(ĐTTCO)-Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ có tốc độ phát triển ấn tượng và hấp dẫn trên thế giới. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng doanh thu bán lẻ và tiêu dùng cả nước luôn tăng trưởng dương.
![]() |
Theo số liệu thống kê, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2015 là 2.469.879 tỷ đồng, chiếm tới 76,2% tổng mức bán lẻ và doanh thu tiêu dùng, bằng 163% so tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2011 (1.578.179 tỷ đồng).
Tuy nhiên, sự có mặt và liên tục mở rộng quy mô của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới đang khiến cạnh tranh trong lĩnh vực này của các nhà bán lẻ Việt Nam ngày càng khó khăn. Cạnh tranh cũng khiến các doanh nghiệp (DN) Việt Nam bộc lộ những điểm yếu về lao động, tính chuyên nghiệp, năng lực quản lý, công nghệ kiểm soát quy trình...
Tại cuộc tọa đàm nhận diện các rủi ro về chính sách đối với ngành bán lẻ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA diễn ra ngày 6-7 ở Hà Nội, Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố kết quả điều tra sơ bộ với 100 DN có hoạt động bán lẻ. Theo đó, có tới 58% DN thừa nhận việc mở cửa cho các nhà đầu tư TPP, EU vào thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ khiến cho hoạt động của họ trở nên khó khăn hơn.
TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cho rằng, ngành bán lẻ đang là chủ đề nóng với những từ ngữ khá gợi cảm như cuộc đổ bộ của các “ông lớn” hay sự lép vế, teo tóp của các nhà bán lẻ Việt.
Phân tích các mô hình bán lẻ mà DN đánh giá là có triển vọng nhất, nhóm nghiên cứu của Trung tâm WTO và hội nhập nhận định, cơ hội dành cho các nhà bán lẻ nước ngoài là rất lớn: 2 mô hình được đánh giá có triển vọng nhất là siêu thị tổng hợp và trung tâm mua sắm - hiện đang là thế mạnh của các nhà bán lẻ nước ngoài. Tuy nhiên, cơ hội dành cho các nhà bán lẻ Việt Nam thậm chí còn lớn hơn nhiều.
Vì ngoài 2 mô hình có triển vọng nhất mà các nhà bán lẻ nội địa vẫn đang có thị phần đáng kể, trong tất cả các mô hình bán lẻ còn lại, đặc biệt là các mô hình bán lẻ có triển vọng trong tốp đầu, thị phần hiện đều thuộc về các nhà bán lẻ Việt Nam là chủ yếu. Các mô hình bán lẻ truyền thống thì hoàn toàn thuộc về các cơ sở kinh doanh bán lẻ cá thể Việt Nam.
Mặc dù lo lắng về những rủi ro tiềm ẩn đối với ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA, nhưng có tới 98% DN được khảo sát đánh giá đây là cơ hội để doanh nghiệp nội địa học hỏi và phát triển. Bên cạnh đó, TPP và EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp họ có thêm nguồn cung hàng hóa phong phú với giá cả hợp lý hơn.
Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, để giảm thiểu rủi ro và tạo đà phát triển cho ngành bán lẻ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, cần có những chính sách hỗ trợ về nguồn hàng, mặt bằng, vốn, lao động, nhất là tạo điều kiện cho DN bán lẻ tiếp cận mặt bằng để phát triển thì mới có thể cạnh tranh được với các DN bán lẻ nước ngoài.
Trước sự lấn át của DN nước ngoài với ngành bán lẻ, việc tìm ra những “khoảng không” để Nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách nhằm giúp DN nội địa nâng sức cạnh tranh trong hội nhập là rất cần thiết trong lúc này.