Số liệu trên phù hợp với công bố của Bộ TTTT, rằng lượng chip bán dẫn xuất khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng gần 75% trong năm 2022 và đầu năm 2023. Theo Bộ TTTT, tại thị trường Hoa Kỳ, vào tháng 2-2022, chip từ nguồn gốc Việt Nam nhập sang đạt 321,7 triệu USD thì tháng 2-2023 tăng lên 562,5 triệu USD, tăng 74,9%, chiếm 11,6% thị phần. Dữ liệu cho thấy, đây là tháng thứ 7 liên tiếp chip từ xuất xứ Việt Nam đạt hơn 10% thị phần Hoa Kỳ.
Điều này cho thấy, đất nước xứ cờ hoa đang ngàng càng đa dạng hóa nguồn cung ứng trên toàn cầu, không nhất thiết phụ thuộc nguồn chip từ một số quốc gia. Mỗi chip bán dẫn mang “made in VietNam” được xuất đi Hoa Kỳ, cơ hội cho lao động bậc cao có thêm việc làm, kéo theo các nguồn thu về xuất khẩu được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy các ngành nghề liên quan công nghệ phát triển.
Việc xuất khẩu này đang nằm trong tay các doanh nghiệp FDI như Intel, Samsung, Synopsys. Dữ liệu cho thấy, chip của Intel tại Việt Nam, đạt doanh thu xuất khẩu 11,5 tỷ USD năm 2022 với 3,5 tỷ sản phẩm.
Nhưng doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thấy cơ hội về đa dạng hóa nguồn cung chip bán dẫn không chỉ từ Hoa Kỳ mà còn từ các thị trường khác nên cũng đã tham gia. Cụ thể, FPT đã nhảy vào để tham gia về các dòng chip nguồn và có thể cung cấp cho đối tác với hợp đồng đầu tiên 25 triệu chiếc trong mùa xuất khẩu 2024-2025, đó là một tín hiệu đáng mừng. Viettel cũng đã đề xuất với Chính phủ tham gia nghiên cứu, sản xuất chip cho thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu từ hồi mùa thu năm 2022.
Tham gia ngành chip là một nỗ lực chông gai và đầy khó khăn, nhưng tín hiệu con chip bán dẫn “made in VietNam” có chiều hướng tăng trưởng là một tín hiệu đáng mừng. Mừng hơn là doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã tham gia một cách chủ động, cho dù không ở phân khúc cao nhất cũng là cú khích lệ trên bản đồ chip nhớ toàn cầu.
Về chính sách hỗ trợ ngành chip “made in VietNam”, vào phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tháng 4-2023, Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT hoàn thiện Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời xây dựng chương trình về sản xuất chip là tín hiệu “mở” để phát triển nền kinh tế chip nhớ nhằm cung ứng nội địa và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu về mảng mới này. Các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng, Việt Nam có khả năng thiết lập cơ sở hạ tầng và chính sách cần thiết để hỗ trợ các hoạt động sản xuất tiên tiến trong lĩnh vực chip.
Bởi lẽ, trong trung và dài hạn, nền kinh tế thế giới đều dựa vào chip nhớ để phát triển thì chính sách quốc gia về pháp lý cho chip nhớ càng xây dựng sớm, chi tiết sẽ hỗ trợ tốt cho xuất khẩu, tạo ra thêm nhiều việc làm và vị thế mới cho sản phẩm “made in VietNam” lớn mạnh hơn.