Cơ hội nào cho HPG?

(ĐTTCO) - ĐHCĐ thường niên 2022 tưởng chừng sẽ là động lực tạo nên sự hồi phục của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) sau chuỗi ngày suy giảm. Thế nhưng, sự kiện quan trọng này lại là “giọt nước” làm “chảy tràn” uẩn ức bấy lâu nay của các nhà đầu tư (NĐT).
CP hay giấy lộn?
Trong phần chất vấn tại ĐHCĐ năm 2022, các cổ đông đã nhắc lại với Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long câu hỏi về đợt phát hành cổ phiếu (CP) tăng vốn trước đó của HPG. Cụ thể, trong năm 2021 HPG có đợt chi trả cổ tức bằng tiền mặt 5% và 35% bằng CP.
Theo ý kiến cổ đông, thời điểm đó HPG có lượng tiền mặt lớn, nhưng HĐQT chi trả tiền mặt thấp, trong khi cổ tức bằng CP cao gây thiệt hại cho NĐT. Lý do, sau đợt phát hành này giá CP HPG liên tục lao dốc khiến nhiều NĐT thua lỗ nặng và giờ CP HPG không khác gì giấy lộn. 
Đón nhận câu hỏi khó này, ông Long tỏ ra bức xúc, cho rằng đây là sự xúc phạm đối với Ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Ông Long chia sẻ: “Tôi là cổ đông lớn nhất, tâm huyết nhất, nên nếu nói về tâm huyết trước sau như một, trên TTCK tôi là người làm ăn nghiêm túc nhất, sống chết vì HPG. Muốn phát triển lên quy mô lớn hơn phải có vốn. Không thể nói phát hành thêm CP là phát hành bằng giấy lộn. Doanh thu 1 ngày của HPG khoảng 500 tỷ đồng, thuộc hàng lớn nhất Việt Nam, tương đương hàng ngàn công ty bình thường. Do vậy, muốn làm thêm các dự án phải có vốn”. 
Cơ hội nào cho HPG? ảnh 1
Về lý do chi trả cổ tức bằng tiền mặt thấp, ông Long giải trình, trong 46.000 tỷ đồng tiền mặt có sẵn, HPG phải có 20.000-30.000 tỷ đồng là “tiền lỏng”. Đây là số tiền không sử dụng nhưng luôn sẵn sàng để đảm bảo khả năng thanh toán. Số tiền này không được phép dùng để kinh doanh, hay dùng vào việc gì, thậm chí không thể gửi ngân hàng để lấy lãi 400-500 tỷ đồng/năm. Hiện HPG đang xem xét công bố dự án Dung Quất 3, nên nhu cầu vốn rất cao. Đây cũng chính là lý do HĐQT quyết định chỉ chia cổ tức bằng tiền mặt 5%, thay vì 10%. Thời kỳ khó khăn nhất đang ở phía trước
Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của cổ đông chính là câu trả lời của lãnh đạo HPG về kết quả kinh doanh trong thời gian tới. Theo ông Long, ngành thép đang trong giai đoạn khó khăn vì 2 nguyên nhân.
Đầu tiên là xung đột Nga - Ukraine. Khi căng thẳng mới xảy ra, nhiều chuyên gia dự báo ngành thép sẽ hưởng lợi vì 2 quốc gia này đều là những nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, thực tế không như mong đợi khi xung đột gia tăng kéo theo giá nguyên liệu đầu vào là than tăng sốc.
Kế đến là chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, quốc gia hiện chiếm 60% nhu cầu tiêu thụ thép thế giới. Do lượng thép xuất khẩu của HPG hiện chiếm 30% sản lượng, nên đây là những yếu tố gây khó khăn cho HPG. Đáng chú ý, HPG vừa xuất khẩu sang Mỹ nhưng lại có đơn kiện chống bán phá giá ở thị trường này.
“Trong các quý tới, mọi người sẽ thấy kết quả kinh doanh thê thảm như thế nào vì ngành thép không thuận lợi” - ông Long chia sẻ.
Việc ông Long có cái nhìn bi quan về hoạt động sản xuất kinh doanh sắp tới của HPG khá dễ hiểu, bởi giá thép vẫn đang diễn biến bất lợi với doanh nghiệp thép. Theo giới phân tích, tâm lý thị trường thép châu Âu hoảng loạn bởi chiến sự Nga - Ukraine đã phản ánh vào giá thép tại thị trường này giai đoạn đầu tháng 3 đến đầu tháng 4, với giá HRC giao ngay tăng vọt từ 1.068USD/tấn lên 1.584USD/tấn.
Ngược lại, người mua e ngại viễn cảnh nguồn cung thép từ các nhà cung cấp lớn như Nga và Ukraine sẽ bị cắt đứt hoặc giảm mạnh, và sản xuất thép nội khối sẽ gặp nhiều khó khăn. 
Từ giữa tháng 4 đến nay, giá HRC giao ngay đã liên tục giảm, đạt 1.300USD/tấn vào cuối tuần trước. Hiệp hội Thép châu Âu (EUROFER) gần đây đã đưa ra dự báo tiêu thụ thép của khu vực có thể giảm 1,9% trong năm nay, thay vì tăng 3,2% như dự báo đưa ra trong tháng 2.
Các nhân tố như giá năng lượng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và cú sốc chiến tranh, có thể dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng lâu bền sử dụng nhiều thép như ô tô và đồ điện gia dụng.

Cổ đông thất vọng
Tỷ lệ “đòn bẩy” gia tăng trong các năm gần đây và nếu tiếp tục duy trì trong thời gian dài, sẽ làm bào mòn lợi nhuận của HPG. Tại thời điểm cuối năm 2021, HPG có 57.213 tỷ đồng nợ vay ngắn và dài hạn, chiếm 32,1% cơ cấu tổng tài sản.
Tiết lộ của ông Long đã tạo “cơn địa chấn” không chỉ với HPG mà với hàng loạt mã CP thép đang niêm yết trên thị trường. Ngay trong phiên giao dịch ngày 24-5, mã HPG bị bán tháo mạnh và giảm xuống dưới mốc 35.000 đồng/CP. Ở phiên giao dịch kế tiếp, trong khi nhóm CP thép đảo chiều tăng giá trở lại, HPG vẫn tiếp tục bị bán ra và giảm xuống còn hơn 34.000 đồng/CP.
Đây là mức đáy của HPG trong khoảng 1 năm trở lại đây. Ở mức giá này, nếu so với mức giá hơn 50.000 đồng/CP thời điểm đầu tháng 3, HPG đã giảm hơn 30%, với NĐT sử dụng “đòn bẩy” mức thua lỗ lên đến 60% (chưa tính lãi vay).
Với tình cảnh này, điều NĐT quan tâm là lãnh đạo doanh nghiệp có giải pháp gì để kìm hãm đà giảm của HPG, bảo vệ quyền lợi cho cổ đông. Trước lo lắng chính đáng này của các cổ đông, ông Long trấn an cổ đông, trong bất cứ hoàn cảnh nào HPG luôn có kết quả tốt nhất của ngành thép.
Do vậy, về dài hạn NĐT mua CP HPG sẽ không bao giờ bị lỗ. Về giải pháp cứu giá trong ngắn hạn như mua lại CP làm CP quỹ, hay cổ đông lớn đăng ký mua vào.
Với câu hỏi này, ông Long cho rằng nguồn lực doanh nghiệp có giới hạn nên không thể mua CP quỹ. Còn giải pháp thứ 2, ông Long đưa ra đề xuất sẽ đăng ký mua vào, nhưng với điều kiện “khi giá CP lên phải cho bán ra để… chốt lời”. 
Câu trả lời của ông Long khiến nhiều cổ đông khá bất ngờ, bởi trước đó ông Long khuyên mọi người đầu tư dài hạn vào HPG, và bản thân ông Long cũng sẽ “sống chết” với doanh nghiệp. Những cổ đông gồng lỗ với HPG tới ngày hôm nay đã hiểu lý do vì sao HPG luôn nằm đầu bảng trong danh sách CP bị bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán bán ra mạnh trong những ngày gần đây. 
Trước đó, HPG cũng chính là mã CP bị khối ngoại bán ra mạnh nhất trong quý I với giá trị bán ròng hàng ngàn tỷ đồng. Sự thất vọng của NĐT với HPG còn thể hiện qua sự tụt giảm thê thảm về mặt thanh khoản, với lượng giao dịch giảm 44% so với thời điểm CP lên đỉnh trong năm 2021. 

Các tin khác