ĐTTC số ra ngày 2-4 chuyên mục chủ điểm - sự kiện đăng về vấn đề tái cấu trúc hệ thống NH với các bài phân tích của chuyên gia kinh tế TS. Lê Đạt chí và TS. Vũ Thành Tự Anh. Mới đây, một nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng công bố báo cáo về vấn đề này, trong đó, các chuyên gia của CIEM cho rằng cần thành lập một Ủy ban tái cấu trúc hệ thống NH do Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng trực tiếp làm trưởng ban.
Tiên liệu những kịch bản có thể xảy ra
Báo cáo của CIEM đánh giá cao những giải pháp trong Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015, nhưng cũng lưu ý về một số vấn đề liên quan.
Chẳng hạn, một số biện pháp chưa từng có tiền lệ, như Chính phủ xem xét mua lại một số công trình, bất động sản thế chấp vay NH sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được.
![]() |
Theo CIEM, cần thành lập một ủy ban tái cấu trúc hệ thống NH |
Theo CIEM cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra các quy định định giá hợp lý, tránh lãng phí cho ngân sách và phát sinh các hiện tượng tiêu cực trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, việc tăng room sở hữu nước ngoài mặc dù đã được đề cập đến nhưng chưa có những tỷ lệ cụ thể, cũng như lộ trình tăng một cách rõ ràng.
Các biện pháp xử lý đối với nhóm các TCTD thiếu thanh khoản tạm thời và các TCTD yếu kém thông qua tái cấp vốn cho thấy sự kiên quyết trong quan điểm không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động NH ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước.
Tuy nhiên, theo CIEM, kinh nghiệm quốc tế cho thấy những quốc gia có quá trình tái cấu trúc nhanh và hiệu quả khi có sự hỗ trợ thanh khoản trong ngắn hạn cho các NH, nhưng hạn chế tối đa việc tài trợ của NH trung ương và tránh tình trạng NH trung ương cho các NHTM đã mất khả năng thanh khoản.
Do đó, để thực hiện thành công biện pháp này, NHNN cần đánh giá cẩn trọng đối với hiệu quả các biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là các biện pháp hỗ trợ cho các NH yếu kém. “Cần xác định rằng NH cũng là một doanh nghiệp, có nghĩa là cũng có thể đổ vỡ và NHNN cần có sự chuẩn bị nếu kịch bản đó xảy ra. Không để xảy ra đổ vỡ hệ thống không đồng nghĩa với việc không có bất cứ một TCTD nào đổ vỡ”.
Các chuyên gia của CIEM cũng tỏ ra băn khoăn về chi phí thực hiện quá trình tái cấu trúc. Chi phí cho quá trình tái cấu trúc, đặc biệt là chi phí cho việc mua lại nợ xấu, mua lại vốn của các TCTD yếu kém là vấn đề rất quan trọng trong quá trình tái cấu trúc NH ở mỗi quốc gia đã chưa được lượng hóa cụ thể trong đề án.
Có thể thấy có khá nhiều chi phí xuất phát từ nguồn ngân sách, như vốn từ Chính phủ để tăng vốn cho các NHTM nhà nước; tái cấp vốn cho các TCTD thiếu hụt thanh khoản tạm thời; tái cấp vốn cho các TCTD yếu kém trên cơ sở hồ sơ tín dụng có chất lượng tốt; cho vay đặc biệt đối với các TCTD yếu kém… CIEM cho rằng cần tính toán cụ thể để có thể lượng hóa chi tiết tổng mức chi phí cũng như các phương thức huy động hợp lý, tránh lãng phí cho nguồn vốn ngân sách.
Để đảm bảo thực hiện nguyên tắc chi phí bỏ ra cho quá trình tái cấu trúc là thấp nhất, điều quan trọng là phải có kế hoạch được thiết kế một cách chi tiết và cụ thể nhằm thu hồi lại khoản đầu tư Chính phủ đã bỏ ra. Chương trình mua lại tài sản xấu (TARP) trị giá 700 tỷ USD Chính phủ Hoa Kỳ triển khai để giải cứu hệ thống NH nước này trong cuộc khủng hoảng năm 2008 đến nay đã thu hồi được hơn 70% là bài học kinh nghiệm tốt cho Việt Nam.
Công khai, minh bạch
Từ những phân tích trên, các chuyên gia của CIEM đưa ra một số đề xuất cụ thể để bảo đảm quá trình tái cơ cấu hệ thống NH có thể thành công theo mục tiêu đề ra. Cụ thể, vai trò của Chính phủ cần được thể hiện một cách rõ nét hơn nữa trong việc điều phối và phối hợp thực hiện giữa các cơ quan. Việc giao toàn bộ trọng trách “chủ trì” cho NHNN có thể làm cho quá trình tái cấu trúc trở nên chậm chạp hơn.
Vì vậy, thành lập một Ủy ban tái cấu trúc do Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng trực tiếp làm trưởng ban là cần thiết. Bên cạnh đó, cần đảm bảo nguyên tắc không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động NH ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước, nhưng cũng không loại trừ khả năng một hoặc một số tổ chức quá yếu kém có thể đổ vỡ. Chính phủ cần xây dựng được các kịch bản có thể xảy ra cũng như các biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.
Để có thể hạn chế tối đa chi phí cho quá trình tái cấu trúc, việc xác định cơ chế định giá hợp lý đối với các khoản nợ xấu, đặc biệt đối với các khoản nợ xấu được mua lại từ nguồn vốn ngân sách là cần thiết. Các phương án thu hồi vốn cho ngân sách cũng cần được thể hiện và xây dựng kỹ lưỡng trong các kế hoạch triển khai này.
Nguyên tắc công khai, minh bạch cần được hết sức tôn trọng để bảo đảm niềm tin và định hướng đúng cho thị trường. Bởi vậy, mọi biện pháp và kết quả thực hiện liên quan đến tái cấu trúc hệ thống NH nói riêng và hệ thống tài chính nói chung cần được cơ quan chức năng công bố một cách công khai và kịp thời.