Tại Hà Nội, ông Biden đã hội kiến TBT Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo chủ chốt khác để thảo luận các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam.
Tuyên bố của Nhà Trắng viết: “Các nhà lãnh đạo muốn khám phá những cơ hội thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam tập trung vào công nghệ và đổi mới, mở rộng quan hệ 2 nước thông qua trao đổi giáo dục và các chương trình phát triển lực lượng lao động, chống biến đổi khí hậu và tăng cường hòa bình, thịnh vượng và ổn định”.
Trước ông Biden, Việt Nam cũng từng đón tiếp các Tổng thống Mỹ như Barack Obama năm 2017 và Donald Trump năm 2019; cũng như Phó Tổng thống Kamala Harris năm 2021. Đây là những sự kiện nổi bật trong trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước.
Thương mại hai chiều Việt-Mỹ đã vượt 123 tỷ USD vào năm ngoái, đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của đất nước. Hiện Mỹ đứng thứ 11/142 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
'Người bạn của tất cả'
Trước chuyến đi của ông Biden, Viện Hòa bình của Mỹ có bài viết gọi Việt Nam là “người bạn của tất cả”. Theo đó, Việt Nam đã tăng cường quan hệ ngoại giao với các đối tác khác thông qua các bước đi được triển khai cẩn thận. Các đối tác lịch sử Trung Quốc và Nga là những nước đầu tiên được trao mức “đối tác chiến lược toàn diện” ở mức cao nhất lần lượt vào năm 2008 và 2012. Ấn Độ theo sau vào năm 2016.
Việc mở rộng quan hệ đối tác hiện nay không chỉ giới hạn ở Mỹ. Trong năm qua, Việt Nam đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc và chuẩn bị nâng cấp quan hệ với Australia và Singapore – tất cả đều là đồng minh thân cận của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Chuyến thăm Việt Nam của Biden chứng tỏ thế giới không phân chia rõ ràng thành bạn và thù. Có nhiều quốc gia có những khác biệt đáng kể về chính trị với Mỹ vẫn có thể hưởng lợi từ đối thoại, trao đổi và hợp tác an ninh chung.