Thì ra ông có cái điện thoại cũ con cho để alo, nên không có đủ chức năng như mấy cái hiện đại, mà dù ông có sở hữu cái smartphone đời mới cũng chịu thua khi thực hiện quy trình 6 bước của Viettel.
Chuyện này thực ra không lạ, mọi người đi đâu cũng gặp người cao tuổi dở khóc dở mếu với cái xã hội số. Ra sân bay đòi hỏi quét mã QR, vào cửa hàng, ngân hàng cũng quét QR, ra bến xe phải mua vé xe khách điện tử, trả tiền điện, nước, tivi qua phần mềm của chủ dịch vụ. Rồi nhiều cửa hàng không nhận tiền mặt, khách hàng phải trả tiền qua các ví điện tử như Momo, Zalo Pay, Vimo, VTC pay, VnMart… Với người trẻ là chuyện nhỏ, nhưng với người cao tuổi, người nghèo, đúng là đánh đố.
Gần đây nhất, điện lực TPHCM ra thông báo kể từ ngày 1-8 sẽ ngừng nhắn tin SMS và chuyển sang hình thức nhắn tin qua ứng dụng điện tử như email/Zalo/ứng dụng (app) EVNHCMC CSKH.
Theo đó, khách hàng sử dụng điện tại TPHCM cần cài đặt app EVNHCMC CSKH và theo dõi trang EVNHCMC trên Zalo, hoặc đăng ký địa chỉ email với ngành điện. Sau khi đăng ký, khách hàng sử dụng điện sẽ nhận được thông báo về các dịch vụ điện của điện lực TPHCM, như thông báo tiền điện; khảo sát dịch vụ; xác nhận thanh toán; thông báo trả tiền điện trễ hạn; phí dịch vụ; mất điện do sự cố; mất điện kế hoạch; thông báo ngừng cấp điện trước 24 giờ; nhắc nợ tiền điện…
Cùng lúc, bên nước, cáp truyền hình, internet cũng có các bước đi tương tự.
Vẫn biết chuyển đổi số (CĐS) là bước đi cần thiết của xã hội trong thời đại 4.0. Nước ta đang tiến hành nhanh chóng CĐS ở hầu hết lĩnh vực như quản lý hành chính, hàng không, bưu chính, y tế, thương mại, giao thông vận tải, các dịch vụ công với mục tiêu chuyển từ xã hội thực hiện dịch vụ thủ công hay bán thủ công sang xã hội số, tiến hành phủ kín toàn bộ xã hội bằng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa.
Mục tiêu nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm nhân lực lao động chân tay, giảm chi phí trên mỗi đầu sản phẩm và quản lý xã hội thông qua việc “chạm và bấm”.
Ai cũng nhận thấy lợi ích của việc số hóa, nhưng trong thực tế có một bộ phận bị rớt ra ngoài, không sao tiếp cận được, cho dù nhà chức trách và nhà cung cấp dịch vụ nói rằng chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh hay máy tính và kỹ năng sử dụng là được. Nói thì đơn giản, nhưng đâu phải ai cũng có tiền để có được smartphone và đủ kỹ năng để vuốt, chạm. Người già khi nhớ khi quên, đếm từng tờ tiền mặt còn được chứ lướt trên màn hình là lúng túng, ra bến tàu, bến xe, sân bay loay hoay không làm được.
Ngay chuyện TPHCM triển khai 552 dịch vụ công trực tuyến hầu hết người già bị loại ra ngoài ngay từ “vòng gửi xe”, những người tiếp cận được là nhờ con cháu giúp.
Năm 2013, khi Singapore khởi động chương trình xây dựng “Quốc gia thông minh”, Thủ tướng Lý Hiển Long đã chi cho mỗi người cao tuổi 600SGD giúp họ đi học công nghệ thông tin ở mức đủ biết để sử dụng các thiết bị. Chính sách này được duy trì đều đặn hàng năm. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia luôn duy trì 1 cửa dành ở ga tàu điện ngầm, bến xe, cảng hàng không cho người không có khả năng sử dụng các loại thẻ thông minh.
Ở các ngân hàng, nhà hàng, khách sạn luôn có sẵn những nhân viên hỗ trợ người cao tuổi thực hiện các thao tác liên quan đến tài chính, thiết bị kỹ thuật. Ngay ở Trung Quốc là nơi tăng tốc việc xã hội không tiền mặt, nhưng nếu ai đó thanh toán bằng tiền mặt vẫn được chấp nhận.
Ở các khu chung cư của Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc thường có các sinh viên tình nguyện đến những căn hộ có người cao tuổi không có con cháu để giúp đỡ, trong đó có những hoạt động liên quan đến việc CĐS.
Ở Hà Nội mấy tháng gần đây, bắt đầu có vài nhóm thanh niên tự nguyện đến chợ gặp bà con tiểu thương ở các sạp hướng dẫn tải app nộp thuế. Ở Bình Dương, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ cũng đến cửa ra vào khu công nghiệp Mỹ Phước để hướng dẫn công nhân cài đặt ứng dụng bluezone. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có phường hay tổ chức nào hướng dẫn người già trên địa bàn về lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, hình như các nhà sản xuất có xu hướng làm cho điện thoại di động tích hợp nhiều chức năng hơn, hay thiết kế các phần mềm trở nên hiện đại hơn. Các bạn trẻ coi đó là hấp dẫn và thử thách, nhưng quả thật với người già đó là nỗi sợ hãi.
Các nhà sản xuất làm sao chế tạo ra sản phẩm đơn giản nhất, chỉ cần “một chạm” mới hấp dẫn được người cao tuổi, nếu không sẽ mất đi một lượng khách hàng rất lớn, hiện nay là 12% dân số toàn quốc, 17% ở các thành phố là người già và 25% dân số toàn quốc sẽ già hóa vào năm 2045. Không lâu nữa, bắt đầu từ 2035 Việt Nam chính thức bước vào xã hội già với tốc độ cực kỳ nhanh, như người ta nói “Chưa kịp giàu đã già, chưa kịp hưởng thụ đã ra ngoài lề”.
Ở TPHCM, có công ty chuyên nhập khẩu các loại khóa hiện đại nhất thế giới dùng cho các chung cư cao cấp, người sử dụng mở khóa bằng đồng tử mắt, vân tay, giọng nói, sóng âm, tia cảm biến, dãy mã số… Nhưng rồi bà giám đốc nói rất hay, điều hợp nhất với người già độc thân hay 2 ông bà lại là khóa chìa truyền thống. Bởi có nhiều cụ bị nhốt trong nhà hay lang thang ngoài hành lang vì những công nghệ hiện đại gây ra.
Do vậy, CĐS là điều cần thiết, nhưng cũng dành phần quan tâm đến những người khó hội nhập, khó tiếp cận những cái phi truyền thống. Nếu không hoặc xã hội vô tình sẽ loại họ ra ngoài lề, hoặc họ tự mình đứng ra một góc.
Khi được hỏi tại sao công ty biết thay khóa điện tử bằng khóa cơ là mất đi một phần lợi nhuận, bà giám đốc nói: “Trẻ em là tương lai nhân loại, còn tuổi già là tương lai mỗi người. Rồi ai cũng già, cũng quên, cũng lẩm cẩm, ngay những thế hệ trẻ hôm nay thuần thục công nghệ thông tin, 20 năm sau cũng có thể lạc hậu vì tốc độ sáng tạo của công nghệ luôn nhanh hơn sự thích nghi của tuổi tác”.
Cách hành xử đó chính là góc nhân văn trong thời đại CĐS.