Cơ hội và thách thức để Việt Nam thực hiện chuyển đổi số

(ĐTTCO)-Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, dịch COVID-19 đã góp phần xóa bỏ nhiều thói quen cũ, giúp tiếp nhận những thói quen mới dễ dàng hơn như thương mại điện tử, học trực tuyến, làm việc từ xa...
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 9/9, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Trung tâm An ninh mạng Viettel (Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội) cùng Tập đoàn IEC (IEC group) tổ chức “Tọa đàm cấp cao lãnh đạo công nghệ thông tin và an toàn thông tin” bằng hình thức trực tuyến.

Đảm bảo an toàn thông tin trong trạng thái bình thường mới

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều hoạt động chuyển lên môi trường internet, các nhà lãnh đạo, chuyên gia công nghệ thông tin đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức doanh nghiệp đã chia sẻ các nguy cơ, thách thức trên không gian mạng, gợi ý giải pháp góp phần hạn chế tình trạng mất an toàn thông tin, giảm thiểu rủi ro về an ninh mạng và tăng cường niềm tin số của người sử dụng trong trạng thái bình thường mới.

Từ thứ hạng 50, Việt Nam vươn lên nhóm 25 trong các quốc gia dẫn đầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng. Điều này cho thấy an toàn an ninh mạng của Việt Nam đã có những bước phát triển lớn.

Các chính sách trong lĩnh vực này của các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, đã phát huy hiệu quả.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá cao vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như Bộ Tư lệnh 86, Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai các kế hoạch hành động rất tích cực trong lĩnh vực bảo đảm an toàn an ninh mạng.

Căn cứ vào những chia sẻ tại tọa đàm của các doanh nghiệp đang ứng dụng và triển khai các giải pháp về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, cung cấp dịch vụ về bảo đảm an ninh mạng với các cơ quan quản lý Nhà nước, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp thu ý kiến để xây dựng báo cáo đánh giá về an toàn an ninh mạng, phục vụ cho việc xây dựng đề án năm 2022 sẽ trình Ban chấp hành Trung ương về chủ trương chính sách công nghiệp hoá, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Cơ hội và thách thức

Dịch COVID-19 là một sự cố đặc biệt, làm ảnh hưởng to lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, dịch COVID-19 đã góp phần xóa bỏ nhiều thói quen cũ, giúp tiếp nhận những thói quen mới dễ dàng hơn như thương mại điện tử, học trực tuyến, làm việc từ xa.

Trong những hoạt động này, lĩnh vực công nghệ thông tin và an toàn thông tin đang có lợi thế phát triển trong giai đoạn không tiếp xúc này. Đây chính là cơ hội nhưng cũng là thách thức để thực hiện chuyển đổi số tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng khẳng định.

Trong một năm qua, Việt Nam đã thực hiện mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số quốc gia với nhiều hoạt động cụ thể, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, cơ quan nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp.

Chuyển đổi số là chuyện tất yếu, cần phải triển khai ngay tại từng đơn vị, tổ chức và xa hơn nữa là trên quy mô quốc gia. Chuyển đổi số thành công sẽ góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng một Việt Nam lớn mạnh hơn.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chuyển đổi số tại Việt Nam vẫn còn vấp phải một số rào cản.

“Rào cản lớn nhất với chuyển đổi số chính là tư duy và thói quen cũ, rào cản thứ hai là về hành lang pháp lý, rào cản thứ ba lớn thứ ba là về nhân sự và chuyên gia tham gia chuyển đổi số. Rào cản cuối cùng và cũng là quan trọng nhất là niềm tin số, khi mà chúng ta chuyển các hoạt động lên trên không gian mạng," Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.

Cần phải có sự đồng hành, liên kết 

Để tiếp tục duy trì thứ hạng cao về an ninh mạng hay tiếp tục vươn lên nhóm 20 hay 10 trong bảng xếp hạng về chỉ số an toàn, an ninh mạng, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp chuyển đổi số nhanh chóng và khắc phục ngay các rào cản, thách thức.

Khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, các hoạt động bình thường nhất như trò chuyện, học tập, làm việc đều được chuyển lên không gian mạng. Do vậy, niềm tin số sẽ là động lực thúc đẩy người sử dụng tham gia các hoạt động chuyển đổi số.

Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NSCS) cho biết thời gian dịch COVID-19, có những tháng, Trung tâm NSCS đã xử lý hàng nghìn trang web lừa đảo trực tuyến, nhắm tới các hoạt động thanh toán trực tuyến, chuyển tiền qua internet banking…

Trung tâm đã xây dựng và giới thiệu Hệ thống tín nhiệm mạng là một trong những giải pháp giúp người sử dụng có thể chủ động tìm hiểu và cung cấp thông tin.

Hệ sinh thái tín nhiệm mạng sẽ tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp, giữa những công ty, tổ chức chuyên về an toàn thông tin và cơ quan nhà nước để tăng cường hợp tác, hỗ trợ, xử lý các vấn đề về an toàn an ninh mạng.

Trong quá trình chuyển đổi số, để tăng cường niềm tin số cho người sử dụng, cần phải có sự đồng hành, liên kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giám sát an toàn thông tin cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị chuyên môn về an toàn thông tin.

Các tin khác