Trong bối cảnh kinh tế thế giới lẫn trong nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn vay hạn chế nhưng một số DN trong nước vẫn sống khỏe nhờ nguồn vốn từ các quỹ đầu tư. Đây là một kênh vốn lớn mang lại nhiều lợi ích, nhưng để gọi vốn hiệu quả DN phải hoạch định được chiến lược phát triển đúng đắn, hợp lý để thuyết phục các nhà đầu tư.
Nguồn lực lớn
Theo các chuyên gia, vài năm gần đây các quỹ đầu tư quan tâm nhiều hơn đến mức độ tăng trưởng của các DN và tham gia ngày càng nhiều vào hoạt động kinh doanh của DN thông qua hợp đồng rót vốn với những khoản tiền rất lớn.
Mới đây, Quỹ đầu tư mạo hiểm Dream Incubator Inc và Tập đoàn Orix đã mua 31% cổ phẩn của CTCP Thiết bị y tế Việt - Nhật thông qua Quỹ đầu tư DI Asian Industrial Fund LP với gần 100 triệu USD. Quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent Ventures Inc thuộc Tập đoàn CyberAgent Inc đã hoàn tất việc mua cổ phần của CTCP NCT, đơn vị quản lý website nghe nhạc nhaccuatui.com, để giúp NCT mở rộng nội dung kinh doanh từ việc ứng dụng công nghệ lẫn kinh nghiệm hoạt động về mạng.
Quỹ này cũng công bố mục tiêu nâng nguồn vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD vào các DN có đà tăng trưởng tốt tại khu vực Đông Nam Á, trong đó Indonesia và Việt Nam là 2 nước được quan tâm đặc biệt. Đây được xem là một tín hiệu vui cho các DN Việt Nam trong bối cảnh khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, vấn đề gây ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển của DN.
Các quỹ đầu tư không chỉ hỗ trợ vốn mà còn hỗ trợ về mọi mặt như kỹ thuật, công nghệ lẫn kinh nghiệm hoạt động cho các DN mà họ hợp tác.
TS. John William Snow, Chủ tịch Quỹ Đầu tư và Quản trị tài chính Cerberus - quỹ đầu tư lớn nhất trên thế giới, cho biết kinh tế khó khăn đã kéo nhiều DN tìm đến sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư để phát triển kinh doanh. Hiện nay, việc tiếp cận các quỹ đầu tư dễ dàng hơn vì các quỹ đang rất cởi mở.
Không chỉ ngồi chờ DN đến “gõ cửa” gọi vốn, các quỹ còn tham gia tích cực vào các chương trình giao lưu với DN để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những DN có tăng trưởng tốt.
Quỹ Cerberus đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam vì tin rằng đây là một thị trường tiềm năng, trong vòng 20 năm tới sẽ trở thành một nhân tố phát triển mới trong khu vực và trên thế giới nhờ vào các chính sách phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa rõ ràng.
Cần dự án tạo giá trị mới
Tại Việt Nam, ngành công nghệ thông tin (CNTT) hiện đang là đích nhắm của nhiều quỹ đầu tư nên dù đa số DN vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ngành CNTT vẫn sống khỏe nhờ nguồn vốn này. Ngoài vốn đầu tư từ các quỹ, các DN ngành CNTT còn nhận được sự hỗ trợ vốn lớn từ các DN nước ngoài.
Thí dụ, dù chỉ là một DN trẻ trên thị trường CNTT nhưng PeaceSoft Solution Corporation đã được eBay để ý và mua lại 20% cổ phần để phát triển hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực phần mềm và thương mại điện tử. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này, DN phải đáp ứng được những tiêu chí do các quỹ đưa ra.
![]() |
Sản phẩm plastic mới tại một cuộc triển lãm. Ảnh: LÃ ANH |
Ông Dương Quốc Thái, Tổng giám đốc CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn (Saplastic), cho biết khi tiếp cận với Quỹ đầu tư quốc tế Vietnam Holding Ltd (Thụy Sĩ), ông đã đưa ra một kế hoạch cụ thể về giá trị, chiến lược, tốc độ phát triển trong từng giai đoạn và không ngại bày tỏ tham vọng trở thành DN đứng đầu ngành nhựa Việt Nam.
Kế hoạch thuyết phục và sự tự tin của lãnh đạo Saplastic đã “chinh phục” được đối tác, khiến Vietnam Holding Ltd sẵn sàng hỗ trợ Saplastic mọi mặt về tài chính, kỹ thuật và quản lý. Các quỹ đầu tư cho biết khi xem xét dự án phát triển của DN, họ đánh giá cao các dự án có kế hoạch rõ ràng và chiến lược phát triển cụ thể, phản ánh chi tiết sự lớn mạnh của phân khúc thị trường DN đang theo đuổi, sản phẩm DN muốn phát triển, nhu cầu của thị trường và tiềm năng của sản phẩm…
Những tiêu chí này là cơ sở hiển thị giá trị dịch vụ mới DN có thể tạo ra để các quỹ đầu tư nhìn thấy khả năng tăng trưởng của DN.
Sở dĩ ngành CNTT hấp dẫn vốn của các quỹ đầu tư tốt hơn các ngành khác vì các DN CNTT luôn tận dụng rất tốt những ưu thế riêng và luôn đề ra những kế hoạch, chiến lược phát triển dựa trên các thế mạnh này một cách rõ ràng, cụ thể để tạo ra những sản phẩm có giá trị làm hài lòng các quỹ đầu tư.
Trong khi đó, các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ khác ở Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng song các DN hiếm khi đưa ra được một kế hoạch hấp dẫn để thu hút đầu tư.
Ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc Quỹ Đầu tư công nghệ (DFJV Capital), chia sẻ các quỹ đầu tư thích những dự án có kế hoạch phát triển bền vững và lâu dài hơn các kế hoạch mang lại doanh thu cao trong thời gian ngắn.
Nếu DN nắm bắt được tất cả những điều trên và có một kế hoạch hấp dẫn, họ sẽ mở được cánh cửa gần như vô tận từ các quỹ đầu tư, tạo cơ hội hợp tác tốt đẹp cho cả đôi bên.