Chứng khoán và dầu Mỹ nối dài đà giảm

(ĐTTCO) - Thị trường giảm phiên thứ 3 liên tiếp vào thứ Hai (7/4), sau chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đe doạ áp thuế cao hơn nữa đối với Trung Quốc. Giá dầu WTI giảm 2% do lo ngại chính sách thuế quan toàn cầu sẽ đẩy nước Mỹ và có thể là cả thế giới vào suy thoái.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Chứng khoán và dầu Mỹ nối dài đà giảm

S&P 500 lui về gần tham chiếu

Phiên giao dịch khá biến động khi nhà đầu tư cố gắng suy đoán thời điểm thị trường sẽ chạm đáy sau cuộc khủng hoảng thuế quan của ông Trump, với Dow Jones ghi nhận mức dao động điểm trong phiên lớn nhất từ trước đến nay.

Khối lượng giao dịch cũng đạt mức cao nhất trong ít nhất 18 năm, với các thị trường giao dịch khoảng 29 tỷ cổ phiếu. Con số này vượt qua khối lượng giao dịch 26,77 tỷ cổ phiếu trong ngày 4/4, cũng như khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên là 16,94 tỷ cổ phiếu.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones trượt dài 349,26 điểm, tương đương 0,91%, xuống 37.965,60 điểm. Chỉ số này đã giảm hơn 1.700 điểm xuống mức thấp nhất trong phiên ngày thứ Hai. Sau đó, chỉ số này đã tăng 2.595 điểm từ mức đáy lên mức đỉnh, một sự đảo chiều kỷ lục, nhưng rồi lại đảo chiều trở lại.

Chỉ số S&P 500 mất 0,23% còn 5.062,25 điểm. Chỉ số này đã sụt 4,7% tại mức đáy trong phiên. S&P 500 đã nhanh chóng rơi vào vùng thị trường giá xuống (bear market) trong phiên, những cuối cùng đã lao dốc gần 18% so với mức đỉnh gần đây.

Chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,10% lên 15.603,26 điểm. Nhà đầu tư đã đổ vào để mua một số cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Nvidia và Palantir. Tại mức đáy trong phiên, chỉ số này đã giảm hơn 5%.

Có thời điểm chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong thời gian ngắn, qua đó đưa chỉ số Dow Jones ghi nhận sắc xanh. Có suy đoán về một số loại thuế sẽ bị tạm dừng lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc tạm dừng 90 ngày đều là “tin giả” và các chỉ số chính một lần nữa lại giảm điểm.

S&P 500 đã lao dốc hơn 10% trong 3 phiên gần nhất, chứng kiến chuỗi 3 phiên lao dốc tồi tệ nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020. Bất chấp đợt bán tháo trên thị trường, Nhà Trắng vẫn tỏ ra bất chấp, khẳng định rằng loạt thuế quan cao ngất ngưởng được công bố vào hôm 2/4 sẽ có hiệu lực vào ngày 9/4, đúng như dự kiến. Trung Quốc đã đáp trả vào ngày 4/4 và các quốc gia khác đang chuẩn bị áp thuế quan trả đũa của riêng họ.

Ông Trump đã đe doạ Bắc Kinh vào ngày thứ Hai bằng mức thuế thậm chí còn cao hơn thông qua Truth Social: “Nếu Trung Quốc không rút lại mức tăng thuế 34% so với các hành vi lạm dụng thương mại lâu dài của họ vào ngày mai, ngày 8/4/2025, Mỹ sẽ áp thêm thuế đối với Trung Quốc là 50%, có hiệu lực từ ngày 9/4. Ngoài ra, mọi cuộc đàm phán với Trung Quốc liên quan đến các cuộc họp mà họ yêu cầu với chúng tôi sẽ bị chấm dứt.”

Ông Trump cũng nhắc lại với các phóng viên vào chiều thứ Hai rằng không có sự tạm dừng nào trong kế hoạch thuế quan đang được đánh giá.

Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, đã vọt lên mức 60 vào thứ Hai, ngưỡng cực đại chủ yếu chỉ thấy trong thị trường giá xuống

Dầu WTI giảm thêm 2%

Khép phiên, hợp đồng dầu WTI hạ 1,29 USD, tương đương 2,08%, còn 60,70 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent lùi 1,37 USD, tương đương 2,09%, xuống 64,21 USD/thùng. Giá dầu tiếp tục giảm sau khi dầu WTI và dầu Brent lao dốc hơn 10% trong tuần trước.

Hợp đồng dầu WTI tương lai đã chạm mức thấp nhất trong phiên là 58,95 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2021 Hợp đồng dầu Brent đã rớt xuống mức đáy trong phiên là 62,51 USD/thùng.

Quyết định của các nhà sản xuất chủ chốt của OPEC+ vào tuần trước về việc đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng cũng gây áp lực lên giá dầu. Saudi Aramco hồi ngày 6/4 đã cắt giảm giá dầu thô Arab Light chủ lực.

Ông Trump đã nói về sự sụt giảm mạnh giá dầu vào sáng ngày thứ Hai, viết trên Truth Social rằng: “Giá dầu giảm, lãi suất giảm (Fed nên hạ lãi suất), giá thực phẩm giảm, không có lạm phát, và Mỹ bị lạm dụng lâu nay đang thu về hàng tỷ USD mỗi tuần từ các quốc gia lạm dụng thông qua thuế quan đã áp dụng.”

Tuy nhiên, lo ngại gia tăng rằng chính sách thuế quan có thể dẫn đến chi phí cao hơn cho các doanh nghiệp, điều này có thể làm trì trệ các hoạt động kinh tế, cuối cùng sẽ gây tổn hại đến nhu cầu dầu.

Theo JPMorgan, thuế quan, dự kiến có hiệu lực vào tuần này, có khả năng sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ và có thể là toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm nay.

Bank of America dự báo cuộc chiến thương mại sẽ làm giảm tăng trưởng nhu cầu dầu 50% trong năm nay, trong khi OPEC+ đang tăng sản lượng. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng dư cung “khủng khiếp” là 1,25 triệu thùng/ngày.

Các tin khác