Mưa lớn gây ngập trên đường Nguyễn Văn Khối, quận Gò Vấp, TPHCM khiến người dân đi lại khó khăn. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Đơn cử như TPHCM, chỉ với vài dự án cải thiện môi trường nước, chống ngập cho một số lưu vực kênh rạch như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm… đã tiêu tốn cả tỷ USD, ấy vậy mà vẫn ngập!
Nguyên nhân của tình trạng này đã được nhận diện. Khách quan, là do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hầu hết thành phố, khu đô thị đều nằm ở cao độ thấp… Chủ quan, là do hệ thống tiêu thoát nước xuống cấp, lạc hậu; quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn nhiều bất cập… Giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?
Cách nay gần 10 năm, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM đã nghiên cứu lập quy hoạch không gian điều tiết nước cho TPHCM. Quy hoạch này được xây dựng trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất và bản đồ chuẩn bị đất xây dựng và san nền… nhằm tính ra xu thế nước chảy về đâu, nơi nào có thể trữ nước?
Thời điểm ấy, PGS-TS Hồ Long Phi với tư cách là phó giám đốc trung tâm này đã cho phóng viên Báo SGGP hay, đơn vị đã nghiên cứu và phân chia TPHCM thành 30 tiểu lưu vực. Trong mỗi tiểu lưu vực này, trung tâm tính toán khả năng bị ngập, khả năng có thể chịu ngập và khả năng thoát nước của mỗi lưu vực để đưa ra giải pháp điều tiết nước phù hợp. Đến nay, nghiên cứu này đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem xét đưa vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM.
Còn nhớ, trước đây, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM đã đánh giá, với những diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, các giải pháp công trình như làm đê chống ngập, làm cống thoát nước… rất dễ bị quá tải. Trên thực tế, điều này đã xảy ra.
Hệ thống cống thoát nước ở lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè vừa được lắp đặt đã lạc hậu trước những cơn mưa có vũ lượng lớn xảy ra. Do đó, bên cạnh những giải pháp công trình thì thành phố phải chuẩn bị những giải pháp uyển chuyển để thích ứng với sự bất thường của biến đổi khí hậu.
Những giải pháp uyển chuyển, theo các chuyên gia về quản lý đô thị, thì rất nhiều, đa dạng và vừa tầm thực thi với nhiều đối tượng. Với cơ quan chức năng, đó là quy hoạch và triển khai quy hoạch xây dựng hồ điều tiết nước; đưa ra các quy chuẩn xây dựng và kiểm soát việc xây dựng theo hướng đảm bảo công trình xây dựng mới phải có không gian dành cho nước...
Ví dụ như việc kiểm soát xây dựng các khu đô thị mới. Hiện nay, có một thực tế là nhiều chủ đầu tư các đô thị thường “đẩy” diện tích cây xanh, mặt nước phải thực thi vào khu vực khó giải phóng mặt bằng và “khoanh” lại đó, không xác định được khi nào mới thực thi. Kết quả, dự án chỉ có hạng mục nhà ở được xây dựng, còn các không gian công cộng khác, trong đó có không gian cho nước, cho cây xanh thì chưa.
Hay như thay vì lát gạch hoa cương, đá... cho vỉa hè thì nên dùng gạch con sâu, có khả năng giúp nước mưa thẩm thấu xuống đất. Với người dân, nếu có điều kiện xây nhà mới thì nên đầu tư một bể trữ nước mưa trước sân hoặc ngầm dưới đất.
Mỗi bể có thể chỉ chứa được 1-2m³ nước, nhưng nhiều bể như thế sẽ có thể trữ được hàng ngàn, thậm chí hàng triệu mét khối nước. Và điều này chắc chắn sẽ giúp giảm áp lực tiêu thoát nước cho hệ thống cống thoát nước mỗi khi mưa lớn. Ngoài ra, người dân không được vứt rác bừa bãi, nhất là rác nhựa, vào hệ thống cống thoát nước…
Nhắc lại những việc trên để thấy, TPHCM nói riêng và nhiều đô thị khác ở Việt Nam nói chung đã ý thức được rằng, để chống ngập hiệu quả, cần sự chung tay của nhiều người, nhiều cơ quan, một cách quyết liệt.