Cơ hội doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ

Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết trong thời gian tới, Chương trình Xúc tiến nhập khẩu của Thụy Sĩ (SIPPO) sẽ chọn thêm 2 DN Việt Nam để tham gia triển lãm tại Hội chợ Ambiente 2015. Để tìm hiểu thêm thông tin, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch HAWA.

Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết trong thời gian tới, Chương trình Xúc tiến nhập khẩu của Thụy Sĩ (SIPPO) sẽ chọn thêm 2 DN Việt Nam để tham gia triển lãm tại Hội chợ Ambiente 2015. Để tìm hiểu thêm thông tin, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch HAWA.

PHÓNG VIÊN: - Ông có thể nói thêm thông tin về hội chợ, cơ hội cho DN thủ công mỹ nghệ khi tham gia và những hỗ trợ của SIPPO?

DN Việt Nam đủ sức vươn ra thế giới, không hề thua kém các DN nước ngoài. Bằng chứng là hiện nay một số DN đã ký được nhiều hợp đồng lớn về trang trí nội thất cho các công trình lớn ở nước ngoài như Hoa Kỳ, Dubai, Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Nguyễn Quốc Khánh,
TGĐ CTCP Xây dựng và Kiến trúc AA

-Ông ĐẶNG QUỐC HÙNG: - Ambiente là triển lãm hội chợ hàng đầu thế giới được tổ chức hàng năm tại Đức dành cho ngành hàng tiêu dùng, gia dụng, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội-ngoại thất. Tôi được biết, năm 2014 Hội chợ Ambiente thu hút sự tham gia của 4.600 công ty từ 110 quốc gia, khoảng 150.000 khách tham quan từ 145 quốc gia.

Khi tham gia vào hội chợ, các DN Việt Nam sẽ có cơ hội gặp gỡ, bán hàng cho các nhà nhập khẩu lớn của châu Âu. Trong những năm gần đây, SIPPO đã có những hỗ trợ thiết thực cho các DN thủ công mỹ nghệ Việt Nam tiếp cận thị trường EU. 3 DN hội viên của HAWA là Gia Long, Thiên Thương và Woac đã được trưng bày sản phẩm ở triển lãm Ambiente 2014 tại TP Frankfurt, Đức.

Năm nay SIPPO sẽ chọn thêm 2 DN để tham gia hội chợ triển lãm vào tháng 2-2015. Nếu được chọn, các DN phải cam kết tham gia hội chợ 3 năm liên tiếp và trả một phần kinh phí đối ứng để đảm bảo việc tham gia ổn định và có trách nhiệm.

Theo chia sẻ của những DN trước, SIPPO sẽ hỗ trợ tiền gian hàng và khách sạn, còn lại DN phải chi trả, mức chi phí khoảng 1.500USD. Việc cam kết tham gia 3 năm liên tiếp theo tôi cũng có lý do, vì nếu chỉ tham gia 1 lần sẽ khó tìm được đối tác lâu dài. Phía Thiên Hương cho hay sau lần tham gia năm 2014 họ đã bán được hàng và có một số đơn hàng mới.

- Vậy năm nay đã có DN nào đăng ký với SIPPO chưa?

- Năm nay, một số DN thủ công mỹ nghệ đã họp bàn và đưa ra kế hoạch sẽ tổ chức một nhóm DN cùng tham gia hội chợ triển lãm Ambiente 2015. Việc này sẽ giải quyết được 2 vấn đề. Thứ nhất, giúp các DN giảm bớt chi phí, vì trong bối cảnh hiện nay các DN gặp nhiều khó khăn do thủ công mỹ nghệ không phải hàng thiết yếu nên khi kinh tế khó khăn sẽ dễ dàng bị người tiêu dùng “cắt”.

Thứ hai, khi một nhóm DN cùng tham gia cũng có nghĩa nhiều DN có cơ hội tiếp cận với các nhà nhập khẩu khi đó đơn hàng. Đây cũng là một cách để hỗ trợ các DNNVV. Tuy nhiên, chúng tôi chưa biết liệu SIPPO có đồng ý với kế hoạch này hay không, vì theo SIPPO cho biết, họ chỉ chọn thêm 2 DN cho hội chợ của năm 2015.

Trang trí cho mặt hàng gốm sứ. Ảnh: LONG THANH

Trang trí cho mặt hàng gốm sứ.
Ảnh: LONG THANH

- Theo ông, hiệu quả của việc tham gia các hội chợ quốc tế thế nào?

- Việc tham gia các hội chợ quốc tế là rất cần thiết để giới thiệu sản phẩm, thương hiệu của DN đến các đối tác. Song cũng phải nhìn nhận, điều quan trọng quyết định DN có thể tìm kiếm được bạn hàng hay không nằm ở khâu chuẩn bị hàng hóa của DN cũng như mức giá sản phẩm.

Vì thực tế, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hiện giá thành vẫn còn khá cao do những yếu tố đầu vào liên tục tăng, đó cũng là lý do khiến nhiều khách hàng còn e ngại. Ngoài ra, những hàng hóa chúng ta tự thiết kế mang tính tác phẩm nhiều hơn sản phẩm, tức tính phổ biến để sản xuất hàng loạt chưa cao.

Chính vì vậy, việc lựa chọn sản phẩm mang sang những hội chợ quốc tế là hết sức quan trọng. Song vì chi phí nên DN không thể mang quá nhiều hàng hóa.

- Ông có thể cho biết tình hình xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ những tháng đầu năm 2014 ra sao?

- Theo thống kê, 4 tháng đầu năm xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ vẫn giữ được mức tăng trưởng. Cụ thể là mặt hàng mây tre, cói thảm tăng 12,29% so với cùng kỳ năm trước, đạt 78 triệu USD; gốm sứ tăng 10,2%, đạt 160 triệu USD.

Ở một số thị trường như châu Mỹ, châu Âu, lượng khách đặt hàng đang tăng trở lại. Nhưng như tôi đã nói ở trên, thách thức với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là làm sao giảm giá thành sản phẩm. Tỷ suất lợi nhuận của ngành thủ công mỹ nghệ hiện rất thấp, chính vì thế bài toán đặt ra là làm sao để nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc sản xuất những sản phẩm có giá trị cao.

Và điều này đòi hỏi chúng ta không chỉ có những người lao động thời vụ mà phải có những nghệ nhân. Với những người đã tham gia vào ngành này như chúng tôi, dù khó khăn vẫn phải cầm cự và tùy cơ ứng biến. Vì dù sao cũng đã đầu tư và không thể nói bỏ là bỏ. Chúng tôi luôn tìm cách liên kết với nhau, hỗ trợ công nghệ, chia sẻ đơn hàng để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác