Cơ hội năng lượng tái tạo

Cam kết giảm 8% lượng khí phát thải khí nhà kính, thậm chí có thể là 25% của Chính phủ sẽ tạo cơ hội tốt hơn cho các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai.

Cam kết giảm 8% lượng khí phát thải khí nhà kính, thậm chí có thể là 25% của Chính phủ sẽ tạo cơ hội tốt hơn cho các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai.

Quyết tâm của Việt Nam

Phát biểu tại phiên toàn thể của Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Lời cam kết của Thủ tướng trước cộng đồng quốc tế cho thấy quyết tâm chống biến đổi khí hậu của Việt Nam, đặt biệt khi Việt Nam lại là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Tất nhiên, để thực hiện được cam kết đó cần phải có những hành động cụ thể thúc đẩy các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, trong đó bao gồm cả lĩnh vực năng lượng tái tạo. Thực tế, một loạt nghị định quy định về chính sách ưu đãi và cơ chế giá hỗ trợ đối với các dự án điện gió, điện sinh khối và điện từ rác thải rắn đã được Chính phủ ban hành. Ngay thời điểm hiện tại, cơ chế ưu đãi và giá đối với các dự án điện mặt trời cũng đang được dự thảo và lấy ý kiến của các nhà đầu tư.

“Bảo vệ môi trường, xã hội và y tế cộng đồng là một trong những lý do thúc đẩy Việt Nam tiến tới phát triển năng lượng tái tạo” - ông Werner Kossmann, Tư vấn trưởng Dự án Hỗ trợ năng lượng tái tạo của tổ chức GIZ (Đức), nói. Theo ông Kossmann, tiềm năng năng lượng tái tạo ở Việt nam không thua kém các nước khác như Malaysia, Indonesia hay Thái Lan.

 DN đua đầu tư mới

Sau khi thành công với dự án điện gió tại Bạc Liêu, Công ty Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý đã xúc tiến ngay 1 dự án tiếp theo tại Cà Mau. Với tổng kinh phí ước tính trên 70.000 tỷ đồng, gồm 150 trụ tuabin và có công suất 300MW, đây là một trong những dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn tại ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Gần đây nhất, tỉnh Cà Mau đã thống nhất sẽ trình Chính phủ xem xét phê duyệt dự án. Sở dĩ ông Tô Hoài Dân, Giám đốc Công ty Công Lý, quyết định đầu tư thêm một dự án điện gió nữa bởi ông nhìn thấy xu thế mới trong phát triển năng lượng tại Việt Nam. Trong chiến lược phát triển xanh được Chính phủ đưa ra những năm gần đây, năng lượng tái tạo luôn là một trong lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Hiện tại, hầu hết nguồn cung điện của cả nước phụ thuộc vào các dự án nhiệt điện và thủy điện, trong khi đó nguồn cung từ các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối chỉ chiếm khoảng 1%. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ tăng lên đáng kể trong các năm tiếp theo khi nhiều dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động. Ông Kossmann cho biết chiến lược phát triển xanh quốc gia và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đang tạo ra một xu hướng đầu tư vào năng lượng tái tạo tại VN. Bằng chứng là một loạt dự án đã được đề xuất bởi các nhà đầu tư tư nhân trong thời gian qua.

Lắp đặt tua bin gió tại Bạc Liêu.

Lắp đặt tua bin gió tại Bạc Liêu.

Gần đây nhất, Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc đề xuất đầu tư 200 triệu USD vào Thừa Thiên - Huế để xây dựng dự án năng lượng mặt trời, có công suất 100-200MW. Trước đó, cuối tháng 9 vừa qua, Công ty Solar Park cũng đến từ Hàn Quốc, đã đề xuất kế hoạch đầu tư nhà máy điện mặt trời có công suất 300MW tại Hà Tĩnh.

Theo ông Hom Nam Pyo, Phó Chủ tịch Solar Park, công ty mong muốn xây dựng một trong những dự án điện mặt trời quy mô lớn trên thế giới, với tổng vốn đầu tư khoảng 550-600 triệu USD. Hay ngay cả như Tata Power, hiện đang nghiên cứu đầu tư dự án nhiệt điện lớn tại Sóc Trăng, cũng đã bắt đầu để mắt đến tiềm năng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Công ty này cho biết đang tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án điện gió và điện mặt trời ngay tại Sóc Trăng và Ninh Thuận. Một đại diện của Tata Power cho biết, công ty muốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo bởi hành lang pháp lý trong lĩnh vực này cũng đã hoàn thiện hơn so với trước. Và về dài hạn, cũng là vì Chính phủ Việt Nam đã cho thấy quyết tâm bảo vệ môi trường thông qua phát triển những lĩnh vực công nghiệp thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, dù xu hướng các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo ngày càng tăng, song những dự án được triển khai thực tế lại không nhiều. Trường hợp như dự án điện gió Bạc Liêu của công ty Công Lý vẫn chỉ là số ít. Theo ông Kossmann, lý do khiến các nhà đầu tư chậm trễ triển khai vì họ vẫn còn kỳ vọng sẽ có nhiều ưu đãi hơn, và mức giá mua điện từ các dự án năng lượng tái tạo cũng sẽ được Chính phủ điều chỉnh hấp dẫn hơn. Đa số nhà đầu tư hiện tại đều cho rằng mức giá mua điện từ các dự án năng lượng tái tạo Chính phủ đưa ra, dù đã có cải thiện, nhưng vẫn dưới kỳ vọng. “Tôi đã thấy khoảng 40-50 nhà đầu tư đăng ký vào các dự án năng lượng tái tạo, nhưng hầu hết là vì mục tiêu dài hạn” - ông Kossmann chia sẻ.

Các tin khác