(ĐTTCO) - 10,5 triệu tỷ đồng tương đương 480 tỷ USD là tính tổng đầu tư toàn xã hội cho giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tỷ lệ NSNN chỉ gánh 1/4-1/3 tổng nguồn lực huy động cho tái cơ cấu nền kinh tế trong 5 năm tới.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển:
Cải cách để thu hút vốn
10,5 triệu tỷ đồng tương đương 480 tỷ USD là tính tổng đầu tư toàn xã hội cho giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tỷ lệ NSNN chỉ gánh 1/4-1/3 tổng nguồn lực huy động cho tái cơ cấu nền kinh tế trong 5 năm tới. Khoảng 2/3-3/4 tổng nguồn lực còn lại được huy động từ 3 nguồn vay: ODA hoặc vay vốn kém ưu đãi, trái phiếu chính phủ (TPCP), thu từ xuất nhập khẩu. Nguồn thu từ xuất nhập khẩu không quá lớn, do đó chỉ còn huy động nguồn lực thông qua phát hành TPCP - vay của dân, hoặc từ nguồn vay nước ngoài dưới dạng ODA, hoặc vay kém ưu đãi hay hợp tác công tư (PPP) để huy động nguồn lực tư nhân, còn lại là huy động từ nguồn lực tư nhân khác.
Tuy nhiên, nguồn lực từ khu vực tư nhân trong nước có bao nhiêu chưa thể đánh giá được, chỉ biết rằng còn một nguồn lực rất lớn cần huy động. Chúng ta dự đoán hiện có vài trăm tấn vàng nằm trong dân, và mỗi năm có khoảng 13-14 tỷ USD kiều hối do kiều bào gửi về nước có thể xem là những nguồn đong đếm được, phần còn lại chưa thể lượng hóa được nguồn lực khu vực tư nhân. Vấn đề đặt ra hiện nay phải có chính sách thu hút được khu vực tư nhân tham gia quá trình đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế.
Trong chính sách thu hút đầu tư tư nhân, trước hết phải tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước. Theo đó, đạt mục tiêu top 4 nước dẫn đầu về môi trường kinh doanh trong khu vực ASEAN vào năm 2017, sau đó tiến xa hơn. Dù không có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chúng ta vẫn còn sức ép cải thiện môi trường kinh doanh từ hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA) khác đã tham gia. Hơn nữa chúng ta vẫn tiếp tục phải thực hiện các cam kết trong FTA thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ. Vì thế, yêu cầu cải cách thể chế môi trường kinh doanh là hàng đầu nếu muốn tạo sức hút thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
Ngay cả muốn thu hút nguồn lực vàng trong dân, không thể bắt ép hoặc chờ đợi dân gửi vàng vào ngân hàng để đầu tư, phải có cơ chế khuyến khích người dân tự đầu tư mới huy động được. Thời gian qua huy động vốn thông qua phát hành TPCP chủ yếu ngân hàng và DN lớn mua, khu vực tư nhân chưa tham gia. Trong huy động vốn tham gia phát triển kết cấu hạ tầng thông qua PPP, cần có cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia, không nên đặt ra chỉ tiêu. Cần sử dụng nguồn lực công cho phát triển kết cấu hạ tầng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế như một khoản vốn mồi để thu hút tư nhân. Chẳng hạn, TPHCM muốn chống tắc đường buộc phải mở đường, ngoài nguồn vốn NS cần huy động vốn tư nhân tham gia thông qua BT hoặc BOT. Hay thực hiện đề án chống ngập cũng vậy, TPHCM cần xã hội hóa để thu hút tư nhân.
GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu KT và PT:
Sử dụng hiệu quả vốn tư nhân
Đề án trong 5 năm với quy mô vốn hàng trăm tỷ USD cần tính khả thi. Nếu tái cơ cấu theo từng lĩnh vực, xác định ưu tiên trước để tái cơ cấu cho hiệu quả sẽ tốt hơn là một đề án với quy mô vốn hoành tráng. Điều đáng tiếc, trong đề án có những nội dung không sát với thực tế. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, 7 ngành dịch vụ ưu tiên từ năm 2016-2020 có sự trùng lắp nhau. Thực tế, các dịch vụ logistics, hải quan, phân phối là một, không tách bạch nên con số 10,5 triệu tỷ đồng cũng cần xem xét lại khi triển khai đề án. Cần xem lại một cách tổng thể đề án dưới sự phản biện, trao đổi của nhiều nhà khoa học kinh tế. Chỉ riêng chuyện đến năm 2020 kiếm 60 tỷ USD để làm đường sắt cao tốc đã khó, chưa nói đến con số 480 tỷ USD. Vì thế, để có đủ vốn cho tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm tới chắc chắn không thể bỏ qua nguồn lực từ tư nhân, kể cả tư nhân nước ngoài. Theo đó, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cần tính đến nguồn tư nhân thông qua xã hội hóa, hay các dự án BOT cũng cần tính đến việc huy động nhà đầu tư nước ngoài.
Hơn nữa trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế chưa tính tới hiệu quả của tái cơ cấu hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng, mới chỉ mang tính chất hiện đại đơn lẻ của từng loại hình phương tiện, chưa thấy được mạng lưới kết nối cơ sở hạ tầng giao thông giữa các loại hình giao thông. Muốn làm được điều này, cần xây dựng các trung tâm logistics từ Bắc vào Nam. Đây là những trung tâm mang tính khu vực, quốc gia. Chẳng hạn mạng lưới vận tải xe buýt Hà Nội chưa phát huy hết hiệu quả do chưa có sự kết nối với các loại hình giao thông khác. Đề án chưa tính tới điều này, trong khi mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế phải hướng tới hiệu quả toàn vùng.
Khu vực tư nhân luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, ngân sách có hạn nên huy động nguồn lực tư nhân là rất cần thiết. Song kinh nghiệm giai đoạn 2011-2015 cho thấy rõ vấn đề quản lý và sử dụng nguồn lực phải được tăng cường. Thí dụ, dự án Quốc lộ 1 qua Quảng Ngãi vừa làm xong 1 năm đã hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Tôi đánh giá cao nguồn vốn tư nhân nhưng cần cơ chế quản lý đảm bảo hiệu quả, không thể để tư nhân bỏ tiền muốn làm gì thì làm. Hơn nữa, huy động vốn thực từ khu vực tư nhân không thể duy trì cơ chế thông qua đầu tư BOT như hiện nay, nhằm tránh tình trạng Nhà nước, người dân chịu thiệt kép khi huy động vốn.