Nhiều quốc gia trên thế giới đã đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, với mục tiêu 2/3 người dân sẽ tiêm đủ ngay năm nay để quay trở lại cuộc sống bình thường.
Chạy đua tiêm vaccine
Tính đến thời điểm này, theo các thông tin công bố, Malta trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu đạt miễn dịch cộng đồng. Kế đó là Anh với 61% người được tiêm, Iceland 55%, Hungary 54%.
Tại Mỹ, 52% người dân đã được tiêm vaccine. Israel cũng đã triển khai tiêm vaccine trên diện rộng nên số ca nhiễm chỉ còn 4-5 ca/ngày, và chính phủ nước này quyết định từ tháng 6 dỡ bỏ hầu hết mọi biện pháp hạn chế xã hội, trở lại nhịp sống bình thường.
Tại Đông Nam Á, Malaysia đã tiêm chủng cho khoảng 2,5 triệu người, chiếm gần 8% dân số. Thái Lan cũng bắt đầu tiêm chủng đại trà và dự kiến tiêm 6 triệu liều trong tháng 6 này.
Trên thị trường có loại 7 vaccine phòng Covid-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép gồm Pfizer-BioNTech, Johnson & Johnson, Moderna (Mỹ), AstraZeneca, một phiên bản của vaccine AstraZeneca (Anh), Sinopharm và Sinovac (Trung Quốc). Ngoài ra, còn có một số loại khác chưa được WHO cấp phép như Valneva (Scotland), Sputnik (Nga)...
Nhu cầu về vaccine chống Covid-19 cho thế giới ước tính trên dưới 14 tỷ liều. Trên thực tế, cho đến cuối năm 2020, tất cả các nhà máy trên thế giới chỉ có thể sản xuất 3,5 tỷ liều. Vì thế, sự khan hiếm vaccine dự kiến còn kéo dài.
Ngành công nghiệp bào chế vaccine chiếm 5% tổng doanh thu thị trường thuốc toàn cầu, tức khoảng 5% trong số 1.000 tỷ USD. Trên thế giới hiện có 4 tập đoàn lớn chế tạo vaccine và kiểm soát đến 80% thị phần. Trong số 4 công ty tên tuổi thống lĩnh toàn cầu, thời gian gần đây Pfizer được nhắc đến nhiều hơn cả, kế đến là Sanofi, GlaxoSmithKline (GSK) và sau cùng là Merck.
Vaccine Covid-19 đang trở thành thị trường lớn cho nhiều hãng dược. Chẳng hạn, Moderna - tham gia thị trường dược phẩm thế giới từ năm 2010, và chưa bao giờ làm ăn có lãi - thông báo ký hợp đồng 15 tỷ USD để cung cấp 310 triệu liều vaccine cho châu Âu năm nay, và thêm 150 triệu cho năm tới. Cổ phiếu của công ty này đã tăng hơn 240% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam đã bước vào đợt dịch thứ 4 được gần 2 tháng, với số ca nhiễm liên tục tăng và ghi nhận sự xuất hiện của những biến chủng virus nguy hiểm, lây lan nhanh hơn đến từ Anh, Ấn Độ. Mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam bắt đầu bước vào kế hoạch triển khai tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Việt Nam sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax.
Mặc dù vậy, tính phức tạp của dịch bệnh vẫn đòi hỏi sự chủ động hơn về vaccine cho hiện tại và cả tương lai. Nếu không muốn bị phụ thuộc vào nguồn vaccine bên ngoài, không có cách nào khác Việt Nam phải tự chủ động loại vaccine quan trọng này cho thị trường trong nước cũng như cơ hội xuất khẩu.
Vaccine Made in Vietnam
Trừ Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, đã được AstraZeneca chọn làm đối tác ký hợp đồng, hầu hết doanh nghiệp Việt đều đứng ngoài cuộc chơi đàm phán trực tiếp với các hãng sản xuất vaccine.
VNVC là doanh nghiệp mới ra đời cách đây 4 năm, và là nhà nhập khẩu vaccine thế hệ mới từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới, chuyên cung cấp các dịch vụ tiêm chủng lưu động, gói vaccine theo độ tuổi... VNVC đã đặt cọc gần 30 triệu USD (gần 690 tiỷ đồng) để nhận được quyền mua vaccine AstraZeneca với mức giá ưu đãi, sau khi vaccine chính thức được lưu hành.
Bên cạnh đó, VNVC cũng phải chứng minh năng lực về nhập khẩu, bảo quản, hệ thống kho lạnh, vận chuyển, triển khai tiêm chủng...
Trong đó, vaccine Nanocovax của Nanogen đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Ông Hồ Nhân, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Nanogen, cho biết chỉ riêng sản xuất vaccine ngừa Covid-19, Công ty đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng để mở rộng 3 nhà máy, mua nguyên phụ liệu, dây chuyền sản xuất, tập trung nhân sự làm vaccine hơn 100 người.
Theo kế hoạch, sau khi thử nghiệm thành công, Nanogen sẽ sản xuất khoảng 20-30 triệu liều/năm, và có thể nâng công suất lên 120 triệu liều/năm. Nanogen đang đàm phán với các đối tác ở Hàn Quốc và Ấn Độ, để sản xuất vaccine NanoCovax tại đó.
IVAC cũng đang thử nghiệm vaccine Covivac giữa giai đoạn 1 để chuyển tiếp nghiên cứu giai đoạn 2 tại Thái Bình. Nếu vaccine này được cấp phép, Công ty dự kiến đạt quy mô sản xuất khoảng 6 triệu liều/năm, và có thể nâng công suất đến 30 triệu liều/năm.
Tuy nhiên, muốn nhanh chóng sản xuất vaccine đạt hiệu quả, và cũng để tự chủ vaccine phòng Covid-19, Việt Nam cần hợp tác, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ các nhà sản xuất quốc tế.
Một doanh nghiệp Việt đã được cho phép đàm phán với nhà sản xuất Mỹ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 từ tinh chất mRNA. Dự tính, từ quý IV-2021 hoặc đầu năm sau, doanh nghiệp trên có thể triển khai sản xuất theo công nghệ này với công suất 100-200 triệu liều/ năm.
Riêng Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Vabiotech đang đàm phán để đối tác Nhật đồng ý chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam. Vabiotech cũng đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga, để từ tháng 7-2021 có thể phân phối vaccine Sputnik V (5 triệu liều/tháng), và tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.
Dù ở giai đoạn nào, trong phân khúc nào, nhưng rõ ràng, những công ty tham gia thị trường vaccine phòng Covid-19 đều có vị thế đặc biệt.
Như Polyvac thuộc Bộ Y tế. Nanogen là doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu dược và thành phẩm thuốc đặc trị cho viêm gan B, viêm gan C, thiếu máu, ung thư... với sản phẩm đã xuất sang 15 quốc gia khắp các châu lục.