Nhiều cơ chế Chính phủ dự kiến trình ra được kỳ vọng tạo động lực cho TP tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, là đầu tàu có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung cả nước. Dự kiến, nghị quyết này có hiệu lực từ 1-1-2018, và được thực hiện trong 5 năm.
Thí điểm đánh thuế tài sản và nâng mức dư nợ
TPHCM là đô thị đặc biệt. Khi có nghị quyết riêng cho TPHCM cũng có ý nghĩa chúng ta thực hiện thí điểm các chính sách mới sẽ triển khai trong thời gian tới. Việc này cũng sẽ giúp TPHCM đóng góp nhiều hơn cho cả nước. Nguồn thu NS hiện nay đang có xu hướng giảm nên cần phải có một đầu tàu để đóng góp nhiều hơn. Tháo gỡ cơ chế để TPHCM nhiều hơn không phải là để lại cho TPHCM nhiều tiền hơn mà là cơ chế. TS. Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế |
Điểm đáng chú ý trong Điều 5 về Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) là quy định HĐND TPHCM báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn TP, và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất, gồm: thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản; thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành trên một số nguyên tắc.
Tuy nhiên phải bảo đảm phù hợp yêu cầu phát triển của TP, có lộ trình, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), những lĩnh vực khuyến khích đầu tư; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ, thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập của tổ chức, cá nhân tiêu thụ, sử dụng trên địa bàn TP; bảo đảm tính công khai, minh bạch về phí, lệ phí chưa có trong danh mục Luật phí, lệ phí…
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, việc quy định các loại hình thuế do Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, theo Chính phủ do đây là cơ chế thí điểm, chỉ áp dụng trên TPHCM nên trình Quốc hội nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, nhất là đối với thuế tài sản. Đồng thời, Nghị quyết 25/2016/QH13 về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2016-2020, có đề ra giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, nghiên cứu bổ sung thuế tài sản phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Như vậy, có thể nghiên cứu thuế tài sản để TPHCM thí điểm thực hiện trước, sau đó tổng kết, đánh giá, xây dựng luật trình Quốc hội áp dụng trên địa bàn cả nước.
Theo Khoản 5, Điều 6 dự thảo Nghị quyết, TP được vay từ nguồn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho TP vay lại, với mức dư nợ vay không quá 90% số thu NS TP được hưởng theo phân cấp.
Tổng mức vay và bội chi NS của TPHCM hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật NSNN. Tuy nhiên, theo tờ trình của Chính phủ, Luật NSNN quy định mức dư nợ vay của TPHCM không quá 60% thu NS địa phương được hưởng theo phân cấp. Do vậy sau khi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định 48/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính đối với TPHCM, theo đó quy định mức dư nợ vay của TPHCM không quá 70%.
Với quy định này, theo dự toán NS năm 2018 đang trình Quốc hội, mức dư nợ tối đa của TP 54.300 tỷ đồng. Nếu nâng mức dư nợ vay lên 90% như dự thảo, tính theo dự toán năm 2018, dư nợ vay tối đa của TPHCM khoảng 70.000 tỷ đồng, tăng 15.700 tỷ đồng, tương đương khoảng 0,3% GDP so với quy định hiện hành.
Việc tăng quy định mức dư nợ vay bảo đảm cho TPHCM có thêm dư địa vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như hiện nay. Dự kiến trong thời gian tới, TPHCM vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước đã ký hiệp định để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm khoảng 1 tỷ USD. Tăng thẩm quyền, tăng chủ động
Kết luận của Bộ Chính trị đã nêu rõ việc thí điểm cơ chế, chính sách riêng đối với TPHCM đặt trong tổng thể chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng trong khuôn khổ pháp luật. Việc gì đã rõ cho làm ngay, việc gì chưa rõ, phức tạp cho làm thí điểm, sơ kết, tổng kết để nhân rộng. Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính |
Dự thảo quy định công tác quản lý quy hoạch đô thị và đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính NS; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TPHCM quản lý được thực hiện theo quy định tại nghị quyết. Trường hợp nghị quyết không có quy định, áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trường hợp có quy định khác nhau giữa nghị quyết và luật khác về cùng một vấn đề, áp dụng quy định tại nghị quyết. TPHCM đề nghị cho phép được quyết định hình thức và phương án chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đối tác công tư (PPP) trong trường hợp xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định tại Luật Đấu thầu.
Song Chính phủ đưa ra 2 phương án: Phương án 1 như đề xuất của TPHCM và thể hiện như dự thảo. Phương án 2, không đưa vào dự thảo nghị quyết với lý do để công khai, minh bạch và bình đẳng trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP cần phải được đẩy mạnh theo phương thức đấu thầu cạnh tranh theo quy định của Luật Đấu thầu.
Cũng theo dự thảo nghị quyết, NS TP được hưởng số thu từ cổ phần hóa của DNNN do UBND TPHCM quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu. TPHCM sử dụng nguồn thu này và NS TP để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng - xã hội, kể cả dự toán 18.800 tỷ đồng chi đầu tư cho dự án chống ngập (10.000 tỷ đồng) và đầu tư 2 bệnh viện tuyến cuối (8.800 tỷ đồng) của TP theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. TPHCM thực hiện vay lại toàn bộ phần vốn tăng thêm so với tổng mức đầu tư (nếu có) của các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài nước đã được quyết định.
Song theo giải trình của Chính phủ, vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng, trong đó có 250.000 tỷ đồng từ tiền bán vốn nhà nước tại DN được cân đối NS Trung ương để tăng chi đầu tư phát triển; thu từ cổ phần hóa DNNN do TPHCM quản lý khoảng 40.100 tỷ đồng và phân bổ cho TPHCM 18.800 tỷ đồng để thực hiện các dự án nêu trên. Như vậy, sau khi để lại phần thu từ cổ phần hóa và thoái vốn cho TP, TP phải có trách nhiệm bố trí để thực hiện các dự án, NS Trung ương sẽ không hỗ trợ cho các dự án nêu trên.
Đánh giá tác động về nội dung này, Chính phủ cho rằng việc phân cấp nhiệm vụ, thẩm quyền về công tác quản lý, quy hoạch đô thị sẽ tạo động lực cho TP tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp ở TP. Thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch để người dân, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể giám sát. Bên cạnh đó, việc ban hành nghị quyết cũng là cách để thí điểm thực hiện huy động nguồn lực xã hội, huy động thu NS của TP trên cơ sở thí điểm đánh thuế tài sản; một số loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục Luật phí, lệ phí…
Cần cơ chế, chính sách để giải quyết hạ tầng đô thị TPHCM đang trong tình trạng quá tải. Ảnh: L.THANH
Hợp lý và cần thiết
Theo nhiều chuyên gia, quyết định giao chủ trương đầu tư dự án nhóm A cho HĐND TPHCM thay vì Thủ tướng đối với những dự án NS TP bỏ ra, hay thí điểm về thuế tài sản, nếu thành công sẽ làm tăng NS TP và cả nước, đồng thời nhân rộng áp dụng cho cả nước. Thực tế, trong 30 năm đổi mới những thí điểm ở TPHCM đều thành công như lập khu chế xuất, cổ phần hóa… Vì thế, cơ chế riêng không chỉ mang ý nghĩa cho riêng TPHCM mà còn cho cả nước.
Theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), đây là dự thảo nghị quyết hết sức quan trọng. “Quan điểm chung của tôi là ủng hộ TPHCM có cơ chế riêng để tạo cho TPHCM phát triển, là “con gà đẻ trứng vàng” và là đầu tàu lớn cho khu vực. TPHCM không chỉ là câu chuyện của riêng TP mà là của cả nước, vì đó là trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước… Các cơ chế về thuế, lệ phí, chế độ lương khác là cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét tính hợp lý, ít nhất là không quá sốc với bản thân TP và vùng lân cận” - ĐB Nhưỡng nói.
Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, cần nâng cao thu nhập của cán bộ công chức, đủ để đạt mức sống trung bình khá trở lên họ mới toàn tâm toàn ý làm việc được. Mức lương hiện nay là quá thấp. Do đó, việc áp dụng cơ chế khoán kinh phí một cách chủ động cho chính quyền địa phương, tự địa phương sẽ quyết định lương cán bộ phù hợp với năng suất lao động, chức năng được giao. Tiến hành việc khoán kinh phí thì công vụ của cán bộ công chức sẽ song hành với chế độ mà họ được thụ hưởng, tạo động lực cho họ làm việc.
Trong dự thảo nghị quyết, lĩnh vực quản lý tài chính - NS được thiết kế theo hướng giao cho HĐND TPHCM trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các loại thuế, chính sách thuế, các mức phí bảo vệ môi trường trên địa bàn, các mức thuế phí, lệ phí ngoài quy định cao hơn mức hiện hành, khung cho phép. Tinh thần chung các khoản tăng thêm sẽ để lại cho NS TPHCM 100%.