Thế nhưng, nhìn rộng ra, dường như vẫn còn nhiều lĩnh vực “nóng” gắn chặt với cuộc sống người dân, doanh nghiệp vẫn chưa chuyển đổi số… “tới nơi tới chốn”. Hầu hết địa phương và không ít bộ ngành đã tuyên bố công khai quy hoạch, công khai các thủ tục về đất đai, xây dựng…, nhưng khi lên mạng tra cứu, ở nhiều địa bàn, người dân chỉ tìm được các thông tin chung chung, lạc hậu. Thậm chí, hiện đã vào quý cuối của năm 2022 nhưng trên nhiều cổng thông tin quy hoạch vẫn hiển hiện số liệu của những năm 2015-2017…
Đành rằng, các đồ án quy hoạch thường có “tuổi đời” 3-5 năm, thậm chí hơn, tùy vào đó là quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu, hay quy hoạch chung, nhưng trong quá trình thực thi quy hoạch, nhiều địa phương đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch và những điều chỉnh này rất ít khi được cập nhật trên cổng thông tin.
Đáng nói hơn, có nhiều lĩnh vực mà Chính phủ đã yêu cầu phải sớm có lộ trình chuyển đổi số, đưa công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành các công trình xây dựng có vốn đầu tư công…, nhưng đến nay mới nằm trong “kế hoạch tương lai” của nhiều bộ, ngành.
Đơn cử, quản lý dự án theo mô hình BIM (Building Information Modeling) đã phổ biến trên thế giới và ngày 22-12-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình với lộ trình từ năm 2018-2020, triển khai thí điểm tối thiểu 20 công trình xây dựng mới có sử dụng vốn nhà nước; từ năm 2021 tổng kết và Bộ Xây dựng ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể để áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng.
Ấy vậy mà cho đến nay, việc áp dụng BIM còn rất hạn chế, chủ yếu được thực hiện ở các công trình có vốn ngoài ngân sách, trong khi hiệu quả áp dụng BIM đã chứng minh giúp quản lý công trình hiệu quả hơn so với hệ thống quản lý cũ từ 10%-20%.
Không phủ nhận những thành tựu về chuyển đổi số mà nhiều ngành và địa phương đã thực hiện được. Vậy nhưng, vẫn rất mong chuyển đổi số sẽ sớm được thực hiện rộng và sâu vào những lĩnh vực “nóng” mà người dân, doanh nghiệp quan tâm.
Có như thế, chúng ta mới đạt được mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống và làm việc của người dân hướng tới phát triển bền vững.