Cơ hội “phá băng” nợ xấu đang mở ra trong năm 2013 khi nhiều giải pháp tháo gỡ sẽ được thực thi.
Nợ xấu có đáng lo ngại?
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng đến cuối năm 2012 ước khoảng 8,6-10% trên tổng dư nợ (khoảng 2,5-2,8 triệu tỷ đồng).
Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN khẳng định, nhiều khoản nợ ở Việt Nam không “quá xấu”, bởi các khoản nợ có tài sản đảm bảo chiếm trên 84%, tài sản này có giá trị bằng khoảng 135% khoản nợ xấu.
Nhiều khoản nợ được trích lập dự phòng rủi ro, các tổ chức tín dụng đã trích lập trên dưới 70.000 tỷ đồng cho việc này. Có thể gọi đây là các khoản nợ không sinh lời và hoàn toàn có cơ sở để xử lý.
NHNN cũng cho biết, sỡ dĩ nợ xấu tăng nhanh trong năm 2012 là hệ quả phát sinh và tích tụ từ một số năm trước và do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Chính điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế không ổn định do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới kéo dài, đặc biệt là khu vực châu Âu đã tác động đến hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế của Việt Nam.
Mặt khác, các giải pháp kích thích kinh tế, nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng đã tạo điều kiện cho tín dụng ngân hàng tăng trưởng nhanh, bình quân 30,6%/năm.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2011 đến nay, Chính phủ tập trung thực thi đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vì vậy, chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác được điều hành theo hướng chặt chẽ, linh hoạt.
Kết quả là tăng trưởng kinh tế năm 2011 chỉ đạt 5,89% (thấp hơn so với mức tăng trưởng kinh tế 6,78% của năm 2010); năm 2012, tăng trưởng kinh tế đạt 5,03%. Chính điều này dẫn tới nợ xấu bắt đầu lộ diện rõ hơn, khi tăng trưởng tín dụng chậm dần và giảm trong năm 2012.
Cùng với đó, thị trường chứng khoán ảm đạm, thị trường bất động sản sụt giảm kéo dài đã làm giảm giá trị tài sản bảo đảm bằng chứng khoán và bất động sản. Nợ đọng trong xây dựng cơ bản lớn dẫn đến nhiều công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư thấp, chủ đầu tư không có nguồn vốn để thanh toán cho giá trị khối lượng thực hiện góp phần làm cho nợ xấu tăng lên.
Sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa khó khăn và hàng tồn kho tăng cao làm ứ đọng vốn trong sản xuất, doanh nghiệp (DN) không có đủ nguồn thu để trả nợ ngân hàng.
Trong khi đó, năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng trong nước còn nhiều bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng tín dụng và mức độ rủi ro. Tình trạng vi phạm quy định pháp luật về hoạt động cấp tín dụng và an toàn hoạt động ngân hàng dẫn đến nợ xấu lớn ở nhiều tổ chức tín dụng.
Một bộ phận cán bộ, nhân viên yếu kém về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, hoặc thông đồng với khách hàng gây tổn thất cho tổ chức tín dụng.
Cơ hội “phá băng” nợ xấu
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), năm 2013 đang mở ra cơ hội đặc biệt cho Việt Nam “phá băng” nợ xấu, để khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, khơi thông các thị trường hàng hóa khác.
Theo Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam phát hành cuối năm 2012: “Việt Nam có cơ hội đặc biệt để giải quyết một phần nợ xấu thông qua tiếp cận vốn nước ngoài với chi phí thấp hơn nhiều so với thông thường.
Với việc chương trình tái cơ cấu đang được Chính phủ quyết tâm triển khai, Việt Nam sẽ đạt được một số thành công quan trọng về tái cơ cấu trong năm 2013”.
Chương trình xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã được các cơ quan chuyên ngành triển khai thực hiện một cách quyết liệt và cam kết sẽ tiếp túc được đẩy mạnh thực hiện trong năm 2013. Đây là một trong những tín hiệu tích cực cho kinh tế Việt Nam trong năm mới, theo đó, vấn đề xử lý các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) yếu kém cũng sẽ rõ ràng hơn.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi, tổng cầu của nền kinh tế yếu, hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa khó khăn, số lượng các DN giải thể, ngừng hoạt động tăng, hàng tồn kho lớn, DN khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng... thì việc đưa ra các giải pháp gỡ khó cho DN, khơi thông nguồn vốn để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa rất quan trọng.
Khi nợ xấu tại các ngân hàng được cải thiện, thì NHNN cũng từng bước thu hồi khoản vốn cho vay dưới hình thức tái cấp vốn hay ứng vốn.
Có thể nói, xử lý nợ xấu có rất nhiều biện pháp nhưng biện pháp từ nội tại các ngân hàng thương mại phải được coi là chủ yếu thông qua việc nâng cao quản trị rủi ro và trích đúng, đủ dự phòng theo quy định. Còn xử lý nợ qua Công ty mua bán nợ quốc gia trực thuộc NHNN không phải là giải pháp tối ưu cho các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay. Mặt khác, nguồn vốn cho Công ty này hoạt động cũng không phải là nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế còn eo hẹp về vốn.
Hơn nữa, cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực… cho Công ty này hoạt động cũng là vấn đề đặt ra, đòi hỏi cần có ngay biện pháp để giải quyết cấp bách tình trạng nợ xấu hiện tại.
Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam vẫn đang thiếu một cơ chế và định chế xử lý nợ xấu. “Nợ xấu sẽ được giải quyết nếu có một định chế xử lý nợ xấu được thành lập, cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho định chế này hoạt động. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ứng xử với áp lực xã hội, giải trình với người dân; đồng thời, việc xử lý ai trước, ai sau”.
Trên thực tế, dù giải pháp nào được thực hiện, các ngân hàng có nợ xấu cần phải được tái cấu trúc và kiểm soát, giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý liên quan. Mặt khác, cũng cần có các biện pháp thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển; khuyến khích việc phát hành, mua bán trái phiếu DN và mua bán nợ.
Việc sắp xếp, đổi mới và cơ cấu lại các DNNN, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước cũng cần phải gắn với việc xử lý nợ xấu và lành mạnh hóa tài chính của các DNNN.