Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hình thức đầu tư PPP hiện chỉ dừng lại ở mức Nghị định của Chính phủ, nên hành lang pháp lý về hoạt động này vẫn còn phụ thuộc vào một số luật (Luật DN, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công…).
Đây cũng là quan ngại lớn của các NĐT nước ngoài. Thứ hai, vướng mắc về nguồn vốn. Các NH, TCTD trong nước có quy mô nhỏ, nguồn vốn huy động chủ yếu ngắn hạn, nên khả năng cung cấp tín dụng trung và dài hạn cho các dự án còn hạn chế. Đối với vốn tín dụng thương mại nước ngoài, qua thực tiễn đàm phán triển khai các dự án PPP hạ tầng lớn, quan trọng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông trong thời gian qua cho thấy, các TCTD nước ngoài đều yêu cầu có các cơ chế bảo lãnh đặc thù cho các rủi ro về lưu lượng, doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ…
Trong khi các dự án PPP có thời gian kéo dài 5 - 10 năm, thậm chí 20 - 30 năm, nên sẽ có những khó khăn nhất định về đàm phán và thu xếp vốn. Thứ ba, năng lực tài chính của một số NĐT yếu, không góp đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào các dự án theo đúng cam kết, dẫn đến phải dừng dự án. Nhiều phương án tài chính của dự án còn chưa hợp lý, vốn đối ứng tham gia dự án thấp, khi lãi suất tăng do biến động tiền tệ sẽ gây rủi ro lớn đến việc thực hiện dự án.
Lĩnh vực hạ tầng giao thông TPHCM rất cần nguồn vốn lớn.
Do vậy, để thành công trong các dự án PPP, bên cạnh sự nỗ lực của NĐT, rất cần sự chung tay tháo gỡ của các cơ quan chức năng để cùng vượt qua khó khăn, nhằm khuyến khích các DN, NĐT tích cực tham gia các dự án PPP. Cụ thể, phải hoàn thiện các quy định về PPP và đấu thầu lựa chọn NĐT theo hướng tiếp thu các bài học từ thực tiễn triển khai trong thời gian qua, đồng thời đảm bảo sự phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng là hết sức cấp bách. TP cần quyết liệt trong việc bố trí nguồn lực tài chính tối thiểu để làm đối ứng cho các dự án PPP.
Mục tiêu của PPP là tạo dựng các dự án có hiệu quả cao để có thể thu hút nguồn vốn từ NH mà không phải bảo lãnh, từ đó giảm thiểu gánh nặng tài chính. Các dự án có quy mô lớn, mang tính đột phá như hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao… cần có vốn góp từ ngân sách để đảm bảo dự án khả thi về mặt tài chính. Đồng thời cần hướng đến nguồn vốn tín dụng nước ngoài, đây là giải pháp nhằm bù đắp nguồn lực thiếu hụt cho các dự án PPP trong giai đoạn tới.
Thời gian qua, việc thông tin về dự án PPP (chủ yếu BOT) chưa đến được người dân và các tổ chức xã hội do hình thức tuyên truyền, công bố thông tin chưa thích hợp, hoặc người dân chưa quan tâm đến thông tin công bố hoặc các thông tin về dự án PPP đang gây phản cảm trong xã hội. Do vậy cần tuyên truyền và công khai thông tin một cách hiệu quả hơn để các bên liên quan có cách hiểu thống nhất và đồng thuận trong quá trình triển khai và vận hành dự án PPP.