thời chốt lợi nhuận. Khi đó sẽ có những đợt rung lắc và nếu tâm lý hoảng loạn xảy ra sẽ có những đợt bán tháo mạnh.
Lúc này NĐT mới vừa tham gia thị trường sẽ là những người gánh chịu phần mất mát lớn nhất. Đang từ tâm lý háo hức, kỳ vọng kiếm lời nhanh từ TTCK mà thị trường bị điều chỉnh mạnh, sự thất vọng sẽ rất lớn đối với nhiều NĐT lúc này, đặc biệt với những NĐT dùng đòn bẩy tài chính.
Sự chuyển đổi nhanh từ yêu sang ghét sẽ khiến những người này mất niềm tin ở TTCK, về lâu dài là điều bất lợi cho sự phát triển của thị trường vì kiểu tâm lý “chim sợ cành cong”.
TTCK Việt Nam vẫn đang được đánh giá tiềm năng, với dự báo VN Index có thể đạt mốc 1.700 điểm vào năm 2022, tốc độ tăng EPS trong khoảng 20-30% và P/E có thể về mức 14-15. Tuy nhiên, theo báo cáo của MSCI Vietnam mới nhất ngày 29-10, chỉ số P/E của VN Index 23,85 và P/B 3,8, là mức khá cao so với nhóm các nước đang phát triển.
Chẳng hạn P/E của MSCI các thị trường phát triển cùng thời điểm là 15,08 và P/B 1,93. Trong dài hạn, khi nền kinh tế phát triển, chỉ số CK sẽ tăng theo, nhưng trong ngắn hạn điều này không hề chắc chắn. Cho nên sẽ rất nguy hiểm cho những nhà đầu cơ có mong muốn lướt sóng thị trường, đặc biệt là những người mới tham gia thị trường.
Sức hút của TTCK Việt Nam thời gian gần đây không chỉ đối với các NĐT cá nhân, còn xuất hiện ở cả doanh nghiệp. TTCK tăng, hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, đã khiến không ít doanh nghiệp tìm đến hoạt động đầu tư tài chính, trong đó phần lớn là CK.
Trong số này, có những doanh nghiệp có được lợi nhuận ấn tượng từ đầu tư CK, nhưng cũng có doanh nghiệp đã phải nhận trái đắng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài là vấn đề rất đáng quan ngại, vì nguồn lực của doanh nghiệp phi tài chính được phân bổ vào hoạt động không cốt lõi của doanh nghiệp.
TTCK Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại ở nhóm các CP có mức vốn hóa lớn, vì hầu như các thông tin tốt đều đã được phản ảnh vào giá. Song dòng tiền vẫn còn mạnh đang tìm đến những CP có mức vốn hóa trung bình và nhỏ. Nhưng sẽ là nguy hiểm nếu dòng tiền vào ra liên tục ở các CP nhỏ, CP có yếu tố nền tảng không rõ ràng.
Do đó, việc nâng cao hiểu biết kiến thức về CK, thị trường và đầu tư hết sức cần thiết để có được TTCK phát triển lành mạnh và bền vững. Ở nhiều nước, cơ quan quản lý thị trường hoặc những hiệp hội đầu tư CK sẽ là nơi cung cấp các nguồn tài liệu, chương trình đào tạo để NĐT trang bị kiến thức cho mình. Cụ thể là những kiến thức cơ bản về CP, những rủi ro trong việc đầu tư CP.
Sự thận trọng không bao giờ thừa trên TTCK. Và khi niềm tin có, kênh dẫn vốn qua TTCK sẽ phát triển và phát huy tối đa vai trò của mình trong hệ thống tài chính và nền kinh tế nói chung.