Cơ chế giá vận hành theo thị trường

Thảo luận về dự thảo Luật Giá tuần qua, một số đại biểu Quốc hội (ĐB), chuyên gia cảnh báo cần tạo cơ chế và cách vận hành để nền kinh tế chuyển động theo quy luật thị trường thay vì loay hoay tìm các giải pháp để can thiệp hành chính vào giá cả hàng hóa.

Theo khảo sát thay đổi cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) công bố, đa số người Việt Nam ủng hộ mô hình kinh tế thị trường, sở hữu tư nhân trong DN và yêu cầu minh bạch trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách của Nhà nước.

Nhưng nhiều người cũng ủng hộ việc Nhà nước can thiệp vào thị trường để bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu. Theo nhận định của VCCI, sở dĩ có sự đối nghịch trên có thể do phần lớn hàng hóa thiết yếu vẫn do các DN nhà nước kinh doanh độc quyền, thống lĩnh thị trường như: điện, xăng dầu, đất đai, các nguyên liệu cơ bản, dịch vụ tài chính, hàng không, đường sắt…  Nếu Nhà nước không có sự kiểm soát tốt sẽ gây ảnh hưởng đến giá cả.

Trong nền kinh tế thị trường giá cả được hình thành và vận hành thông qua các quy luật khách quan như cung, cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Điều đó không có nghĩa Nhà nước không quản lý nhưng quản lý như thế nào cần rút ra các bài học và chúng ta đã trả giá cho việc quản lý giá.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhìn nhận hiện nay giá cả được hình thành và thực hiện thông qua hàng loạt quy định tại Luật Thương mại, Luật Dân sự, Luật Cạnh tranh... nhưng vẫn biến động khó lường, điều này cho thấy cách quản lý có vấn đề. Do vậy, cần phải xem nguyên nhân nằm ở đâu. Trên thực tế, nhận định này không mới và các bất cập đã nêu dường như chưa có biện pháp khắc phục.

Thể hiện ở đó là việc giá cả xăng dầu vẫn thường xuyên tăng cao, giảm chậm do quy định và thực sự Việt Nam vẫn chưa có thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực này. Còn trong lĩnh vực hàng không, thị trường này gần như là cuộc chơi riêng của Tổng công ty Hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA). Hay những bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ; hoặc như giá điện lúc nào cũng nhấp nhổm tăng giá nhưng rất kém trong việc giải trình, minh bạch việc tăng giá...

Theo các chuyên gia, vấn đề hiện nay là cần tạo ra cơ chế và vận hành theo thị trường, trong đó giá cả được quyết định bởi quan hệ cung - cầu và cạnh tranh trị trường. Điều này đã được minh chứng trên thực tế ở lĩnh vực viễn thông khi sự ra đời  của Viettel đã khiến giá cước viễn thông - vốn trước đó bị chi phối bởi VinaPhone, MobiFone - liên tục giảm.

Do đó, về lâu dài một nền kinh tế thị trường ổn định, lành mạnh và một nhà nước pháp quyền nghiêm minh mới là điều kiện và yếu tố để bảo đảm giá cả được hình thành và thực hiện khách quan và hợp lý.  

Các tin khác