Không nhất thiết HKD phải lên DN
Dự thảo luật đã bổ sung 1 chương về HKD, với nội dung và nguyên tắc cơ bản được thể hiện qua một số điểm. Thứ nhất, tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của HKD là hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH, CTCP; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính HKD phải chuyển thành DN hoặc xóa bỏ hình thức HKD.
Về bản chất, HKD chính là DN. Vấn đề là có giải pháp thúc đẩy HKD áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để dần lớn lên thành DN. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI |
Thứ hai, quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của HKD phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự (HKD do 1 cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký); bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với HKD (chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện).
Thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng HKD là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, cần được khẳng định về địa vị pháp lý và luật hóa các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho HKD phát triển; nâng cao năng lực quản trị, thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng với các chủ thể khác.
Cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường...) của HKD; quy định về tạm ngừng, chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký HKD; quy định về quản trị, kế toán, theo hướng đơn giản, thuận lợi thủ tục hành chính nhằm bảo đảm vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của HKD, vừa tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch với DN.
Để khuyến khích HKD chuyển đổi thành DN, bảo đảm quản lý việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm... Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, bổ sung quy định chặt chẽ nghĩa vụ của HKD; rà soát phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV trong việc chuyển đổi HKD thành DN.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi vì sao HKD không thích lên DN, và cho rằng trước khi luật hóa quy định về HKD cần phải trả lời câu hỏi này. Ông Phúc nhận định, trở thành DN “thuế má rất phức tạp, HKD làm gì có kế toán”, kinh doanh đơn giản, lên DN “tiếp thanh, kiểm tra cũng chết”. Theo ông, nếu dự luật đưa HKD vào luật đương nhiên coi HKD như DN, phải có đánh giá tác động kỹ.
Không nhất thiết HKD phải lên DN, nhưng phải chuyên nghiệp hóa loại hình DN này. Ảnh: LONG THANH
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đề nghị cân nhắc việc bổ sung HKD vì đặc trưng kinh tế của Việt Nam cần có cơ chế thoáng để phát triển sản xuất kinh doanh, không phải vì HKD thực hiện thuế khoán nay đưa vào để quản lý thuế chặt chẽ hơn. Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, bổ sung quy định về HKD vào dự thảo luật là vấn đề lớn nhưng chưa có sự đánh giá tác động đầy đủ. Vì thế, vấn đề nào đã rõ, đã “chín” mới bổ sung, còn nếu không chỉ sửa những vấn đề bất cập để phát triển DN, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, dễ dàng.
Bỏ rào cản để HKD có động lực lên DN
Bình luận về vấn đề này, LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, cho rằng DN có doanh thu chỉ vài chục hay vài trăm triệu đồng/năm phải thực hiện chế độ sổ sách hóa đơn chứng từ kế toán DN. Trong khi HKD bán buôn, doanh thu có thể hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận hàng chục tỷ đồng, với việc khoán thuế và chế độ kế toán chứng từ hóa đơn hiện nay sẽ “muốn vẽ gì thì vẽ”.
Bình luận về vấn đề này, LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, cho rằng DN có doanh thu chỉ vài chục hay vài trăm triệu đồng/năm phải thực hiện chế độ sổ sách hóa đơn chứng từ kế toán DN. Trong khi HKD bán buôn, doanh thu có thể hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận hàng chục tỷ đồng, với việc khoán thuế và chế độ kế toán chứng từ hóa đơn hiện nay sẽ “muốn vẽ gì thì vẽ”.
Nếu HKD chỉ có 1 chủ, trách nhiệm tương tự như với DN tư nhân. Nhưng nếu HKD là 2 vợ chồng hoặc cả gia đình, phải chịu trách nhiệm vô hạn về toàn bộ tài sản của các thành viên. Có nghĩa rủi ro quá cao trong kinh doanh, có thể mất toàn bộ tài sản, thay vì chỉ mất một phần tài sản (đối với công ty) và toàn bộ tài sản của 1 người (đối với DN tư nhân).
Theo LS. Đức, đến nay có khoảng 1,6 triệu HKD có đăng ký kinh doanh (khoảng 3,4 triệu HKD không đăng ký kinh doanh) và chỉ nhóm này mới đặt ra yêu cầu chuyển đổi thành DN. Vì thế, không phải lựa chọn chuyển hay không chuyển đổi, mà phải thừa nhận HKD có đăng ký kinh doanh, tức đã đạt đến quy mô nhất định là DN, tức thừa nhận 1,6 triệu hộ đang đăng ký kinh doanh là một loại hình DN.
“HKD và DN dù khác nhau vẫn phải có đòi hỏi xuất phát, yêu cầu tối thiểu, tiêu chuẩn nền tảng hay mặt bằng cơ sở. Tuy nhiên, không thể bắt HKD chuyển thành DN phải sống và khó sống như DN siêu nhỏ hiện nay, phải để DN siêu nhỏ dễ sống như HKD. Nếu không nâng được chuẩn HKD lên, buộc phải hạ chuẩn DN siêu nhỏ xuống” - LS. Đức nhận xét.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), gần 5 triệu HKD, chiếm gần 30% GDP nhưng bị loại khỏi Luật DN. Trong khi về bản chất, HKD chính là DN. Vấn đề là có giải pháp thúc đẩy HKD áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để dần lớn lên thành DN.
Theo đó, gỡ bỏ các rào cản về thuế, sổ sách kế toán… để hàng triệu HKD có động lực gia nhập cộng đồng DN tư nhân đủ mạnh. Giải pháp cần làm trong Luật DN (sửa đổi) là giảm tối đa điều kiện hoạt động cho nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các luật thuế và Luật Kế toán thời gian tới; tạo ra cơ chế khuyến khích HKD chuyển đổi thành DN.