Tín dụng tăng chậm, nhưng vốn huy động tăng mạnh hơn là cơ hội cho các ngân hàng cơ cấu lại kỳ hạn huy động vốn.
![]() |
Theo một chuyên gia kinh tế, đây được xem là thời điểm để các ngân hàng dần cơ cấu lại kỳ hạn huy động cho hợp lý, người gửi tiền kỳ hạn càng dài thì được hưởng lãi suất càng cao, qua đó các ngân hàng hút vốn dài hạn để đón đầu phục vụ cho vay trung và dài hạn khi kinh tế hồi phục.
Đồng loạt giảm lãi suất huy động
Thống kê tại trang thông tin điện tử laisuat.vn, hiện nay lãi suất huy động (LSHĐ) của các ngân hàng được điều chỉnh giảm, thậm chí giảm sâu hơn mức trần của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép.
Cụ thể, tại SeABank, ABBank, TienPhongBank, VP Bank kỳ hạn từ 1 đến 9 tháng LSHĐ là 7,5%/năm, các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng của các ngân hàng trên đa số ở mức 9,8% - 10,5%/năm.
Tuy nhiên, đã có nhiều ngân hàng đưa LSHĐ kỳ hạn ngắn xuống dưới mức trần 7,5%/năm của NHNN đưa ra như ACB và SouthernBank, kỳ hạn 1 - 9 tháng chỉ còn 7,3%/năm; KienLongBank còn 7,46%/năm với kỳ hạn 1 - 3 tháng và 7,35%/năm với kỳ hạn 6 tháng. Đặc biệt hơn nữa tại BIDV các kỳ hạn 3 tháng - 36 tháng ở mức 7,5%/năm, riêng kỳ hạn 12 tháng niêm yết mức 9%/năm.
Chị Trần Thị Hạnh - Phường Phương Liệt - Quận Thanh Xuân - Hà Nội cho biết, gia đình có công ty về máy văn phòng nên thường có tiền "ra - vào" ngân hàng. Nếu như năm 2012 chị Hạnh thường được các nhân viên ngân hàng chào mời gửi tiền với lãi suất cao hơn bảng niêm yết, thì nay ngân hàng "bỏ qua" cách tiếp thị này. Có nghĩa, người gửi tiền chọn gửi kỳ hạn nào thì hưởng lãi suất như đã ghi trên bảng niêm yết của ngân hàng.
"Có chăng thì được tặng thêm quà là áo mưa, cái ô, hay thêm phiếu bốc thăm trúng thưởng. Nếu tham dự bốc thăm trúng thưởng thì khách hàng phải cam kết không rút trước hạn" - chị Hạnh nói.
Thực tế hiện đã có một số ngân hàng thương mại (NHTM) "mạnh dạn" ngừng các sản phẩm huy động cho phép người gửi tiền rút linh hoạt. Ví dụ, Techcombank đã dừng sản phẩm tiết kiệm siêu linh hoạt. Với sản phẩm tiền gửi tiết kiệm thường, nếu khách hàng rút trước hạn, dù đã quá 2/3 thời gian theo kỳ hạn gửi, khách hàng vẫn chỉ được trả lãi suất không kỳ hạn 0,5%/năm.
Ngược lại, ngân hàng này khuyến khích khách hàng gửi dài hạn khi đưa ra sản phẩm tiết kiệm Phát Lộc với mức lãi suất hấp dẫn trên thị trường là 9,75%/năm. Nhưng điều kiện dành cho khách hàng là không được rút trước hạn. Nếu cần tiền, khách hàng chỉ có thể thế chấp sổ tiết kiệm để vay tiền ngân hàng...
Trưởng một phòng giao dịch của VP Bank tại Hà Nội cho biết, trong bối cảnh cho vay ra chưa nhiều nên các ngân hàng cũng không "huy động bằng mọi giá", do đó LSHĐ đã giảm cả ở kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài. Tuy nhiên, vốn huy động hiện nay của các NHTM vẫn chủ yếu là vốn ngắn hạn, phổ biến ở kỳ hạn 1 - 6 tháng.
Theo ông Trần Xuân Quảng - Phó tổng giám đốc MaritimeBank, các ngân hàng vẫn ưu tiên cho vay vốn ngắn hạn, bởi nguồn huy động vẫn chủ yếu là ngắn hạn, nên ngân hàng phải tính đảm bảo thanh khoản, phải thu hồi được vốn về.
Cơ hội cơ cấu lại kỳ hạn
Theo thống kê của NHNN hết quý I/2013, so với cuối năm 2012, huy động vốn toàn ngành ngân hàng tăng 3,86%; trong khi tín dụng chỉ tăng 0,1%. Tuy nhiên, huy động vốn của ngân hàng hiện chủ yếu vẫn là ngắn hạn trong khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân (vay tiêu dùng) đa số là trung và dài hạn, nên cung cầu vốn càng không gặp nhau. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khách hàng phải được đánh giá tốt, ngân hàng mới dám "mở hầu bao".
Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, hiện nay các NHTM được phép sử dụng 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, nhưng vào thời điểm hiện nay, khi mà kênh gửi tiết kiệm vẫn đang hút khách, nếu tranh thủ hút được vốn dài hạn vào ngân hàng thì khi doanh nghiệp hồi phục lại, ngân hàng cũng đỡ "giật gấu vá vai".
Tín dụng tăng chậm, nhưng vốn huy động tăng mạnh hơn là cơ hội cho các ngân hàng cơ cấu lại kỳ hạn huy động vốn. Chính vì vậy, theo một chuyên gia kinh tế, đây được xem là thời điểm để các ngân hàng dần cơ cấu lại kỳ hạn huy động cho hợp lý, người gửi tiền kỳ hạn càng dài thì được hưởng lãi suất càng cao, qua đó các ngân hàng hút vốn dài hạn để đón đầu phục vụ cho vay trung và dài hạn khi kinh tế hồi phục.
Tuy nhiên, do diễn biến kinh tế đang theo chiều hướng CPI tăng chậm nên nhiều khả năng LSHĐ sẽ được tiếp tục điều chỉnh giảm để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Có thể xem đây là lý do các ngân hàng phải giảm LSHĐ ở cả kỳ hạn ngắn và dài, nhưng cũng không thể đưa ra được mức LSHĐ thật sự hấp dẫn ở các kỳ hạn dài do lo ngại giảm được rủi ro kỳ hạn, thì lại vướng vào rủi ro lãi suất.
"Nhiều khả năng tới đây khi kinh tế vĩ mô ổn định, LSHĐ sẽ điều chỉnh giảm thêm, các ngân hàng sẽ thuận hơn trong việc cơ cấu kỳ hạn, đường cong lãi suất sẽ về đúng với quy luật thị trường" - vị Phó tổng giám đốc kỳ vọng và cho biết thêm, hiện nay lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm cho thấy thanh khoản của hệ thống khá tốt, giúp các ngân hàng chủ động hơn trong cơ cấu kỳ hạn huy động và cho vay.
Theo NHNN, tuần từ 15-4 - 18-4-2013 lãi suất huy động (LSHĐ) và cho vay VND ổn định so với tuần trước, các NHTM đều tuân thủ nghiêm mức trần lãi suất quy định của NHNN. LSHĐ kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6-7,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 9,5-10,5%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-11%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 11-13%/năm ở khối NHTM Nhà nước, 12-15%/năm ở khối NHTMCP Lãi suất bình quân liên ngân hàng với các giao dịch bằng VND giảm đối với hầu hết các kỳ hạn, với các mức giảm chủ yếu từ 0,30% (kỳ hạn 2 tuần) đến 0,87% (kỳ hạn 6 tháng); riêng kỳ hạn 2 tháng, lãi suất giao dịch bình quân giảm 2,35%. |