Đường nhập khẩu Thái Lan với giá rất rẻ sau một thời gian đi vào Việt Nam đã chính thức bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Các chính sách thuế này với đường từ Thái Lan có thể xem là một trợ lực tốt với nông dân, các doanh nghiệp ngành đường trong nước khôi phục, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, đây chỉ như "lớp bảo vệ” tạm thời, quan trọng vẫn là những nỗ lực của chính doanh nghiệp.
Ngay sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu mặt hàng đường vào Việt Nam giảm bình quân từ 85% xuống 5%. Không còn rào cản thuế, hàng nhập khẩu từ Thái Lan tràn vào Việt Nam theo đường chính ngạch. Điều này đã khiến hàng loạt nhà máy đường phải đóng cửa, hàng chục nghìn hộ nông dân bị ảnh hưởng.
Từ khoảng 40 nhà máy mía đường hoạt động, hiện chỉ còn hơn 20 nhà máy duy trì được hoạt động.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), ngay khi Bộ Công Thương mới có quyết định sơ bộ áp thuế đường Thái Lan, các doanh nghiệp đã nâng giá thu mua mía. Từ khi có quyết định chính thức, giá mía tiếp tục được nâng lên và doanh nghiệp, nông dân rất mừng.
Theo các doanh nghiệp mía đường, việc này đã làm giảm cạnh tranh không bình đẳng của đường Thái Lan đối với ngành sản xuất trong nước, từ đó giúp giá đường trong nước nhích lên, đồng thời, giá thu mua mía của nông dân đã tăng từ 100.000 đến 200.000 đồng/tấn.
Tại nhiều địa phương, các đơn vị sản xuất và người nông dân đã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng mía cho niên vụ 2021-2022. Việc áp thuế cũng đã tạo điều kiện để từng bước phục hồi vùng nguyên liệu của các nhà máy.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Lộc, đây mới chỉ là tín hiệu tốt bước đầu, con đường của ngành mía đường vẫn còn nhiều trông gai. Bởi lẽ đường trong nước vẫn bị áp lực bởi đường lẩn tránh thuế và đường lậu. Từ khi áp thuế, sản lượng đường Thái Lan về Việt Nam giảm nhưng sản lượng đường giá rẻ, thực chất vẫn là đường Thái Lan vẫn vào Việt Nam thông qua các nước khác.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, xảy ra hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN. Lượng đường nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Indonesia vào Việt Nam đã gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, với mức tăng gấp 16 lần.
"Từ trên 20.000 tấn của 5 tháng đầu năm 2020 so với trên 320.000 tấn của 5 tháng đầu năm nay thực sự là hiện tượng không bình thường. Chắc chắn cả 5 nước ASEAN trên hoàn toàn không có phát triển gì về năng lực cạnh tranh mía đường để có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng bùng nổ như vậy," ông Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, đây là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Hiệp hội tiếp tục cung cấp thêm các bằng chứng này với cơ quan chức năng, nhất là Bộ Công Thương về hoạt động nhập khẩu lẩn tránh thuế này. Mặc dù vừa qua, các đường biên giới được kiểm soát chẽ bởi sự kiểm soát dịch COVID-19 nhưng thực tế đường lậu vẫn vào Việt Nam.
Bên cạnh câu chuyện ngành mía đường phải tích cực đấu tranh với các gian lận thương mại, tăng cường phòng vệ thương mại thì bản thân doanh nghiệp ngành đường cũng phải tự nỗ lực để thích ứng với tình hình mới.
Sản xuất 6ha mía hàng chục năm nay, nuôi được con ăn học cũng từ cây mía, nay ông Nguyễn Quốc Thế ở Ninh Tân, Ninh Hòa, Khánh Hòa đã phải từ bỏ cây trồng này để chuyển sang trồng sắn.
Năm nay, sắn được mùa, được giá nên ông Thế thấy quyết tâm chuyển đổi của mình đã đúng. Nhưng nhìn lại cây mía, ông Thế không khỏi lo lắng bởi các nhà máy mía đường và nông dân không tìm được tiếng nói chung. Nhà máy không có chính sách tạo động lực cho nông dân yên tâm, đầu tư sản xuất.
Lãnh đạo SBT cho biết SBT có thể tự tin bước vào hội nhập, bởi doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, hướng dẫn người nông dân ứng dụng các phương pháp cánh tác mới và công nghệ quản lý hiện đại vào cánh đồng truyền thống. Các nông trường của SBT từ 3 năm nay đã áp dụng hệ thống quản lý nông nghiệp (FRM), bám sát tình hình và kịp thời đưa ra những khuyến nghị phù hợp cho từng cánh đồng mía.
Các doanh nghiệp của SBT cũng thực hiện chính sách đầu tư vốn, máy móc thiết bị từ 18-50 triệu đồng/ha tùy khách hàng, khu vực và cam kết bao tiêu đầu ra trong 3 vụ cho người nông dân an tâm canh tác. Người nông dân cũng được khuyến khích dồn điền, đổi thửa để cùng SBT tạo nên những cánh đồng mía lớn, hướng tới mục tiêu cơ giới hóa toàn diện, nâng cao năng suất và sản lượng cũng như chữ đường để giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho các bên.
Với thực trạng nông dân phải bỏ cây mía tìm đến các cây trồng khác, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đánh giá đây cũng là quy luật cung cầu khi hiệu quả cây mía thấp hơn cây trồng khác và là điều tích cực. Tuy nhiên, đi kèm theo các vùng mía là các nhà máy mía đường. Việt Nam đã có một thời gian phát triển ồ ạt các nhà máy mía đường; trong đó có một số nhà máy không có công nghệ hiện đại dẫn đến chi phí sản xuất cao, hiệu quả sản xuất thấp, thiếu sức cạnh tranh.
Với tôn chỉ hoạt động “Nông dân có lãi-Nhà máy có lời," bên cạnh việc hỗ trợ vốn, Công ty cổ phần Thành Công-Biên Hòa (SBT) đã và đang xây dựng nhiều chính sách đầu tư, thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật cho người trồng mía để có những chuyển biến tích cực đến từng cánh đồng mía.
Về liên kết giữa nhà máy và nông dân, theo ông Nguyễn Văn Lộc, mối liên kết này vẫn còn yếu. Các bên vẫn tồn tại những lợi ích riêng và không tìm đến được tiếng nói chung. Trong khi đó, những sản phẩm ngoài đường mới chỉ là định hướng. Việc phát triển các sản phẩm phụ như cồn nhiên liệu, điện từ bã mía… sẽ lệ thuộc vào chính sách khuyến khích, hỗ trợ của nhà nước.
Mía được xem là cây trồng có sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và nhà máy, khác hẳn so với các cây trồng khác. Đây có lẽ là một cây trồng có điều kiện bắt buộc và sẽ không phải lo hỗ trợ tiêu thụ.
Theo ông Lê Quốc Thanh, đối với cây trồng có điều kiện bắt buộc như cây mía thì phải xác định sự liên kết là không thể thiếu. Sau những thách thức của ngành mía đường là cơ hội nhìn lại để doanh nghiệp, nông dân tìm ra con đường đúng hơn, tổ chức liên kết với các điều kiện ràng buộc chính xác hơn.