Chuỗi nhà hàng Việt hấp dẫn quỹ ngoại

Giới kinh doanh gần đây không khỏi bất ngờ khi hàng loạt chuỗi ẩm thực ở Việt Nam được các quỹ danh tiếng nước ngoài bỏ nhiều triệu USD vào đầu tư.

Giới kinh doanh gần đây không khỏi bất ngờ khi hàng loạt chuỗi ẩm thực ở Việt Nam được các quỹ danh tiếng nước ngoài bỏ nhiều triệu USD vào đầu tư.

 

Dự án khởi nghiệp với chuỗi nhà hàng KAfe Group của Đào Chi Anh, nữ đầu bếp - doanh nhân sinh năm 1984 vừa gây chú ý khi nhận được khoản đầu tư 5,5 triệu USD (hơn 120 tỷ đồng) từ Cassia Investments - một quỹ đầu tư đến từ Hong Kong (Trung Quốc).

Đào Chi Anh cho hay, số tiền trên cô sẽ dùng để mở rộng ra 26 cửa hàng ở Hà Nội và TP HCM ngay trong năm nay. Ngoài ra, nữ doanh nhân trẻ này còn có kế hoạch mua lại một vài nông trại, xây dựng một hệ thống sinh thái, chuỗi cung ứng ổn định, đảm bảo chất lượng, theo mô hình từ nông trại đến bàn ăn.

Trước đó vào cuối năm 2014, chuỗi 100 nhà hàng món Huế của Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam được quỹ Franklin Templeton do tỷ phú Mark Mobius quản lý đầu tư tới 11 triệu USD.

Mark Mobius cho biết, ẩm thực là một trong lĩnh vực hấp dẫn mà quỹ đầu tư của ông luôn quan tâm. “Tiền nhàn rỗi của chúng tôi không thiếu nhưng chỉ ưu tiên đầu tư vào những mô hình có ban quản trị tốt, hoạt động kinh doanh hiệu quả và thông tin minh bạch”, tỷ phú Mỹ nói.

Ông cũng tiết lộ là biết được chuỗi ẩm thực trên qua một công ty tư vấn. Sau nhiều lần đàm phán tại Singapore, thấy được hướng đi và tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo hệ thống này ông đã quyết định đầu tư vào đây. Đồng thời, tỷ phú này khẳng định "sẽ rót thêm vốn cho Huy Việt Nam bất cứ thời điểm nào nếu họ cần".

Về phía chủ nhà hàng món Huế, ông Huy Nhật cho rằng, chuỗi ẩm thực của ông ngoài nhận được vốn đầu tư của Franklin Templeton, còn có sự góp vốn của 4 nhà đầu tư khác đến từ Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)… Hiện tại, chuỗi này bao gồm 3 thương hiệu: Món Huế, Cơm Express và Phở ông Hùng.

“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ mở rộng hệ thống này ở các thành phố lớn, đồng thời hướng tới IPO để lên sàn chứng khoán trong tương lai”, ông Huy Nhật nói.

Trước KAfe Group và Huy Việt Nam, Golden Gate - gồm chuỗi nhà hàng Kichi Kichi, Sumo BBQ, Ashima, Vuvuzela… mở đầu cho việc đón nhận luồng vốn đầu tư vào lĩnh vực ẩm thực với 2,6 triệu USD từ Quỹ Mekong Capital năm 2009. Tiếp đó, Quỹ Standard Chartered Private Equity, thuộc Ngân hàng Standard Chartered, đã chi 35 triệu USD để mua lại số cổ phần này.

Mặc dù không tiết lộ số tiền lãi cụ thể, nhưng phía Mekong Capital cho biết đợt thoái vốn mới đây ước tính mang lại cho họ suất sinh lời nội tại gộp lên đến trên 40%.

Bên cạnh việc mua cổ phần của các công ty Việt, thị trường ẩm thực liên tục đón nhiều thương hiệu lớn nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam mở các chuỗi nhà hàng như: Tokyo Deli, Coca Suki, Sakura, Oshima...

Công nhận sức hấp dẫn của chuỗi ẩm thực, một chuyên gia kinh tế ở TP HCM cho rằng đây là xu hướng của mô hình kinh doanh hiện đại. Đặc biệt, chuỗi ẩm thực dường như ít chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế vì chúng đáp ứng nhu cầu không thể thiếu của cuộc sống. Cho nên, ngành này luôn được các quỹ đầu tư săn đón.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Thanh Năm - Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn & hỗ trợ chiến lược Win-Win cho rằng, ẩm thực vốn dĩ đã có sức hấp dẫn và rõ ràng lợi nhuận có được từ mô hình này luôn chiếm tỷ lệ cao. Trong ngành ẩm thực, trung bình chi phí cho sản phẩm chỉ khoảng 40-50%, còn lợi nhuận gộp thì cực kỳ lớn, lên tới 50%.

Tuy nhiên, theo ông Năm để thành công với mô hình này không hề dễ dàng. Các quán ăn muốn thành công trước hết phải tạo ra nét độc đáo riêng và luôn đổi mới. Riêng đối với mô hình chuỗi, để nhân rộng mô hình thì đòi hỏi chủ đầu tư phải có nguồn vốn lớn.

Theo các đơn vị kinh doanh chuỗi ẩm thực, vốn đầu tư ban đầu cho mô hình này  khá cao. Trước đó, ông Huy Nhật cho biết hệ thống nhà hàng của ông có vốn kinh doanh 700 - 800 tỷ đồng. Còn chuỗi nhà hàng KAfe số vốn ban đầu cũng lên tới 5 tỷ đồng.

"Bên cạnh nguồn vốn, mặt bằng phải phù hợp với phân khúc khách hàng, chất lượng sản phẩm đồng đều là những yếu tố then chốt cần lưu ý trong mô hình kinh doanh chuỗi", ông Năm nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng, để duy trì được mô hình này, các đơn vị phải có ngũ quản lý điều hành tốt, chiến lược kinh doanh bài bản. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy quyết định rót vốn của các quỹ ngoại, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; nhận được các kinh nghiệm quản trị hàng đầu thế giới.

Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, ông Năm cho rằng, thành công trong việc gọi vốn mới chỉ là bước đệm cho mô hình chuỗi phát triển. Và nếu không chặt chẽ trong các kế hoạch đầu tư, triển khai các ý tưởng của mình một cách hiệu quả thì nguy cơ mất vốn là khó tránh khỏi.

Các tin khác