![]() |
Nhân dịp năm mới 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết quan trọng - thông điệp đầu năm của người đứng đầu Chính phủ - với tựa đề: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”.
Thông điệp của Thủ tướng nêu ra 5 vấn đề cần phải thực hiện để hoàn thiện, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và 3 vấn đề về tái cơ cấu và mô hình tăng trưởng của nền kinh tế.
Có thể nói đây là sự tiếp ứng hết sức nhanh chóng của Chính phủ đối với Nghị quyết của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - diễn ra những ngày cuối cùng của năm 2011 - bàn về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011-2020.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là nền móng và tiền đề để xây dựng, phát triển đất nước. Có kết cấu hạ tầng tốt mới có thể đảm bảo được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giảm nhẹ thiên tai và bảo đảm an ninh - quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền.
Tuy nhiên, việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phụ thuộc rất nhiều vào tư duy về mô hình phát triển kinh tế và sự vận hành cơ cấu nền kinh tế đó. Nói cách khác, thể chế kinh tế sẽ quyết định cấu trúc của hạ tầng nền kinh tế.
Từ kết cấu hạ tầng kinh tế chủ yếu phục vụ nền nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu, sau khi xóa cơ chế bao cấp, trải qua hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhờ đó, đã huy động được các nguồn lực lớn cho phát triển, bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm và cải thiện đời sống nhân dân, bước đầu xây dựng được hạ tầng cho nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ và khoa học kỹ thuật cao.
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng kịp yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nguyên nhân là do tư duy về phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; đầu tư vẫn dựa vào nguồn ngân sách nhà nước là chủ yếu.
Từ thực tiễn trên, Thủ tướng yêu cầu trong năm 2012 phải tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo quan điểm đã được Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ tư xác định.
Theo đó, thể chế kinh tế thị trường là một chỉnh thể gồm nhiều loại thị trường vận động đồng bộ. Một loại thị trường không phát triển đầy đủ sẽ kìm hãm sự vận động của các thị trường khác, cản trở sự vận động chung. Trong bối cảnh đó, rất dễ dẫn đến sự can thiệp hành chính vào các quá trình kinh tế.
Sự can thiệp này có thể giải quyết những khó khăn trước mắt nhưng chi phí sẽ lớn hơn cơ hội tạo ra và làm sai lệch quá trình phát triển.
Vì thế, yêu cầu tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nhằm tạo điều kiện cho các nguồn lực dịch chuyển trong các ngành và đến các vùng của đất nước theo tín hiệu của thị trường quanh trục lợi nhuận bình quân, bảo đảm sự phát triển hài hòa, cân đối của nền kinh tế.
Thủ tướng khẳng định điều này sẽ kích thích các doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng và sáng tạo công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý mới, tạo lập lợi thế cạnh tranh động để tìm kiếm lợi nhuận vượt trội so với các chủ thể kinh doanh khác, qua đó thúc đẩy sự chuyển dịch tương đối liên tục cơ cấu đầu tư, sản xuất, tạo ra nền kinh tế có khả năng sáng tạo cao với nhiều sản phẩm mới, bảo đảm hiệu quả và sức cạnh tranh.
Một thể chế kinh tế thị trường hiện đại với những đặc điểm nêu trên sẽ tạo điều kiện để đất nước tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong một thế giới toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và cạnh tranh gay gắt. Đây chính là tư duy biện chứng của sự phát triển.
Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ nặng nề và khó khăn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, thậm chí có nguy cơ rơi vào vòng suy thoái mới, đòi hỏi phải có sự nỗ lực vượt bậc của các ngành, các cấp. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò mở đường, tạo cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện, nhưng kết quả phải được phản ánh trên từng cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Vì vậy, doanh nghiệp phải là chủ thể, có vai trò quyết định. Chúng ta có thuận lợi cơ bản là đã tạo được sự thống nhất cao về nhận thức trong cả hệ thống chính trị, có sự quyết tâm cao trong các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Phải chuyển nhận thức, quyết tâm thành hành động và hành động quyết liệt để vượt qua sức ỳ của quá trình khởi động, đặt tiến trình phát triển của đất nước vào quỹ đạo mới - quỹ đạo phát triển bền vững.