Theo tờ trình, CII hiện đang sở hữu 7 dự án BOT giao thông được đầu trực tiếp và gián tiếp thông qua CTCP Đầu tư cầu đường CII (CII B&R). Tính đến ngày 31-12-2022, tổng vốn đầu tư chưa thu hồi tại các dự án này là 20.844 tỷ đồng. Trong đó, vốn sở hữu của CII và CII B&R là 9.277 tỷ đồng và vốn vay là 11.567 tỷ đồng.
Các dự án BOT này đều có chung đặc điểm là được Chính phủ đảm bảo lợi nhuận theo tỷ suất cố định, lợi nhuận chưa thu được của năm nay sẽ được bổ sung vào vốn gốc chủ sở hữu để tính vào lợi nhuận cho năm sau (lãi kép theo năm). Bên cạnh đó, lãi vay được tính theo số dư nợ ngân hàng còn lại với lãi suất thả nổi theo lãi suất thực tế, thời gian thu hồi vốn dài (trên 10 năm), dự án chỉ kết thúc thu phí sau khi hoàn trả toàn bộ nợ gốc và lãi vay ngân hàng.
Với điều kiện thực tế kể trên, cộng với mục tiêu tạo ra dòng tiền ổn định và đều đặn để chi trả cổ tức cho cổ đông, HĐQT của CII lên phương án phát hành TP chuyển đổi với tổng mệnh giá là 2.522 tỷ đồng, thời hạn 10 năm. Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu có tên trong danh sách tại thời điểm chốt danh sách quyền mua TP với tỷ lệ 10:1 (cổ đông sở hữu 10 CP sẽ được quyền mua 1 TP với giá 100.000 đồng).
Theo CII, TP có lãi suất kết hợp giữa lãi suất cố định và lãi suất thả nổi. Cụ thể, đối với 4 với 4 kỳ tính lãi đầu tiên sẽ áp dụng lãi suất cố định là 10%/năm. Các kỳ tính lãi kế tiếp được áp dụng lãi suất thả nổi với mức lãi suất bằng tổng của 2,5%/năm và lãi suất tham chiếu của BIDV và Vietcombank. Vào các ngày đáo hạn, toàn bộ TP chưa được chuyển đổi sẽ được CII hoàn trả gốc và lãi.
Ngoài tờ trình phát hành TP chuyển đổi, HĐQT CII cũng công bố thêm tờ trình điều chỉnh mức chi trả cổ tức năm 2022 từ 12% lên 15%.