Bên cạnh đó, xã hội số đang hình thành với những công dân ‘thế hệ số’ - những người tiếp nhận thông tin và tương tác đa chiều, tự tạo nội dung trên nền tảng kỹ thuật số để thực hiện chức năng tham gia các hoạt động chính trị xã hội. Công chúng “thế hệ số” đòi hỏi báo chí và quản lý báo chí định vị lại chiến lược phát triển trong tương lai.
Kinh tế báo chí trong môi trường số
Sự xuất hiện của công nghệ mới - công nghệ số đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc vận hành, sản xuất và phân phối tin tức của nhiều cơ quan báo chí. AI đã được sử dụng để phát hiện tin nóng, thẩm định thông tin, tương tác với độc giả, kiểm duyệt comment, sản xuất video, và cả viết tin, bài tự động.
Nhiều tòa soạn và hãng tin lớn như AP, AFP, Reuters, USA Today, Washington Post, BBC… sử dụng Robot thay thế phóng viên trong việc sản xuất sản phẩm truyền thông, đã đạt kết quả nhanh chóng, chuẩn xác và năng suất hơn số lượng tin tức do phóng viên thực hiện cả chục lần.
Năm 2021, Thomson Reuters, chủ sở hữu Hãng thông tấn Reuters, còn đề ra chiến lược chuyển đổi từ một nhà cung cấp nội dung sang công ty công nghệ lấy nội dung làm trung tâm, theo đó cắt giảm 600 triệu USD chi phí vận hành để đầu tư cho AI và máy học.
Nhiều báo điện tử tại Việt Nam như VOVLive, VnExpress, TTXVN, ZingNews, Dân trí hay Lao Động đã bắt đầu áp dụng AI, tuy mới dừng lại ở mức phiên bản báo nói.
Mặc dù AI và nhà báo Robot đang thay thế một phần công việc của nhà báo, khiến không ít người cảnh báo về sự cạnh tranh vị trí việc làm của các phóng viên báo chí trong tương lai. Nhưng thực chất, vấn đề bức xúc nhất về kinh tế báo chí của các tòa soạn hiện nay lại đến từ áp lực cạnh tranh với các phương tiện truyền thông mới.
Những tập đoàn công nghệ xuyên quốc gia (big tech) như Facebook và Google… vẫn độc quyền thâu tóm doanh thu quảng cáo, khiến báo chí thế giới lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Đại dịch Covid-19 làm cho báo chí với mô hình kinh doanh phụ thuộc quá nhiều vào quảng cáo càng thêm thiệt hại nặng nề.
Theo báo cáo năm 2020, doanh thu nhiều cơ quan báo chí giảm 70% so với năm 2019. Riêng khối truyền hình, phát thanh, doanh thu chỉ đạt gần 9.500 tỷ đồng, và chủ yếu đến từ các hợp đồng truyền thông, quảng cáo trên 5.700 tỷ đồng, giảm 4% so với 2019.
Nhiều tờ báo, vào thời hoàng kim, mỗi ngày xuất bản 20-30 trang quảng cáo, thậm chí nhiều hơn số trang nội dung. Nhưng chục năm gần đây, số trang quảng cáo trên báo in giảm mạnh, chỉ còn 4-8 trang, thậm chí chỉ có 2 trang, trong đó chủ yếu là rao vặt, bố cáo thành lập công ty, thay đổi trụ sở…
Thị trường quảng cáo đang phát triển theo hướng bất cân xứng về quyền lực với cán cân nghiêng về phía nền tảng số, khiến báo chí bị suy giảm nguồn thu, nhiều tờ báo có nguy cơ giải thể hoặc thu hẹp quy mô, số khác xoay xở bằng các nguồn thu khác ngoài mặt báo như tổ chức sự kiện, sản xuất nội dung cho Google, Facebook…
Để có nguồn thu trước mắt, không ít cơ quan báo chí chọn giải pháp “giật tít câu view” hay đăng tải các thông tin ‘sốc, sex, sến’. Bên cạnh đó, thúc ép doanh nghiệp quảng cáo trở thành chủ trương của nhiều tòa soạn khiến môi trường kinh doanh, đầu tư trở nên méo mó.
Hơn nữa, bị mắc kẹt trong các hợp đồng “hợp tác truyền thông”, báo chí khó lòng phanh phui các vụ việc tiêu cực liên quan đến đơn vị/doanh nghiệp, đã đánh mất dần niềm tin của công chúng.
Cho đến nay, mới có VietnamPlus, tạp chí điện tử Ngày nay và VietnamNet tiên phong ứng dụng thu phí đọc báo online, chặng đường trước mắt vẫn còn đầy khó khăn, thách thức.
Thông tin là một trong những “nhu yếu phẩm” không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Công chúng cần rất nhiều loại thông tin, từ chính trị, kinh tế, xã hội, đến văn hoá giải trí... Nhiều nước phát triển đã đầu tư lớn để ngành công nghiệp báo chí truyền thông trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với doanh số hàng năm lên tới cả trăm tỷ USD.
Tuy nhiên, sự khác biệt về môi trường chính trị - xã hội chúng ta không thể bê nguyên xi các lý thuyết của thế giới để áp dụng vào hoạt động kinh tế báo chí ở Việt Nam. Trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc hỗ trợ các cơ quan báo chí về Quản trị tòa soạn điện tử (cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số); Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần.
Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số, Chính phủ cần nghiên cứu tổng thể về kinh tế báo chí trong bối cảnh truyền thông số, đồng thời xây dựng các nền tảng số Việt Nam để không bị lệ thuộc vào các nền tảng số sẵn có của nước ngoài.
Công chúng thế hệ số và sự thích ứng của báo chí
Xã hội số là xã hội thông tin hoá, trong đó thông tin trở thành 1 trong 5 nguồn lực quan trọng bên cạnh nhân lực, nguyên liệu, kỹ thuật và vốn. Số lượng thông tin và tốc độ truyền tải thông tin biểu thị sức mạnh của một quốc gia, và phát triển xã hội thông tin là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại.
Mạng lưới thông tin dần vượt qua quyền lực của từng nhà nước riêng lẻ để tạo ra những sức mạnh mang tính khu vực và siêu quốc gia.
Truyền thông số phát triển mạnh trên toàn thế giới bất kể cơ cấu chính phủ, trình độ truy cập Internet và sự khác biệt về văn hóa. Sự tham gia, được đo bằng số thời gian trung bình mỗi người sử dụng tiêu tốn trên các mạng xã hội hàng ngày, ngày càng tăng.
Ngoài ra, còn có sự thay đổi dễ nhận diện đang diễn ra trong thói quen sử dụng truyền thông trên toàn thế giới: truyền thông đại chúng đang dần trở nên xã hội hóa, và lớp công chúng mới đang hình thành - lớp công chúng “thế hệ số”.
Công dân số không chỉ là người thụ động tiếp nhận thông tin, tra cứu thông tin, đối thoại tương tác đa chiều, còn là người tham gia, là nhà báo, biên tập viên, nhà sản xuất sáng tạo để chia sẻ ý kiến, quan điểm, tạo nên sự phong phú về nội dung, kiến thức và thông tin trên nền tảng kỹ thuật số, khẳng định bản thân và tham gia các hoạt động chính trị xã hội.
Mạng xã hội toàn cầu đã chứng minh thế mạnh trong những sự kiện cần sự kết nối hay truyền tải thông tin mạnh mẽ, nhanh nhạy như phong trào “Chiếm giữ phố Wall”, hay cuộc cách mạng ô dù ở Hongkong.
Mạng xã hội còn tạo tác động, dẫn đến nhiều biến động chính trị - xã hội to lớn, sâu sắc tại một số "điểm nóng" trên thế giới như "Cách mạng hoa nhài" ở Bắc Phi và Trung Đông - hậu quả là Tổng thống Tunisia và Ai Cập bị lật đổ, nhà lãnh đạo Gadhafi của Lybia bị phế truất và bị giết một cách thảm khốc; hay nội chiến, bất ổn kéo dài ở Syria và Yemen…
Nếu việc tìm kiếm thông tin được coi là vấn đề quan trọng nhất của thế kỷ 20, thì vấn đề quan trọng nhất trong truyền thông thế kỷ 21 là cách thức, phương thức chia sẻ thông tin. Năm 1987, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh viết loạt bài “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân dân, ký tên N.V.L., với mục đích sử dụng sức mạnh của báo chí, sử dụng sức mạnh của dư luận xã hội, để thúc đẩy các cơ quan công quyền thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ của mình.
Năm 2015, một nhà báo có uy tín, và là lãnh đạo một cơ quan truyền thông lớn, lấy danh nghĩa công dân, đăng trên trang Facebook thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP chất vấn về Đề án loại bỏ 6700 cây xanh trên 190 tuyến phố Hà Nội. Sự việc bùng nổ trên cả mạng xã hội và báo chí, cuối cùng, trước áp lực của dư luận xã hội, Chủ tịch UBND Hà Nội quyết định dừng việc chặt hạ cây, tạm đình chỉ công tác và kỷ luật các cán bộ, công chức liên quan, trong đó, có cán bộ bị buộc thôi việc…
Trong vụ việc Formosa Hà Tĩnh xả thải ra môi trường biển khiến cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, đã có 217.000 bài viết và thảo luận, gần 4 triệu lượt like và 310.147 lượt share (chia sẻ) trên mạng.
Tại thời điểm Quốc hội họp thảo luận về Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế và Luật An ninh mạng, nhiều ý kiến trái chiều được thể hiện trên mạng xã hội Facebook. Cuối cùng, Chính phủ thống nhất chưa đề xuất các Dự luật về hội, Luật biểu tình, Luật Đặc khu vào chương trình xây dựng luật năm 2020 và cả năm 2021.
Quản lý báo chí và quản trị truyền thông để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh, đang là yêu cầu cần thiết và có tính cấp bách trong bối cảnh toàn cầu hóa và kỷ nguyên kỹ thuật số.
Chuyển đổi số thành công, để có một xã hội số và một nền kinh tế số phát triển bền vững, cần giải quyết trọn vẹn 3 khâu: thể chế, nền tảng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, nhưng trên hết, là một nền truyền thông số công bằng, cân bằng, dân chủ, nhân văn.