Nguồn lực đã có, cần đồng bộ, thống nhất giải pháp thực thi
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia chia sẻ, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, các địa phương bắt tay vào thực hiện. Đây là chương trình rất quan trọng và phụ thuộc rất lớn vào quá trình thực thi của chúng ta.
Trong bối cảnh đó, TS. Cấn Văn Lực đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Trong kịch bản tích cực, gói hỗ trợ được giải ngân hết trong 2 năm, Việt Nam sẽ hoàn toàn đạt được tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2022 và năm tiếp theo cao hơn, đạt khoảng 7%.
Ở kịch bản tiêu cực hơn, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 70%, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5-5,5% năm 2022 và đạt 6% năm 2023.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Việt Nam đã bắt đầu có tâm thế hoàn toàn mới trong công cuộc phục hồi và chống đại dịch Covid-19. Đó là từ tâm thế của cuộc chiến loại trừ Covid-19 bước sang tâm thế sống chung với dịch và đến nay là vượt qua dịch Covid-19. Hiện tại với chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế được đề ra, TS. Lộc đã đề xuất 5 giải pháp quan trọng có ý nghĩa dẫn dắt cả nước và TPHCM vượt lên đại dịch.
Giải pháp thứ nhất là mở cửa theo nghĩa rộng nhất, đỉnh cao là mở cửa kinh tế quốc tế, mở lại đường bay quốc tế, không hạn chế về tần suất khai thác của các hãng hàng không miễn là có nhu cầu của thị trường.
Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc và quan tâm đến đối tượng yếu thế trước biến động của kinh tế.
Thứ ba, duy trì sinh kế bằng cách thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có động lực phục hồi nền kinh tế.
Thứ tư, nâng cấp hạ tầng thông qua đẩy mạnh hàng loạt dự án đầu tư công để thúc đẩy phát triển tăng trưởng trong ngắn hạn, tạo đà cho phát triển dài hạn.
Thứ năm là tăng cường thể chế.
TS. Vũ Tiến Lộc nhận định, gói hỗ trợ quy mô 350.000 tỷ đồng chính là chất kích hoạt cho 5 giải pháp nêu trên. Nhưng điều quan trọng là phải thực hiện các giải pháp minh bạch, hiệu quả.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng đồng tình với các giải pháp nói trên cũng nhấn mạnh, để thực hiện các giải pháp này rất cần tính đồng bộ nhưng đây cũng chính là điều khó, đặc biệt là khó đối với Việt Nam do tính cục bộ, lợi ích…
Vì vậy, vấn đề hiện nay là làm sao xử lý được gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng một cách thống nhất: thống nhất về nhận thức đối với dịch bệnh, đối với phương pháp ứng phó dịch bệnh, với các yêu cầu sống còn và thống nhất ở cách triển khai, hành động.
“Nhiều người cho rằng nền kinh tế không đủ khả năng hấp thụ. Nhưng, thế nào là không hấp thụ được? Do DN yếu hay các đường dẫn nguồn lực không tới được DN? Đây là vấn đề phải phân biệt rõ để có giải pháp tháo gỡ, cụ thể là cần phải tháo gỡ thể chế để tạo ra sự đồng bộ trong việc lưu thông các nguồn lực. Một điểm nữa cũng được vị chuyên gia này nhấn mạnh là sự ráo riết của Chính phủ trong cách tổ chức thực thi là vô cùng quan trọng. Nếu cứ duy trì lợi ích ngành, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ ở các địa phương sẽ rất khó để hiệu quả” - TS. Trần Đình Thiên đặt vấn đề.
Đồng thời, TS. Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh, để hấp thụ gói hỗ trợ tốt cũng cần phải xác định tọa độ ưu tiên. Như TPHCM phải là tọa độ ưu tiên. TPHCM đang trở lại chinh phục ngôi vị quán quân, là nỗ lực của TP tạo ra, vì vậy nếu tập trung ưu tiên sẽ tạo sự lan tỏa cho lưu thông nguồn lực.
TPHCM nỗ lực khôi phục kinh tế, tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế
Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, trước đây khi tất cả đang đóng cửa, TP đã lấy ý kiến chuyên gia để xây dựng chương trình khôi phục. Điều này cho thấy TPHCM chưa bao giờ "tê liệt". Từ 1-10-2021, Chính phủ đã chuyển hướng từ "zero Covid" sang thích ứng, sống chung với dịch. Đây được coi là sự tiếp sức quan trọng cho TPHCM để tự tin xây dựng chương trình hồi phục này.
Dẫu vậy, TPHCM là nơi "đứt gãy" nặng nề nhất nên giải pháp cho TP phải mạnh hơn giải pháp chung mới đủ sức phục hồi. Ở đây không chỉ đặt vấn đề phục hồi nguyên trạng mà còn phải tận dụng thời cơ để tái cơ cấu, đột phá cao hơn, giải quyết những bất cập bộc lộ rõ do tác động của đại dịch về cơ cấu kinh tế, dân cư, môi trường sống… Nhìn một cách tổng quan, TS. Trần Du Lịch cho rằng, với Nghị quyết 11 và việc thông qua 1 luật sửa 9 luật, TPHCM sẽ đi từ suy giảm kinh tế 6,74% lên mức tăng trưởng 6,5%.
Đề án xây dựng TTTC quốc tế sẽ được các bộ, ngành góp ý, nhà tư vấn Mỹ cũng đã nghiên cứu kỹ và có tính khả thi rất cao. Nếu được thông qua, theo những cam kết bước đầu từ phía nhà đầu tư Mỹ, trước mắt họ sẽ đồng ý rót vốn khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó 4 tỷ USD ở Đà Nẵng và 6 tỷ USD ở TPHCM. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, |
Theo thông tin từ ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TPHCM, hiện nhiều giải pháp khôi phục kinh tế TP như đầu tư xã hội, kích cầu, hỗ trợ lao động, nâng cao năng lực y tế cơ sở đã được triển khai để nắm bắt cơ hội phục hồi.
Ngoài ra, TP đang triển khai một trong những nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là đưa TP thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế của Việt Nam. Chủ tịch UBND TPHCM đã ký bản ghi nhớ với tập đoàn Liên Thái Bình Dương để giúp TP nghiên cứu cụ thể hoá cơ chế chính sách để phát triển TTTC. Mục đích của bản ghi nhớ là sẽ thu hút được những tập đoàn, nhà đầu tư có năng lực thật sự đầu tư vào TPHCM.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính TPHCM (HFIC) chia sẻ, với đề án xây dựng TPHCM trở thành TTTC quốc tế của Việt Nam đặt tại TPHCM, lãnh đạo TP xác định đây là một trong những nhiệm vụ của TP đóng góp vào kinh tế đất nước cũng như tiến trình hồi phục chung.
Dẫu vậy một số chuyên gia cũng nhìn thẳng vào vấn đề, việc xây dựng TTTC quốc tế tại TPHCM là cần thiết nhưng nhìn ở góc độ xin cơ chế đặc thù cho riêng TP là rất khó. Mô hình TTTC quốc tế cũng cần phải cạnh tranh không chỉ vượt trội mà còn phải khác biệt, làm sao cạnh tranh được với khu vực và quốc tế, vài chục năm nữa cũng vẫn hiệu quả. Vì vậy, cần truyền thông, thông tin cụ thể để làm rõ để cùng phát triển vì tương lai của cả nước.