Câu chuyện chủ nhà bắt tay với khách để lật kèo môi giới không phải là phổ biến nhưng vẫn xảy ra, khiến không ít "cò" phải ngậm đắng nuốt cay.
Anh Trần Đăng Duy ở phường Phương Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, một môi giới bất động sản có nhiều năm kinh nghiệm kể lại câu chuyện của mình. Theo anh Duy, trong thời gian dài bị giãn cách vì dịch bệnh, thu nhập không có do bất động sản đóng băng, hàng nghìn môi giới đã phải nghỉ việc, chuyển việc khác. Anh cũng rơi vào cảnh bế tắc. Mãi đến tháng 10/2021, một căn nhà mà anh rao bán cho khách từ hơn 1 năm trước mới có người hỏi tới.
Năm 2020, căn nhà diện tích 42m2, mặt tiền 4m này được chủ rao bán 2,6 tỷ đồng, xấp xỉ 62 triệu đồng/m2. Sau thời gian dài không người hỏi mua, nay đất lên cơn sốt, chủ nhà tăng giá bán lên 4,1 tỷ đồng, tức là gần 98 triệu đồng/m2. Nhẩm tính, với 2% phí hoa hồng, nếu giao dịch thành công, anh Duy sẽ nhận được khoảng 80 triệu đồng.
Sau khi đi xem thực tế, khách rất thích căn nhà vì diện tích phù hợp, nhà mới xây dựng chưa được 5 năm, mặt ngõ ô tô đi qua, không bị che chắn, hướng Đông Nam mát mẻ và đã đồng ý xuống tiền đặt cọc ngay.
“Khách và chủ nhà đã chốt phương án mua bán căn nhà với giá 4 tỷ 50 triệu đồng và ký hợp đồng đặt cọc 50 triệu đồng. Tôi rất sung sướng vì sau hơn 2 năm không có đồng thu nhập nào, nay giới thiệu được căn nhà này nên có một khoản đáng kể”, anh Duy nói.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày ký hợp đồng đặt cọc, chủ nhà gọi điện mời tôi đến chứng kiến việc hủy hợp đồng đặt cọc mua bán nhà vì gia đình thay đổi kế hoạch, không bán nữa.
“Nghe cuộc gọi tôi đã thấy ù tai, nhưng khi chứng kiến họ hủy hợp đồng đặt cọc mua bán, chủ nhà rút 100 triệu, trong đó có 50 triệu tiền đặt cọc và 50 triệu tiền phạt cho người mua tôi càng thêm thẫn thờ. Người mua sau đó rút 2 triệu đồng cảm ơn vì đã dẫn mối”, anh Duy nói thêm.
Nhưng đáng chú ý là chỉ sau gần một tháng hợp đồng bị hủy, một người bạn gọi điện thông báo, căn nhà đã được bán. Người mua không ai khác, chính là người anh Duy dẫn đến. “Tôi bức xúc tìm đến hỏi rõ nguyên căn và được biết, một tuần sau khi hủy hợp đồng, chủ nhà cũ trực tiếp gọi điện cho người mua đề nghị bán trực tiếp không thông qua môi giới để giảm 2% hoa hồng, tương đương với 81 triệu đồng. Bức xúc, tôi gọi điện thoại cho chủ. Nói chuyện một hồi, chủ nhà mới đưa tôi 10 triệu gọi là cảm ơn. Dù ấm ức nhưng tôi không thể làm gì vì đằng nào việc cũng đã diễn ra rồi. Vậy là bao công sức dẫn mối, chăm sóc khách mua đã đổ sông bể”, anh Duy kể.
Cũng dẫn lại câu chuyện của mình, anh Nông Vĩnh Thuận, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, do đang có nhu cầu mua, anh được cò dẫn đi xem ngôi nhà đang rao bán với giá 4 tỷ đồng ở phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai. Căn nhà 5 tầng cũ, diện tích 40m2, kết cấu đẹp và vừa ý. Sau 2 lần đến xem, hai bên thống nhất giá 3,8 tỷ đồng, môi giới hưởng 2% số tiền này, khoảng 76 triệu đồng.
Hợp đồng đặt cọc 100 triệu đồng đúng quy định do môi giới cung cấp, có đầy đủ các điều khoản và “nếu bên bán không đồng ý bán nữa thì phải hoàn trả lại cho bên mua số tiền đặt cọc cùng một số tiền đền bù hay phạt hợp đồng tương đương khoản cọc".
“Ngày hôm sau, chủ nhà gọi điện thoại cho tôi khẩn khoản nói rằng gia đình đang gặp nhiều khó khăn không giải quyết được nên không thể bán nhà, mong tôi thông cảm lên nhận lại tiền cọc”, anh Thuận nói.
Đúng hẹn, hôm sau anh Thuận đến, chủ nhà đã mời môi giới đến cùng với một người lạ được giới thiệu là luật sư. Chủ nhà và luật sư trình bày những khó khăn liên quan pháp lý. “Mua nhà mà khởi đầu không suôn sẻ nên tôi đồng ý hủy hợp đồng cọc và không lấy tiền cọc theo điều khoản đền bù trong hợp đồng cọc vì chủ nhà xin do khó khăn khách quan và hạn chế về kinh tế”.
Điều đáng nói là hai ngày sau chủ nhà gọi điện cho anh Thuận thông báo đã giải quyết được các mâu thuẫn trong gia đình nên cần bán nhà, nếu anh Thuận mua, chủ nhà sẽ bớt cho 1% (nghĩa là khoảng 38 triệu đồng). Mặt khác, vì lần này chủ liên hệ trực tiếp với khách chứ không thông qua môi giới nên 2% lẽ ra phải cho môi giới thì giờ chủ nhà và khách mua chia đôi. Tuy nhiên, anh Thuận đã từ chối.
“Nếu tôi nhận lời mua căn nhà đó, có thể tôi sẽ được giảm giá gần 40 triệu đồng và chủ nhà sẽ nhận được số tiền tương tự nhờ việc qua mặt môi giới. Nhưng tôi đã không làm vậy vì môi giới họ cũng đi làm và kiếm sống từ % hoa hồng chính đáng. Nếu mình lật kèo thì họ lấy gì sống?”, anh Thuận đặt câu hỏi.
Anh Nguyễn Đức Thắng, một môi giới bất động sản lâu năm khu vực Hoàng Mai, Thanh Xuân cho biết, không phải chủ đất hoặc khách mua nào cũng có ý định bắt tay nhau để lật kèo, qua mặt môi giới. Bởi, nhiều chủ nhà muốn bán nhanh, ngoài % hoa hồng họ còn mạnh tay thưởng cho môi giới từ 10- 20 triệu, thậm chí là cao hơn nếu giới thiệu người mua đúng thời điểm, giá bán tốt.
“Cũng có rất nhiều khách mua cũng sẵn sàng chi thưởng cho môi giới vài ba chục triệu đồng nếu giới thiệu cho họ được căn nhà có vị trí đẹp, hợp hướng, diện tích và giá phù hợp”, anh Thắng nói.