Phục hồi nền kinh tế: Hành động quyết liệt, không bỏ lỡ các cơ hội

(ĐTTCO) - Trong cuộc trò chuyện đầu Xuân Nhâm Dần với ĐTTC, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, nhấn mạnh thời gian, vận hội không chờ đợi ai, chúng ta phải hành động ngay, mạnh mẽ và quyết liệt để không bỏ lỡ các cơ hội, dù là nhỏ nhất. Chúng ta phải phục hồi hiệu quả, phát triển bứt phá để không tụt hậu. 
PHÓNG VIÊN: - Thưa Bộ trưởng, trong kế hoạch phục hồi nền kinh tế năm 2022, vai trò của Bộ KH-ĐT rất quan trọng trong việc điều phối làm sao để triển khai kế hoạch này mang lại hiệu quả. Bộ đã triển khai những giải pháp gì?
Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG: - 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng. Sự hồi phục và phát triển bứt phá của năm 2022 chính là nền tảng, tạo đà thuận lợi cho cả chặng đường phát triển sắp tới của đất nước.
Cụ thể là kế hoạch 5 năm (2021-2025), chiến lược 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045.
Phục hồi nền kinh tế: Hành động quyết liệt, không bỏ lỡ các cơ hội ảnh 1
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của năm 2022, trên cơ sở tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, với phương châm “Phục hồi hiệu quả, phát triển bền vững”, Bộ KH-ĐT đã triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022), với tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo, đổi mới, linh hoạt và hành động quyết liệt, tạo tiền đề vững chắc cho cả giai đoạn 2021-2025.
Tại Nghị quyết số 11/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ, Bộ KH-ĐT đã được giao rất nhiều nhiệm vụ cùng với các bộ, ngành, địa phương liên quan khác, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đã được Quốc hội thông qua.
Trong đó, tôi cho rằng nhiệm vụ khó nhất, nặng nề nhất và quan trọng nhất mà Bộ KH-ĐT gánh vác đó là nhiệm vụ điều phối, khâu nối tổng hợp các giải pháp của Chương trình, để hướng tới nâng cao hiệu quả một cách thực chất nhất các chính sách, giải pháp đã đề ra để phục hồi và phát triển nền kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Với tầm nhìn dài hạn và bao trùm trong các quyết sách chỉ đạo, điều hành đất nước, những thách thức của đại dịch sẽ sớm lùi lại phía sau và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam vươn lên, đạt các mục tiêu 5 năm, 10 năm tới rất lớn.
Tôi có niềm tin chắc chắn vào sự phục hồi mạnh mẽ hơn của kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Nền kinh tế sẽ nhanh chóng quay lại quỹ đạo phát triển.
Phục hồi nền kinh tế: Hành động quyết liệt, không bỏ lỡ các cơ hội ảnh 2 Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
- Vậy chúng ta cần làm gì để thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thưa ông?
- Năm 2022 chúng ta phải tập trung tâm sức, nguồn lực, thời gian để phòng chống hiệu quả dịch Covid-19. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Cùng với đó tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp (DN) sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện, nguồn lực phòng chống dịch.
Đây là các nhiệm vụ luôn song hành và thực hiện quyết liệt, chính xác, kịp thời. Theo đó, năm 2022, chúng ta cần tận dụng các hiệp định thương mại tư do (FTA) đã ký kết; tận dụng thời kỳ dân số vàng, cấu trúc lại trật tự thương mại và dịch chuyển vốn đầu tư quốc tế… 
2022 cũng là năm khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phát triển nhanh sản xuất - kinh doanh, nhất là trong những ngành, lĩnh vực quan trọng; khôi phục các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Trong đó, phải lưu tâm khâu tổ chức thực hiện; mục tiêu, định hướng đề ra phải được chuyển hóa thành các giải pháp, hành động, danh mục nhiệm vụ, đề án, dự án cụ thể, có cơ quan đầu mối chủ trì, dự kiến thời gian thực hiện, kết quả, sản phẩm cụ thể, rõ ràng. Quá trình thực hiện phải đồng bộ, nhanh, hiệu quả, phát huy vai trò chủ động và trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì với nhiệm vụ được giao. 
Chúng ta cũng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình hạ tầng quan trọng, huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển, phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, khơi thông các điểm nghẽn, kích thích mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội, nhất là hợp tác công tư; tiếp tục tập trung cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN; đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho DN…
Cùng với đó thúc đẩy các hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, phát huy vai trò mạng lưới đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Trong đó, chú trọng, quan tâm hơn đến DNNVV, là lực lượng chiếm đa số hệ thống DN Việt và là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế; thúc đẩy hình thành và tăng cường liên kết giữa các DNNVV, giữa DNNVV với DN FDI và DN lớn trong nước tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện hiệu quả.
- Dù gặp nhiều bất lợi, năm 2021 Việt Nam vẫn thu hút được 31,15 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 9,2% so với 2020; giải ngân các dự án FDI đạt 19,74 tỷ USD, tương đương những năm trước. Nhờ đâu chúng ta có được kết quả này và Bộ trưởng dự báo ra sao về năm 2022?
- Nguyên nhân quan trọng nhất là các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào sự ổn định, bền vững và tiềm năng phát triển dài hạn của nền kinh tế Việt Nam, nhìn thấy cơ hội phát triển tại Việt Nam.
Có những lúc chúng ta đã lo ngại về việc dòng chảy vốn FDI sẽ suy giảm. Nhưng bằng các giải pháp tổng thể, vừa chống dịch, vừa khôi phục nền kinh tế, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, chúng ta đã có thêm 1 năm thu hút FDI thành công.
Điều đáng mừng, năm qua thu hút vốn FDI thành công không chỉ về lượng, mà có sự thay đổi về chất khi có thêm nhiều dự án tỷ USD, như dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) có tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD; Nhà máy điện Ô Môn II (Nhật Bản) có tổng vốn đăng ký 1,31 tỷ USD; dự án tăng vốn của LG Display Hải Phòng với tổng vốn tăng thêm 2,15 tỷ USD... 
Trên nền tảng thành công của năm 2021, tôi tin rằng năm 2022 và các năm tiếp theo, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chọn Việt Nam, không chỉ vì những lợi thế vốn có của nền kinh tế, còn bởi các cơ chế, chính sách mới của Việt Nam trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài đã bắt kịp xu hướng phát triển cũng như có tính cạnh tranh quốc tế.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.
 2022 là năm khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nếu chúng ta cứ loay hoay dừng lại quá lâu trước rào cản, thách thức sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển. 

Các tin khác